suphamsaigon.forumvi.com - Gia Đình Sư Phạm Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

033-Tư Liệu về Thầy Phạm Kim Thư

Go down

033-Tư Liệu về Thầy Phạm Kim Thư Empty 033-Tư Liệu về Thầy Phạm Kim Thư

Bài gửi by suphamsaigon Wed Oct 31, 2018 1:08 pm

Tư Liệu về Thầy Phạm Kim Thư
Giáo Sư Tâm Lý Giáo Dục - Trường Sư Phạm Saigon



1. Khải Chính Phạm Kim Thư: Tiểu Sử

Ông tên thật Phạm Kim Thư, bút hiệu Khải Chính. Ông sinh năm 1935 tại Quần Phương Đông, Hải Hậu, Nam Định, Việt Nam.

I. Việt Nam, Trước 30-4-1975

1. Bằng cấp:

- Bachelor of Education(1970) và Master of Education(1971), Đại Học University of Miami, Florida, Hoa Kỳ.
- Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp về Giáo Dục, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Việt Nam Cộng Hòa, 1973.

2. Nghề Nghiệp Dân Sự:

Xuất thân là nhà giáo, tốt nghiệp ban 3 năm đầu tiên của trường Quốc Gia Sư Phạm Saigon, 1958.

a- Nhiệm sở đầu tiên:
Giáo Sư Việt Văn, Trường trung học Pham Bội Châu, thị xã Phan Thiết, 1958.
b- Nhiệm sở cuối cùng trước ngày 30 tháng 4/1975:
- Giáo Sư Tâm Lý Giáo Dục và Sư Phạm Trường Cao Đẳng Sư Phạm Saigon.
- Giáo Sư Tâm Lý Giáo Dục Trường Đại Học Sư Phạm Saigon, Khoa Kinh Thương, Kỹ Nghệ, và Kinh Tế Gia Đình.
- Giáo Sư Anh Văn Trung Học Đệ Nhị Cấp tại các trường tư thục Nguyễn Duy Khang (Gia Định), Tân Văn Tân Việt
(Saigon), và một số trường tư thục khác ở Saigon và Gia Định.
- Giám Đốc Trung Tâm Tu Nghiệp Giáo Chức Saigon.

3. Nghề Nghiệp Quân Sự:

-Tốt nghiệp Khóa 14 Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, 1963.
- Đơn vị trước khi giải ngũ: Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ, giải ngũ năm 1966 với cấp bậc Thiếu Uý.

II. Canada Từ 1979

1. Nghề nghiệp:

- Settlement Counselor, Cross Cultural Learner Centre, London, Ontario, 1979-1989,
- Social Worker, Community Services Department, Metropolitan, Toronto, 1989-1995.

2. Tình Nguyện Tham Gia Sinh Hoạt Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại:

- Sáng lập viên Hội Người Việt London, Ontario, Canada, 1979.
- Sáng lập viên Lớp Việt Ngữ, Hội Người Việt London, Ontario, 16-10-1982.
- Chủ Tịch Họâi Người Việt London, Ontario, 1985-1987,
- Đại Diện Chủ Tịch Đoàn Liên Hội Người Việt Canada, 1986-1987.
- Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện Người Việt Quốc Gia Vùng Toronto và phụ cận, 1991-1992.
- Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Ontario, 1999-2001.
- Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại trong các nhiệm kỳ: 1998-2000; 2000-2001; 2001-2003.

3. Cộng Tác Với Các Báo Chí Hải Ngoại:

Làng Văn (Toronto), Thời Báo Edmonton (Canada) Viễn Đông (Toronto), Đẹp (Houston, Texas), Thế Giới Mới (Arlington,
Texas), Góp Gió (Kent, Washington State), Trách Nhiệm (Santa Ana, Ca.), Thời Luận (Los Angeles và Orange County),
Diễn Đàn Hiệp Lực(Houston, Texas), Diễn Đàn Phật Giáo Hòa Hảo, Seattle, WA., Dân Luận (Calgary), v.v.

III. Tác Phẩm

1- Sách Giáo Khoa (viết chung với đồng nghiệp từ trước 30 tháng 4-1975 ):

- Sư Phạm Lý Thuyết, 1971; Sư Phạm Thực Hành, 1972; Thanh Tra Quản Trị Học Đường, 1973, các tác giả tự xuất bản, Saigon.
- 3 cuốn Trắc Nghiệm Anh Văn từ Lớp 9 tới Lớp 12 A, B, C, Yiễm Yiễm Thư Quán xuất bản , Saigon, 1972-1975.
- Luyện Thi TOEFL & Michigan và Thi Tuyển Đại Học, Yiễm Yiễm Thư Quán xuất bản, Saigon, 1974.
- Văn Phạm Anh Văn (Kèm Trắc Nghiệm), Yiễm Yiễm Thư Quán xuất bản, Saigon, 1974.

2- Thơ, Văn

- Nghĩa Tình, 1988, Làng Văn xuất bản, Canada, tái bản 1991.
- Tham Luận Về Thơ, Ca Dao, và Tục Ngữ; Thơ Bằng Hữu, Làng Văn xuất bản, Canada,1998.
- Kiến Văn, Làng Văn xuất bản, Canada, 2001
Vài tác phẩm tiêu biểu:
Vấn Đề Giáo Dục Con Em tại Bắc Mỹ
Hiện Trạng Cuộc Sống Con Em Việt Nam ở Hải Ngoại và Nguyên Tắc Giáo Dục
Gia Đình: Nền Tảng của Việc Giáo Dục Con Em
Việc Giáo Dục Con Em theo Tinh Thần Nhân Bản



       MỘT SỐ BÀI VIẾT CỦA THẦY PHẠM KIM THƯ

Tìm Hiểu về Lễ Giáng Sinh, Cây Nô En, và Ông Già Nô En Published May 25th, 2008
Khải Chính Phạm Kim Thư


(VNC) Lễ Giáng Sinh là lễ kỷ niệm ngày sinh nhật của Chúa Jesus . Tuy lễ Giáng Sinh là ngày lễ của những người theo đạo Thiên Chúa, nhưng cứ đến ngày lễ này thì mọi người, bất cứ theo đạo nào, cũng được hưởng niềm vui tự nhiên do không khí Giáng Sinh mang lại .
Không phải chỉ những người tin theo đạo Thiên Chúa mới đi lễ nhà thờ, chăng đèn kết hoa trước nhà, và trưng bầy cây Nô En (Noel) trong phòng khách mà mọi người dù theo bất cứ đạo nào cũng tổ chức ăn mừng lễ Giáng Sinh . Người người đều vui, cảm thông, và hưởng trọn niềm ấm cúng thanh bình cùng yêu thương trong mùa Giáng Sinh đầy hy vọng vì Mùa Giáng Sinh đã tạo cơ hội giúp mọi người bỏ hết những hận thù và ích kỷ nhỏ nhen nếu có mà họ không thể thực hiện trước đó được .
Có rất nhiều người cảm thông ý nghĩa của mùa Giáng Sinh một cách tự nhiên mà không thắc mắc hay băn khoăn gì . Nhưng nếu tìm hiểu thêm ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, Cây Nô En, và Ông Già Nô En, chúng ta sẽ thấy thú vị vô cùng .
I . Lễ Giáng Sinh
Tiếng Anh gọi Lễ Giáng Sinh là Christmas, tiếng Anh cổ thời xưa gọi Lễ Giáng Sinh là Cristes Maesse . Từ Cristes Maesse có nghĩa ngày lễ của Chúa (Christ’s Mass) . Ngày Lễ Giáng Sinh được tổ chức vào 25 Tháng 12 dương lịch để kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jesus Christ và được coi là ngày nghỉ lễ chính thức của các nước có người theo đạo Thiên Chúa .
Câu truyện về ngày sinh của Chúa Jesus có tên bằng tiếng Anh là Nativity . Chúa Jesus do Ðức Mẹ Ðồng Trinh tự nhiên mang thai mà sinh ra . Sự thụ thai này do quyền lực thần diệu của Thượng Ðế tạo ra trong khi bà Mary còn đồng trinh . Chúa Jesus được sinh ra trong một chuồng ngựa (stable) tại Bethlehem và được đặt trong máng cỏ (manger) vì lúc đó trong nhà trọ (inn) không còn một phòng trống nào . Sau đó, Chúa Jesus được Ðức Mẹ Mary và chồng của bà là Joseph nuôi nấng tại Nazareth, một thành phố ở phía bắc Israel . Khi được 12 tuổi, Chúa Jesus đến giáo đường ở Jerusalem và đã làm kinh ngạc các giáo sư về môn Mosaic Law với sự hiểu biết của ngài .
Khi lớn lên, Chúa Jesus chọn được 12 người Tông Ðồ cùng ngài đi khắp nơi ở Palistine để giảng đạo, chữa bệnh, và thực hiện các phép lạ . Một trong những phép lạ đó là phép “Loaves and Fishes” (những ổ bánh mì và những con cá) . Chuyện phép lạ này được người ta truyền lại là khi Chúa Jesus thuyết giảng ở một đám đông trong lúc họ rất đói, người ta chỉ tìm thấy 5 ổ bánh mì và 2 con cá . Thế mà nhờ Chúa Jesus làm phép trên 5 ổ bánh mì và 2 con cá này rồi ra lệnh cho các đệ tử của ngài phân phát đồ ăn cho tất cả mọi người . Sau khi mọi người được phát đầy đủ đồ ăn và ăn một cách no nê, người ta thấy 12 chậu đồ ăn vẫn còn đầy .
Nhờ việc đi rao giảng lời của Thượng Ðế, ngài đã có rất nhiều tín đồ và đồng thời cũng có nhiều kẻ thù . Cuối cùng, Chúa Jesus bị tên Judas Iscariot phản bội, bị Pontius Pilate người lãnh đạo dân Do Thái lúc bấy giờ kết án, và bị chính quyền La Mã đóng đinh trên thập tự giá . Những người Thiên Chúa giáo tin là ngài đã cải tử hoàn sinh và sự phục sinh này đã cứu vớt được bao linh hồn .
Theo những tài liệu liên quan tới ngày sinh nhật của Chúa Jesus, người ta thấy Chúa Jesus không phải sinh vào ngày 25 tháng 12 mà có thể vào tháng 4 hay tháng 5 và có lẽ trước đó 3 năm, tức là cách đây (2004) là 2007 năm . Tây lịch được tính theo năm đầu tiên sau khi Chúa sinh ra đời . Theo niên giám La Mã, Lễ Giáng Sinh đầu tiên được tổ chức ở La Mã vào năm 336 Tây Lịch Kỷ Nguyên . Tuy nhiên, ở miền đông đế quốc La Mã, một buổi lễ được tổ chức vào ngày 6 tháng giêng để kỷ niệm chung cho ngày sinh nhật và ngày rửa tội của Chúa Jesus . Cũng vào ngày 6 tháng giêng này ở Jerusalem thuộc Do Thái (Israel) người ta chỉ tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh nhật của Chúa mà thôi .
Mãi vào thế kỷ thứ IV, hầu hết các nhà thờ ở miền đông đế quốc La Mã mới chấp nhận tổ chức sinh nhật Chúa Jesus Christ vào ngày 25 tháng 12 .
Trong lúc ấy ở Jerusalem, người ta vẫn chống đối việc tổ chức Lễ Giáng Sinh . Nhưng về sau này, Lễ Giáng Sinh lại được chấp nhận ở Jerusalem . Các nhà thờ ở nước Armenia, một nước ở Tây Á, đã không chấp nhận Lễ Giáng Sinh . Họ tổ chức ngày sinh nhật của Chúa vào 6 tháng giêng . Sau khi Lễ Giáng Sinh, 25 tháng 12, được thiết lập ở miền đông đế quốc La Mã, ngày kỷ niệm lễ rửa tội của Chúa được tổ chức vào 6 tháng giêng, ngày mà ba vị thông thái (Magus) từ miền đông đế quốc La Mã đến Bethlehem để chiêm ngưỡng Chúa Hài Ðồng .
Những tục lệ cổ truyền về Lễ Giáng Sinh bắt nguồn từ sự trùng hợp ngày sinh của Chúa với những ngày lễ kỷ niệm về nông tang và mặt trời vào mùa đông (Winter Solstice) của những người không theo đạo Thiên Chúa .
Ở La Mã, ngày 17 tháng 12 là ngày lễ Saturnalia để kỷ niệm thần Saturn . Ðây là thời gian ăn chơi tưng bừng nhất và là dịp để mọi người trao đổi quà kỷ niệm . Ngày 25 tháng 12 cũng được coi là ngày sinh nhật của Thần Mithra, Thần Toàn Chân Thái Dương, thuộc xứ Ba Tư . Năm mới của người La Mã là ngày 1 tháng giêng dương lịch . Vào những dịp này người ta trang hoàng nhà cửa bằng cây lá xanh tươi và hoa đèn rực rỡ . Trẻ con và người nghèo được trao quà tặng .
Lửa, đèn, và nến là vật tượng trưng của sự ấm cúng và sự sống, nó luôn luôn liên hệ với các lễ lạc vào mùa đông của cả những người theo đạo Thiên Chúa và các đạo khác . Từ thời trung cổ, cây thông, một loại cây vạn niên thanh, là biểu hiệu cho sự sống và luôn luôn liên hệ với Lễ Giáng Sinh .
II . Cây Nô En
Tiếng Nô En mà người Việt ta thường dùng bắt nguồn từ chữ Pháp là “Noel” và có nghĩa là Giáng Sinh . Cây Nô En có tên bằng tiếng Anh là Christmas Tree . Cây Nô En thường là cây thông nhân tạo làm bằng ni lông (lylon) hay là cây thông thật được chặt ở rừng đem về nhà . Người ta trang trí cây thông này bằng dây đèn đủ màu cùng với các đồ trang hoàng khác như giấy bạch kim để giả làm tuyết phủ, kẹo xanh trắng đỏ có hình cây gậy ba toong (candy canes), các gói quà giả, các quả bóng nhỏ đủ màu làm bằng thủy tinh, hình thiên thần, và cây thánh giá, v .v . Cây thông sau khi được trang hoàng như thế có tên là cây Nô En . Dưới chân cây Nô En người ta có các gói quà do những người trong gia đình mua để tặng cho nhau . Cây Nô En là một thứ không thể thiếu được trong mùa Giáng Sinh .
Việc dùng cành thông và vòng hoa kết bằng lá xanh (wreath) treo ở mặt ngoài cánh cửa nhà để biểu lộ sự ước mong vĩnh cửu cho đời sống con người là cổ tục của người Ai Cập (Egyptian), Trung Hoa, và Do Thái . Việc tôn thờ cây thông và vòng hoa rất được thông dụng ở Châu Âu đối với người không theo đạo Thiên Chúa . Tục lệ này vẫn còn tồn tại sau khi họ nhập đạo Thiên Chúa .
Người ở các nước Thụy Ðiển, Ðan Mạch, và Na Uy, gọi chung là người Scandinavian, thường trang hoàng nhà cửa và vựa lúa với các loại cây vạn niên thanh vào dịp năm mới để xua đuổi ma quỉ . Họ còn dựng cây cho chim trú ngụ trong mùa Giáng Sinh . Phong tục này còn có ở Ðức . Người ta đặt cây Nô En ngay ở lối ra vào hay ở trong nhà vào những ngày nghỉ lễ giữa mùa đông .
Cây Nô En hiện đại ngày nay có được là do phong tục của Tây Ðức . Cái khung cảnh chính của vở kịch nổi tiếng hồi trung cổ về sự tích Ông Adam và Bà Eve là một cây thông có treo những quả táo gọi là Cây Thiên Ðàng tượng trưng cho Vườn Ðịa Ðàng (Garden of Eden) . Người Ðức dựng Cây Thiên Ðàng (Paradise Tree) trong nhà vào ngày 24 tháng 12, ngày hội tôn giáo, để kỷ niệm Ông Adam và Bà Eve . Người ta treo những miếng bánh bít qui (biscuit) gọi là wafers trên Cây Thiên Ðàng tượng trưng cho dấu hiệu của Chúa Jesus đứng ra chuộc tội cho nhân loại . Sau này người ta thay thế bánh Wafers bằng bánh cúc ki (cookie) có đủ hình dáng khác nhau . Cả những cây đèn cầy hay nến cũng được dùng làm biểu tượng của Chúa đứng ra chộc tội cho nhân loại .
Trong cùng một phòng có trưng bày cây Nô En vào mùa Giáng Sinh, người ta còn dựng một Kim Tự Tháp Giáng Sinh (Christmas Pyramid) . Ðây là một cấu trúc bằng gỗ hình tam giác với các kệ để đồ (shelves) . Bên trên các kệ này có bày các pho tượng nhỏ và trang trí bằng cây vạn niên thanh, đèn cầy, và một ngôi sao . Vào khoảng thế kỷ thứ 16 thì Christmas Pyramid và Paradise Tree được kết hợp lại thành cây Nô En (Chistmas Tree) . Phong tục này đã được thịnh hành trong giáo phái Tân Giáo của Luther ở Ðức vào thế kỷ thứ 18 . Nhưng mãi tới một thế kỷ sau đó, cây Nô En mới ăn rễ sâu vào truyền thống của người Ðức .
Cây Nô En được du nhập vào đất Anh từ đầu thế kỷ thứ 19 và rất được thịnh hành vào giữa thế kỷ đó . Sở dĩ được như vậy là nhờ công của Hoàng Tử Albert, chồng Nữ Hoàng Victoria . Ở Anh, vào thời đó, người ta gọi cây Nô En là Victorian Tree . Cây Victorian Tree được trang trí bằng đèn cầy, kẹo, cùng các thứ bánh đặc biệt treo ở cành cây bằng dây băng (ribbon) hay dây giấy đủ màu .
Phong tục trưng bầy cây Nô En vào dịp Giáng Sinh đã được những người di dân gốc Ðức mang vào Bắc Mỹ từ đầu thế kỷ thứ 17 . Sau đó cây Nô En được thịnh hành nhất vào thế kỷ thứ 19 . Cây Nô En còn thịnh hành ở Austria, Switzerland, Poland, và Holland trong giai đoạn này . Ở Trung Hoa, Nhật Bản, và Việt Nam, phong tục trưng bày cây Nô En là do các nhà truyền giáo Âu Tây mang vào từ thế kỷ thứ 19 và 20 .
III . Ông Già Nô En
Từ thủa bắt đầu, Ông Già Nô En có tên là “Saint Nicholas”. Theo truyền thuyết thì Ông Già Nô En Nicholas có lẽ là một vị Giám Mục người Hy Lạp ở vào thế kỷ thứ 4 . Nicholas được nổi tiếng về lòng tốt của ông . Tuy nhiên các nhà sử học không thể xác quyết sự kiện về đời sống cũng như sự hiện hữu của ông . Trong tiếng Anh, Ông Già Nô En có tên là “Santa Claus” . Tiếng “Santa Clause” được dịch từ tiếng Ðức “Sinter Klaes” . Trong tiếng Pháp, Ông Già Nô En có tên là “Le Père Noel” .
Truyện thần thoại về Ông Già Nô En kể rằng Santa Claus tặng quà một cách bí mật cho những người gặp cảnh khó khăn . Ngoài ra, Ông Già Nô En còn có những tên như Nicholas of Bari và Nicholas of Myra . Theo tục truyền, Ông Già Nô En được sinh ra ở hải cảng cổ Lycia của thành phố Patara thuộc Tiểu Á Tế Á (Asia Minor) . Khi còn trẻ, Ông Già Nô En đi du lịch đến Palestine và Egypt . Ông trở thành Giám Mục của thành phố Myra, Lycia, thuộc Tiểu Á Tế Á . Ông bị tù trong vụ hành hạ những người Thiên Chúa Giáo thuộc triều đại Hoàng Ðế La Mã Diocletian . Sau đó, ông được thả ra vào triều đại vua Constantine Ðại Ðế (Thế Kỷ Thứ 4) và tham dự Hội Ðồng Lần Thứ Nhất của Nicaea, Council of Nicaea, vào năm 325 dương lịch . Nicaea là một thành phố của Bithynia thuộc Asia Minor . Hội Ðồng Council of Nicaea có mục đích xác nhận lòng tin vào Thiên Chúa và kết tội chủ thuyết Arianism, một chủ thuyết chối bỏ Chúa Jesus .
Vào thế kỷ thứ 6, lăng tẩm của ông Già Nô En rất nổi tiếng ở Myra thuộc Tiểu Á Tế Á . Vào năm 1087, những người thủy thủ và lái buôn Ý đã cải táng ngôi mộ của ông và mang di hài ông về Bari, Ý Ðại Lợi . Sự cải táng này đã là một sự kiện lịch sử và được người ta làm lễ kỷ niệm hằng năm vào ngày 9 tháng 5 dương lịch . Từ đó tiếng tăm của ông được truyền đi khắp nơi và Bari đã trở nên một trung tâm hành hương đông đảo nhất . Lăng tẩm của ông được đặt tại Ðại Giáo Ðường thuộc South Nicala, Bari, Ý Ðại Lợi .
Truyền thuyết về Ông Già Nô En càng ngày càng nhiều . Chuyện đầu tiên được kể về một phép lạ rất nổi tiếng là khi ba vị sĩ quan bị kết án tử hình rồi lại được tha sau khi Vua Constantine Ðại Ðế nằm mơ thấy Nicholas . Kế đến là những chuyện người ta kể là Ông Già Nô En đã từng cứu những trẻ em khỏi bao thảm họa . Lòng ngưỡng mộ đối với Ông Già Nô En bành trướng ra khắp thế giới . Tên của ông được dùng để đặt tên cho rất nhiều nơi ở các nước . Tên họ của nhiều người cũng bắt nguồn từ tên Nicholas như: Nichols, Nicholson, Colson, và Collins .
Ông Già Nô En đã được chọn làm vị thánh hộ mệnh của nước Nga, Hy Lạp, các hội từ thiện, các công đoàn, các trẻ em cùng thủy thủ đã được cứu vớt lên khỏi bờ biển Lycia, và các thành phố như Fribourg, Switz, và Moscow . Ðã có hàng ngàn nhà thờ ở Châu Âu được xây lên để thờ Ông Già Nô En, trong đó có một nhà thờ do Hoàng Ðế La Mã Justinian Ðệ Nhất xây vào thế kỷ thứ 6 ở đô thị cổ Constantinople, bây giờ là Istanbul, một thành phố lớn nhất của Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ) .
Các phép lạ của Ông Già Nô En đã là đề tài ưa thích cho nhiều nghệ sĩ thời trung cổ . Ngày hội truyền thống về Ông Già Nô En trở thành cơ hội cho các nghi lễ của Boy Bishop, một phong tục phổ biến của người Âu trong đó một cậu con trai được chọn làm vị Giám Mục và ở tại chức cho tới ngày Holy InnocentsỴ Day, tức ngày 28 tháng 12 dương lịch .
Sự biến đổi Nicholas thành Ðức Cha của Lễ Giáng Sinh (Father Christmas) hay Ðức Cha của tháng giêng (Father January) đã xảy ra lần đầu tiên ở Ðức, rồi đến các quốc gia trong đó có Reformed Churches chiếm đa số . Tiếp đến là ở Pháp, ngày hội Ông Già Nô En được tổ chức vào dịp Giáng Sinh và Năm Mới . Những di dân người Hòa Lan theo đạo Tin Lành ở thành phố New Amsterdam, bây giờ là thành phố New York City, đã gọi Nicholas là Nhà Aũo Thuật Nhân Ðạo và sau trở thành Ông Già Nô En, tức Santa Claus .
Ở Hoa Kỳ và Anh Quốc, Nicholas là thánh hộ mệnh của mùa Giáng Sinh . Theo truyền thống, Giáng Sinh là ngày hội của gia đình và của trẻ con . Người ta trao đổi quà tặng với nhau trong dịp này . Từ năm 1969, ngày hội Ông Già Nô En không còn được ghi lên lịch, nhưng việc tổ chức kỷ niệm Ông Già Nô En thì được tùy nghi tổ chức theo mỗi nơi .
Ngày nay tục lệ rước Ông Già Nô En rất thịnh hành . Tùy theo từng địa phương, người ta tổ chức cuộc rước Ông Già Nô En (Santa Claus Parade) theo các ngày khác nhau ở mỗi thành phố, thường là vào từ trung tuần tháng 11 trở đi cho đến giữa tháng 12 dương lịch . Trong cuộc diễn hành Ông Già Nô En này, người ta làm những xe hoa thể hiện đặc tính của từng hội đoàn hay các cơ sở thương mại và cũng thể hiện ý nghĩa của mùa Giáng Sinh . Ngoài ra, người ta còn có các ban nhạc diễn hành đi theo đám rước này để tấu lên các bài hát Giáng Sinh . Mặc dầu thời tiết lạnh và tuyết phủ đầy khắp không gian mà mọi người vẫn tham dự cuộc vui một cách tưng bừng và náo nhiệt .
Ở mỗi nhà vào dịp Giáng Sinh người ta còn mua những đôi vớ hay tất (pair of socks) đỏ treo bên cạnh lò sưởi ngay chỗ ống khói . Họ tin là vào đêm Nô En, Ông Già Nô En sẽ cưỡi xe trượt tuyết do bầy hươu có cánh kéo từ trên trời xuống trần gian để cho ông đem túi quà vào thăm mỗi nhà qua lỗ ống khói và bí mật bỏ quà vào mỗi chiếc vớ cho trẻ con . Người ta tưởng tượng ra Ông Già Nô En với hình dáng của một ông già béo mập, vui vẻ, có râu bạc trắng, mặc quần áo màu đỏ, và mang túi quà phát cho trẻ con vào đêm trước ngày Lễ Giáng Sinh (Christmas Eve) .
Ðể kết thúc bài này, chúng tôi xin quý vị hãy hòa vào niềm vui Giáng Sinh trong ý nghĩa trong bài thơ tôi của sau:
Mùa Giáng Sinh
Lạy Chúa! Mùa Giáng Sinh, mùa sống động,
Ðem vui tươi nhộn nhịp cho muôn loài .
Dù cỏ cây vùi dưới tuyết ban mai,
Cố vươn sức sống để tỏ niềm ngưỡng mộ .
Lạy Chúa! Chúng con là người khác đạo,
Cũng cảm thông niềm vui Chúa Giáng Sinh .
Khắp không gian ngút tỏa sắc hương lành,
Ịem hy vọng chuông rền vang ấm áp .
Bao mỹ ý hướng ngôi cao của Chúa,
Bao thiện tâm do ơn chúa nảy sinh .
Gương Chúa sáng rạng rỡ ánh bình minh,
Nhân loại tối tăm, đèn trời dẫn lối .
Mùa Chúa Giáng Sinh, đất trời mở hội,
Bao người hớn hở, khắp chốn hoan ca,
Ngàn trước ngàn sau đầm ấm chan hòa,
Mãi mãi yêu thương sum vầy hạnh phúc .
Khải Chính Phạm Kim Thư


Inspiration from Christmas Season
By Khai Chinh Pham Kim Thu
My Lord! Christmas Season, the season of greeting,
Brings happiness and love to all beings!
Though covered by morning snow,
Grass and plants emerge themselves with admiration to show!
My Lord! Thanks to your guide and grace,
People strongly feel in a lingering embrace,
Through the marvelous fragrance in the Holy Night!
Beautiful words, and wonderful light,
The true, the good, and the beautiful,
Bring hope to people and make this special season wonderful!
My Lord! To Our Father in heaven, we pray,
Thanks to your grace, kindness and goodwill stay!
Your example, the dawn of civilization,
Your way, the guide light for generations!
From Our Father, the most precious gift was given,
In all our hearts, Jesus Christ is always present .
Thousands of years ago to thousands of years later,
Christmas Season is the source of peace, love, and joy forever!
Ghi Chú: * Bài này được trích trong cuốn Kiến Văn, trang 87, của tác giả Khải Chính Phạm Kim Thư do Làng Văn xuất bản tại Toronto, Canada, năm 2001 .

             NGUYÊN TẮC VỀ VIỆC VIẾT CHỮ HOA TRONG TIẾNG VIỆT

 Khải-Chính Phạm Kim-Thư
         Khi viết Việt-văn, ngoài việc áp-dụng cho đúng về cú-pháp, văn-pháp, tiến- trình viết văn, nguyên-tắc sử-dụng các dấu chấm câu hay các dấu của câu văn, và cách đánh dấu các chữ Việt, các nhà văn còn phải áp-dụng cho đúng những nguyên-tắc về việc viết chữ hoa thì bài văn mới có giá-trị cả về nội-dung lẫn hình-thức.
          Để giúp các bạn trẻ học-hỏi về cách viết văn tiếng Việt cho đúng, chúng tôi đã trình-bày và phổ-biến những bài viết về cú-pháp tiếng Việt, văn-pháp tiếng Việt và tiến-trình viết văn, cách sử-dụng nguyên-âm "i" và "y," cùng cách đánh dấu các chữ Việt. Sau đây chúng tôi xin trình bày nguyên-tắc về việc viết chữ hoa trong tiếng Việt.  

I. Nguyên-Tắc về Việc Viết Chữ Hoa trong Tiếng Việt Theo ngữ-pháp tiếng Việt, các danh-từ và các chữ trong những trường-hợp sau đây phải được viết hoa:

          1. Viết Hoa Các Danh-Từ Riêng
          a- Các danh-từ riêng liên-quan đến tên người phải được viết hoa: Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Du, và Trần Trọng San, v.v.
       Ghi-Chú:
          * Ở Việt-Nam trước đây, nhất là vào khoảng từ năm 1925 đến năm 1975, các nhà văn thường dùng gạch nối (gạch ngang) để viết tên người, các danh-từ riêng khác, và các danh-từ kép: Dương-Quảng-Hàm, Phan-Bội-Châu, Việt-Nam Tiểu-Học Tùng-Thư, Việt-Nam Văn-Học Sử-Yếu, Thu-Giang Nguyễn-Duy-Cần, Cái Cười của Thánh-Nhân, chính-trị, và phong-tục, v.v.
          Hiện nay một số đông các nhà văn cũng dùng gạch nối (gạch ngang) để viết các danh-từ kép và tên người: phụ-âm, nguyên-âm, giađdình, học-đường, Hoa-Hoàng-Lan, vĩ-cầm, và Phạm Quang-Vinh, v.v. Nếu dùng gạch nối (gạch ngang) ở giữa các danh-từ kép và danh-từ riêng, đó là điều rất hợp-tình hợp-lý. Tuy-nhiên, nếu không dùng gạch nối thì cũng không sao vì chúng ta chưa có hàn-lâm-viện để quy-định các tiêu-chuẩn về việc sử-dụng Việt-Ngữ. Hàn-lâm-viện (academy) là một cơ-quan chính-thức do chính-phủ của một nước thành-lập ra để nghiên-cứu về văn-chương, khoa-học, hay mỹ- thuật, v.v.
          * Trong trường-hợp tên người là tên kép thì cả tên họ và tên kép đều phải được viết hoa: Phạm Trung-Hậu, Phạm thị Thanh-Bình, và Phạm Tường-Lân, v.v.
          * Về cách đặt tên người, người Việt mình thường dùng chữ lót như chữ "văn" để chỉ phái-nam và chữ "thị" để chỉ phái-nữ. Hai chữ này thường không được viết hoa: Nguyễn thị Loan, Bùi văn Hùng. Tuy-nhiên, trong trường-hợp chữ "văn" hay chữ "thị" đi kèm với các chữ khác làm thành danh-từ kép như  "văn-minh" và "thị-uy" v.v. mà tên người lại được đặt với các danh-từ kép này thì chữ "văn" và chữ "thị" phải được viết hoa: Phạm Văn-Minh, Nguyễn Thị-Uy.
          * Ngày nay, tất cả mọi chữ trong tên người đều được viết hoa như các trường-hợp của các tên sau đây: Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Văn Thảo, Nguyễn Văn Khôn, và Nguyễn Thị Hồng, v.v. Viết hoa các chữ trong tên người Việt kiểu này rất phù-hợp với cách viết hoa tên của người Bắc-Mỹ hiện nay, tức là chữ nào của tên người cũng được viết hoa kể cả khi viết tắt.  
          b- Các danh-từ riêng về địa-lý liên-quan đến năm châu bốn bể, các quốc-gia, các phần của nước, các tỉnh, các thành-phố hay đô-thị, các phố-phường, xóm làng, thôn-xã, các con sông, các dãy núi, các hồ, các cầu, tên các tươ.ngđdài, và tên các cây tháp, v.v. cần phải được viết hoa: Châu Á (Á-Châu), Nam-Hải, Việt-Nam, Miền Nam, Nam-Việt, Miền Trung, Trung-Việt, Miền Bắc, Bắc-Việt, Cần-Thơ, Sài-Gòn, Phố Hàng-Đào, Xóm Bồ-Đề, Làng Quần-Phương-Đông, Huyện Hải-Hậu, Tỉnh Nam-Định, Sông Cửu-Long, Cửu-Long Giang, Núi Tản-Viên, Hồ Hoàn-Kiếm, Cầu Ông-Lãnh, Chợ Lương, Cầu Ngói, Tượng-Đài Đức Phù-Đổng Thiên-Vương, Tượng-Đài Chiến-Sĩ Việt-Mỹ, Tháp Chàm, Trường Trung-Học Phan Bội-Châu, và Xa-Lộ Biên-Hòa,v.v.  
Ghi-Chú:
          * Nếu các danh-từ chỉ phương-hướng được dùng để chỉ phương-hướng không thôi thì chúng không được viết hoa: Anh ta đi về hướng nam. Nếu danh-từ chỉ phương- hướng được dùng để chỉ miền đặc-biệt của một nước như trên đã nói thì phải viết hoa: Tôi ở Miền Nam.  
          c- Các danh-từ riêng liên quan đến tổ-chức xã-hội, các cơ-quan chính-phủ, các trường học, các chợ-búa, các tổ-chức thương-mại hay các tiệm buôn, các chùa-chiền, các nhà thờ, các đảng-phái hay tổ-chức chính-trị, các sắc-dân, các năm âm-lịch, các ngày lễ tết, và các trận-chiến, v.v. cần phải được viết hoa: Hội Cựu Học-Sinh Trưng-Vương, Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục, Nha Sư -Phạm, Trường Cao-Đẳng Sư-Phạm Sài-Gòn, Trường Trung-Học Phan Bội-Châu, Chợ Lương, Yiễm-Yiễm Thư-Quán, Chùa Hương, Nhà Thờ Bùi-Chu, Đảng Cần-Lao Nhân-Vị, Đảng Dân-Chủ, Đảng Tự-Do, Mường, Mán, Quý-Mùi, Da Đỏ, Tết Nguyên-Đán, Thế-Chiến Thứ Hai, v. v.
           d- Các chữ viết tắt của danh-từ riêng hay danh-từ chung đứng trước danh-từ riêng để bổ nghĩa cho danh-từ riêng đều phải được viết hoa: VNCH (Việt-Nam Cộng-Hòa), QLVNCH (Quân-Lực Việt-Nam Cộng- Hòa), VBVNHN (Văn-Bút Việt-Nam Hải-Ngoại), QĐ3 (Quân-Đoàn 3), GS Doãn Quốc-Sỹ, LS Hoàng Duy Hùng, VH Trần Thy Vân, v.v. (GS: Giáo-Sư; LS: Luật-Sư, VH: Văn Hữu).
          Thường thường các chữ viết tắt phải có dấu chấm đứng ngay sau chữ đó (L.S., G.S., V.H.).  Tuy nhiên, riêng các chữ viết tắt ở trên đã từng được viết như thế từ trước tới nay và được mọi người công-nhận.

          2. Viết Hoa Những Danh-Từ Chung trong Trường-Hợp Đặc-Biệt
          a- Khi các danh-từ chung đứng ở vị-trí trọng-yếu trước danh-từ riêng hay đứng một mình ở vị-trí của danh-từ riêng để vói về chức-tước, việc tôn-sùng các bậc vua chúa thần-thánh, và nghề-nghiệp cao-cấp:
     Đức Thánh Trần, Đức Chúa Giê-Su, Đức Phật Thích-Ca, Tổng-Thống Ngô-Đình Diệm; Ngô-Đình Diệm, Tổng-Thống của Việt-Nam Cộng-Hòa; Hòa-Thượng Thích-Tâm-Châu; Đại-Tá Hồ Ngọc Cẩn; Bác-Sĩ Phạm Quang-Khải; Giáo-Sư Doãn Quốc-Sỹ; Tổng-Thống đã đến rồi; thưa Gíao-Sư, kính thưa Đại-Tá, v.v.
     Ghi-Chú:
     Khi các danh-từ chung như "tổng-thống," "đại-tá," "bác-sĩ," "giáo-sư," "hòa-thượng," v.v. không đi chung với danh-từ riêng thì những danh-từ này không được viết hoa: Hồi trước nắm 1975, anh ta là một đại-tá. Con trai út của gia-đình ấy là bác-sĩ. Ông ta là một giáo-sư rất lỗi-lạc. Vị tổng-thống đầu tiên của nước ta là Tổng-Thống Ngô-Đình Diệm. Vị hòa-thượng là vị ở bậc trên cả trong chùa.

          b- Viết hoa những danh-từ chung nói về thân-nhân trong gia đình (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, cô, dì, chú, bác, cậu, mợ, v.v.) khi những danh-từ này đứng trước tên riêng hay đứng một mình ở vị-trí của tên riêng :
     Cậu Oánh; Anh Phạm Trung-Hậu; lá thư này của Má; Chị Thu- Hương; Ông đi chơi với Ba rồi; v.v.
          Ghi-Chú:
          Nếu các danh-từ chung này không đứng trước danh-từ riêng hoặc đứng trước sở-hữu từ: "của tôi,"  "của anh," và "của chị," v.v. thì chúng không được viết hoa: các anh, các chị, ông của tôi, anh của tôi, chị của anh, ba của chị, cậu của tôi, v.v.

          3.Viết Hoa Các Chữ của Tựa-Đề Các Cuốn Sách, Các Tờ Báo, Bài Văn,   Bài Thơ, và Tiểu-Đề của Từng Đoạn Văn trong Một Bài Văn, v.v. :
          Dòng Mực Hưng-Quốc (tác-phẩm của Lê Bá Kông); Sức Khỏe và Đời Sống (tác-phẩm của Bác-Sĩ Nguyễn Ý Đức); Án-Tích Cộng-Sản Viê.t-Nam (tác-phẩm của Sử-Gia Trần Gia Phụng); Công Việc Họ Trịnh Làm ở Đất Bắc (Chương V), Việc Giao-Thiệp với Nhà Thanh (tiểu-đề số 1), Việt-Nam Sử-Lược (tác-phẩm của Sử-Gia Trần Trọng Kim); Pháp-Âm (tâ.p-san do Hòa-Thượng Thích-Tâm-Châu làm chủ- nhiệm); Chủ-Nghĩa Sát-Nhân (tên bài thơ của Ý Nga), Trái Đắng Quê-Nhà (thi-phẩm của Ý Nga); v.v.
     Ghi-Chú:
          * Trên đây là cách viết hoa về các tựa-đề cùng tiểu-đề được áp-dụng ngay trên các cuốn sách hay tờ báo. Tuy-nhiên, nếu chúng ta viết bài tham-luận mà đề-cập đến những tài-liệu của các tác-phẩm hay báo-chí để dẫn chứng thì tên sách hay tên tờ báo không những phải được viết hoa mà còn phải được viết nghiêng (khi đánh máy) hay gạch dưới (khi viết tay): Dòng Mực Hưng-Quốc, Dòng Mực Hưng-Quốc; Trái Đắng Quê Nhà, Trái Đắng Quê Nhà; Pháp Âm; v.v.
          * Nếu trong các tư.ađdề hay tiểuđdề này có các giới-từ (với, tại, ở, trong, của, v.v.) và liên-từ (và, hoặc, hay, nhưng, v,v,) thì các giới-từ hay liên-từ này không được viết hoa: Công-Việc Họ Trịnh Làm ở Đất Bắc, Việc Giao-Thiệp với Nhà Thanh.
          * Đối với các bài văn hay bài thơ trong sách hay báo-chí mà ta dùng để tham- khảo thì khi đề-cập tới, ta không những phải viết hoa mà còn phải dùng dấu ngoặc kép (" ") nữa:  Bài "Vụ Án Điển-Hình của Chế-Độ Độc-Tài Không Luật-Lệ," trang 217, trong tác-phẩm Án-Tích Cộng-Sản Việt-Nam của Sử-Gia Trần Gia Phụng. Bài "Công Việc Họ Trịnh Làm ở Đất Bắc," trang 51, trong tác-phẩm Việt-Nam Sử-Lược, Quyển II, của Sử-Gia Trần Trọng Kim. Bài thơ "Nghĩ Đến Quê-Hương," trang 12, trong thi-phẩm Trái Đắng Quê Nhà của Nữ Thi-Sĩ Ý Nga.                                

          4- Viết Hoa Chữ Đầu Tiên của Mỗi Câu Văn
          Phải viết hoa chữ đầu tiên của mỗi câu văn của mình, chữ đầu tiên của câu văn được trích trong tác-phẩm của người khác dù là câu này được viết giữa câu văn của mình, và chữ đầu tiên của mỗi câu thơ dù là ở cuối câu thơ trên có dấu phảy (phết):  
- Từ khi khai-thiên lập-địa đến này, không có loài vật nào độc-ác bằng bọn Việt-Minh, tức là bọn Cộng-Sản Việt-Nam.
- Toàn-dân đã có câu ca-dao như sau:
          "Từ khi có đất có trời,
          "Không gì độc-ác bằng loài Việt-Minh."
     - Bạn tôi bảo tôi rằng: "Chúng ta đều được mời đi tham-dự buổi nói chuyện của Ông Ernie Eves, Thủ-Trưởng Tỉnh-Bang Ontario, vào lúc 6 giờ 30 chiều ngày 12-9-2003 tại London, Ontario."

Source : geocities.ws


Nguyên-Tắc Cúng, Khấn, Vái, và Lạy
Khải-Chính Phạm Kim-Thư


I. Nghi-Thức Cúng Gia-Tiên
Khi cúng thì chủ gia đình phải bầy đồ lễ cùng với hoa quả theo nguyên-tắc “đông bình tây quả,” rượu, và nước. Sau đó, phải đốt đèn (đèn dầu, đèn cầy, hay đèn điện), thắp nhang, đánh chuông, khấn, và cúng trước rồi những người trong gia đình theo thứ tự trên dưới cúng sau. Nhang (hương) đèn để mời và chuông để thỉnh tổ tiên. Khi cúng thì phải chắp tay đưa lên ngang trán khấn. Khấn là lời trình với tổ tiên về ngày cúng liên quan đến tên người quá cố, ngày tháng năm ta và tây, tên địa phương mình ở, tên mình và tên những người trong gia đình, lý do cúng và lời cầu nguyên, v.v.. Riêng tên người quá cố ta phải khấn rõ nhỏ. Sau khi khấn rồi, tuỳ theo địa vị của người cúng và người quá cố mà vái hay lạy. Nếu bố cúng con thì chỉ vái bốn vái mà thôi. Nếu con cháu cúng tổ tiên thì phải lạy bốn lạy. Chúng ta cần hiểu cho rõ về ý nghĩa của Cúng, Khấn, Vái, và Lạy.
II. Định-Nghĩa của Cúng, Khấn, Vái, và Lạy
a. Cúng
Khi có giỗ Tết, gia-chủ bày hoa (bông) quả, nước, rượu, cỗ-bàn, chén bát, đũa, muỗng (thìa) lên bàn thờ rồi thắp nhang (hương), thắp đèn, đốt nến (đèn cầy), khấn, vái, hay lạy để tỏ lòng hiếu-kính, biết ơn, và cầu phước-lành. Đây là nghĩa rộng của cúng. Trong nghĩa bình-thường, cúng là thắp nhang (hương), khấn, lạy,và vái.
b. Khấn (*)
Khấn là lời cầu-khẩn lầm-rầm trong miệng khi cúng, tức là lời nói nhỏ liên-quan đến các chi-tiết về ngày tháng năm, nơi-chốn, mục-đích buổi cúng lễ, cúng ai, tên những người trong gia đình, lời cầu xin, và lời hứa.
Sau khi khấn, người ta thường vái vì vái được coi là lời chào kính-cẩn. Người ta thường nói khấn vái là vậy. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du dùng từ khấn vái trong câu “Lầm rầm khấn vái nhỏ to,/ Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra.” (câu 95-96)
c. Vái
Vái thường được áp-dụng ở thế đứng, nhất là trong dịp lễ ở ngoài trời. Vái thay thế cho lạy ở trong trường hợp này. Vái là chắp hai bàn tay lại để trước ngực rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng xuống rồi sau đó ngẩng lên, đưa hai bàn tay xuống lên theo nhịp lúc cúi xuống khi ngẩng lên. Tùy theo từng trường-hợp, người ta vái 2,3,4, hay 5 vái (xem phần sau).
d. Lạy
Lạy là hành-động bày tỏ lòng tôn-kính chân-thành với tất-cả tâm-hồn và thể-xác đối với người trên hay người quá-cố vào bậc trên của mình. Có hai thế lạy: thế lạy của đàn ông và thế lạy của đàn bà. Có bốn trường hợp lạy: 2 lạy, 3 lạy, 4 lạy, và 5 lạy. Mỗi trường hợp đều có mang ý-nghĩa khác nhau.
- Thế Lạy Của Đàn Ông
Thế lạy của đàn ông là cách đứng thẳng theo thế nghiêm, chắp hai tay trước ngực và dơ cao lên ngang trán, cúi mình xuống, đưa hai bàn tay đang chắp xuống gần tới mặt chiếu hay mặt đất thì xòe hai bàn tay ra đặt nằm úp xuống, đồng thời quì gối bên trái rồi gối bên phải xuống đất, và cúi rạp đầu xuống gần hai bàn tay theo thế phủ- phục. Sau đó cất người lên bằng cách đưa hai bàn tay chắp lại để lên đầu gối trái lúc bấy giờ đã co lên và đưa về phía trước ngang với đầu gối chân phải đang quì để lấy đà đứng dậy, chân phải đang quì cũng theo đà đứng lên để cùng với chân trái đứng ở thế nghiêm như lúc đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy (xem phần Ý-Nghĩa của Lạy dưới đây). Khi lạy xong thì vái ba vái rồi lui ra.
Có thể quì bằng chân phải hay chân trái trước cũng được, tùy theo thuận chân nào thì quì chân ấy trước. Có điều cần nhớ là khi quì chân nào xuống trước thì khi chuẩn-bị cho thế đứng dậy phải đưa chân đó về phía trước nửa bước và tì hai bàn tay đã chắp lại lên đầu gối chân đó để lấy thế đứng lên. Thế lạy theo kiểu này rất khoa-học và vững-vàng. Sở-dĩ phải quì chân trái xuống trước vì thường chân phải vững hơn nên dùng để giữ thế thăng-bằng cho khỏi ngã. Khi chuẩn-bị đứng lên cũng vậy. Sở-dĩ chân trái co lên đưa về phía trước được vững-vàng là nhờ chân phải có thế vững hơn để làm chuẩn.
Thế lạy phủ-phục của mấy nhà sư rất khó. Các Thầy phất tay áo cà sa, đưa hai tay chống xuống ngay mặt đất và đồng-thời quì hai đầu gối xuống luôn. Khi đứng dậy các Thầy đẩy hai bàn tay lấy thế đứng hẳn lên mà không cần phải để tay tỳ lên đầu gối. Sở dĩ được như thế là nhờ các Thầy đã tập-luyện hằng-ngày mỗi khi cúng Phật. Nếu thỉnh-thoảng quí cụ mới đi lễ chùa, phải cẩn-thận vì không lạy quen mà lại bắt chước thế lạy của mấy Thầy thì rất có thể mất thăng-bằng.

- Thế Lạy Của Đàn Bà
Thế lạy của các bà là cách ngồi trệt xuống đất để hai cẳng chân vắt chéo về phía trái, bàn chân phải ngửa lên để ở phía dưới đùi chân trái. Nếu mặc áo dài thì kéo tà áo trước trải ngay ngắn về phía trước và kéo vạt áo sau về phía sau để che mông cho đẹp mắt. Sau đó, chắp hai bàn tay lại để ở trước ngực rồi đưa cao lên ngang với tầm trán, giữ tay ở thế chắp đó mà cúi đầu xuống. Khi đầu gần chạm mặt đất thì đưa hai bàn tay đang chắp đặt nằm úp xuống đất và để đầu lên hai bàn tay. Giữ ở thế đó độ một hai giây, rồi dùng hai bàn tay đẩy để lấy thế ngồi thẳng lên đồng-thời chắp hai bàn tay lại đưa lên ngang trán như lần đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy cần thiết (xem phần Ý Nghĩa của Lạy dưới đây). Lạy xong thì đứng lên và vái ba vái rồi lui ra là hoàn tất thế lạy.
Cũng có một số bà lại áp dụng thế lạy theo cách quì hai đầu gối xuống chiếu, để mông lên hai gót chân, hai tay chắp lại đưa cao lên đầu rồi giữ hai tay ở thế chắp đó mà cúi mình xuống, khi đầu gần chạm mặt chiếu thì xòe hai bàn tay ra úp xuống chiếu rồi để đầu lên hai bàn tay. Cứ tiếp tục lạy theo cách đã trình bày trên. Thế lạy này có thể làm đau ngón chân và đầu gối mà còn không mấy đẹp mắt.
Thế lạy của đàn ông có vẻ hùng-dũng, tượng trưng cho dương. Thế lạy của các bà có tính cách uyển-chuyển tha-thướt, tượng-trưng cho âm. Thế lạy của đàn ông có điều bất-tiện là khi mặc âu-phục thì rất khó lạy. Hiện nay chỉ có mấy vị cao-niên còn áp-dụng thế lạy của đàn ông, nhất là trong dịp lễ Quốc-Tổ. Còn phần đông, người ta có thói quen chỉ đứng vái mà thôi.
Thế lạy của đàn ông và đàn bà là truyền-thống rất có ý-nghĩa của người Việt ta. Nó vừa thành-khẩn vừa trang-nghiêm trong lúc cúng tổ-tiên. Nếu muốn giữ phong-tục tốt đẹp này, các bạn nam nữ thanh-niên phải có lòng tự-nguyện. Muốn áp-dụng thế lạy, nhất là thế lạy của đàn ông, ta phải tập-dượt lâu mới nhuần-nhuyễn được. Nếu đã muốn thì mọi việc sẽ thành.

III . Ý-Nghĩa của Lạy và Vái
Số lần lạy và vái đều mang một ý-nghĩa rất đặc-biệt. Sau đây chúng tôi xin trình-bày về ý-nghĩa của vái và lạy. Đây là phong-tục đặc-biệt của Việt Nam ta mà người Tàu không có tục-lệ này. Khi cúng, người Tàu chỉ lạy 3 lạy hay vái 3 vái mà thôi.

a. Ý-Nghĩa Của 2 Lạy và 2 Vái
Hai lạy dùng để áp-dụng cho người sống như trong trường-hợp cô dâu chú rể lạy cha mẹ. Khi đi phúng-điếu, nếu là vai dưới của người quá-cố như em, con cháu, và những người vào hàng con em, v.v., ta nên lạy 2 lạy.
Nếu vái sau khi đã lạy, người ta thường vái ba vái. Ý-nghĩa của ba vái này, như đã nói ở trên là lời chào kính-cẩn, chứ không có ý-nghĩa nào khác. Nhưng trong trường- hợp người quá-cố còn để trong quan-tài tại nhà quàn, các người đến phúng- điếu, nếu là vai trên của người quá-cố như các bậc cao-niên, hay những người vào hàng cha, anh, chị, chú, bác, cô, dì, v. v., của người quá-cố, thì chỉ đứng để vái hai vái mà thôi. Khi quan-tài đã được hạ-huyệt, tức là sau khi chôn rồi, người ta vái người quá cố 4 vái.
Theo nguyên lý âm-dương, khi chưa chôn, người quá-cố được coi như còn sống nên ta lạy 2 lạy. Hai lạy này tượng-trưng cho âm dương nhị khí hòa-hợp trên dương-thế, tức là sự sống. Sau khi người quá cố được chôn rồi, phải lạy 4 lạy.

b. Ý-Nghĩa Của 3 Lạy và 3 Vái
Khi đi lễ Phật, ta lạy 3 lạy. Ba lạy tượng-trưng cho Phật, Pháp, và Tăng (xin xem bài về “Nghĩa Đích Thực của Quy Y Tam Bảo” đã được phổ biến trước đây và sẽ được nhuận sắc và phổ biến). Phật ở đây là giác, tức là giác-ngộ, sáng-suốt, và thông hiểu mọi lẽ. Pháp là chánh, tức là điều chánh-đáng, trái với tà ngụy. Tăng là tịnh, tức là trong-sạch, thanh-tịnh, không bợn-nhơ. Đây là nói về nguyên-tắc phải theo. Tuy-nhiên, còn tùy mỗi chùa, mỗi nơi, và thói quen, người ta lễ Phật có khi 4 hay 5 lạy.
Trong trường-hợp cúng Phật, khi ta mặc đồ Âu-phục, nếu cảm thấy khó-khăn trong khi lạy, ta đứng nghiêm và vái ba vái trước bàn thờ Phật.

c. Ý-Nghĩa Của 4 Lạy và 4 Vái
Bốn lạy để cúng người quá-cố như ông bà, cha mẹ, và thánh-thần. Bốn lạy tượng-trưng cho tứ-thân phụ-mẫu, bốn phương (đông: thuộc dương, tây: thuộc âm, nam: thuộc dương, và bắc: thuộc âm), và tứ-tượng (Thái Dương,Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm). Nói chung, bốn lạy bao-gồm cả cõi âm lẫn cõi dương mà hồn ở trên trời và phách hay vía ở dưới đất nương vào đó để làm chỗ trú-ngụ.
Bốn vái dùng để cúng người quá-cố như ông bà, cha mẹ, và thánh thần, khi không thể áp-dụng thế lạy.
d.Ý-Nghĩa Của 5 Lạy và 5 Vái
Ngày xưa người ta lạy vua 5 lạy. Năm lạy tượng-trưng cho ngũ-hành (kim, mộc, thuỷ, hỏa, và thổ), vua tượng-trưng cho trung-cung tức là hành-thổ màu vàng đứng ở giữa. Còn có ý-kiến cho rằng 5 lạy tượng-trưng cho bốn phương (đông, tây, nam, bắc) và trung-ương, nơi nhà vua ngự. Ngày nay, trong lễ giỗ Tổ Hùng-Vương, quí-vị trong ban tế lễ thường lạy 5 lạy vì Tổ Hùng-Vương là vị vua khai-sáng giống nòi Việt.
Năm vái dùng để cúng Tổ khi không thể áp-dụng thế lạy vì quá đông người và không có đủ thì-giờ để mỗi người lạy 5 lạy.

IV Kết Luận
Phong tục có được là do thói quen mà mọi người đã chấp nhận, nhiều khi không giải thích được lý do tại sao lại như thế mà chỉ biết làm theo cho đúng thôi. Trong mỗi gia đình Việt Nam, dù theo đạo nào cũng vậy, chúng ta, con dân nước Việt, hãy cố gắng thiết lập một bàn thờ gia tiên. Có như thế, con cháu ta mới có cơ hội học hỏi cách thiết lập bàn thờ gia tiên, và hiểu được ý nghĩa của việc thờ cúng ra sao.
Thờ cúng là cách biểu thị lòng nhớ ơn tổ tiên cũng như lòng thương và hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Đây là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt mà chúng ta cần phải duy trì.

Khải-Chính Phạm Kim-Thư

(*) Góp ý thêm của TRANG CHỦ: Lời khấn vái là lời nói chuyện với người quá cố, do đó lời khấn là tấm lòng của người còn sống. thì muốn khấn sao cũng được. Tuy nhiên người xưa cũng đã đặt ra lễ khấn và lời khấn.

Lễ khấn gồm các thủ tục như sau: (Chỉ nhớ đại khái mong quý vị cao niên dạy dỗ thêm cho để hiệu đính cho đúng để đời sau dùng)

1. Sau khi mâm cỗ đã đặt xong thì gia trưởng ăn mặc chỉnh tề (ngày xưa thì khăn đống áo dài) đi ra mở cửa chính. Ở xứ lạnh thì cũng phải ráng hé cửa chứ không đóng được cửa kín mít.

2. Sau đó phải khấn xin Thành Hoàng Thổ địa để họ không làm khó dễ Linh về hưởng lễ giỗ.

3. Và sau đây là một đoạn khấn theo lối xưa:

Duy .....quốc.....Tỉnh/Thị xa.... trang/gia tại... (số nhà). Việt lịch thứ 488..., thử nhật ... (ngày âm lịch) húy nhật  gia phụ/mẫu/Tằng tổ v.v. là Hiển khảo/Tỷ.. (tên) (cho đàn bà thì là hiển tỷ;  với ông nội ngọai thì thêm chữ tổ - hiển tổ khảo/tỷ), Hiếu tử/nữ/tôn v.v là (Tên) tâm thành kính cáo thành hoàng và thổ thần bản địa, tiền chủ tiếp dẫn gia phụ mẫu/cô di v.v. (Người được giỗ hôm nay) đồng cung thỉnh Cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, liệt vị tổ tiên, hiển tổ khảo, hiển tổ tỷ, cô di tỷ muội, nội ngoại đồng giai lâm, tọa ngự linh sàn chứng giám. Cẩn cáo.

Cúng giỗ

Theo tập quán lâu đời, dân ta lấy ngày giỗ (ngày mất) làm trọng, cho nên ngày đó, ngoài việc thăm phần mộ, tuỳ gia cảnh và tuỳ vị trí người đã khuất mà cúng giỗ. Ðây cũng là dịp gặp mặt  người thân trong gia đình trong dòng họ, họp mặt để tưởng nhớ người đã khuất và bàn việc người sống giữ gìn gia phong. Vào dịp đó người ta thường tổ chức ăn uống, nên mới gọi là ăn giỗ, thì cũng là trước cúng sau ăn, cũng là để cho cuộc gặp mặt đậm đà ấm cúng, kéo dài thời gian sum họp, kể chuyện tâm tình, chuyện làm ăn. Với ý nghĩa "Uống nước nhớ nguồn" việc đó có thể xếp vào loại thuần phong mỹ tục.

* Ngày cúng giỗ

Ngày giỗ theo âm Hán là huý nhật hay kỵ nhật, tức là lễ kỷ niệm ngày mất của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cũng có nghĩa là ngày kiêng kỵ.
Nguyên ngày trước, "Lễ giỗ" gọi là "Lễ chính kỵ"; chiều hôm trước lễ chính kỵ có "lễ tiên thường" (nghĩa là nếm trước), con cháu sắm sanh một ít lễ vật, dâng lên mời gia tiên nếm trước. Ngày xưa, những nhà phú hữu mời bà con làng xóm ăn giỗ cả hai lễ tiên thường và chính kỵ. Dần dần hoặc vì bận việc hoặc vì kinh tế hoặc vì thiếu người phục dịch, người ta giản lược đi, chỉ mời khách một lần nhưng hương hoa, trầu rượu vẫn cúng cả hai lễ. Tóm lại, nếu vận dụng đúng phong tục cổ truyền phổ biến trong cả nước thì trước ngày chết (lễ tiên thường) phải cúng chiều, cúng đúng ngày chết (lễ chính kỵ) phải cúng buổi sáng.

* Mấy đời tống giỗ

Theo gia lễ: "Ngũ đại mai thần chủ", hễ đến năm đời thì lại đem chôn thần chủ của cao tổ đi mà nhấc lần tằng tổ khảo lên bậc trên rồi đem ông mới mất mà thế vào thần chủ ông khảo.
Theo nghĩa cửu tộc (9 đời): Cao, tằng, tổ, phụ (4 đời trên); thân mình và tử, tôn, tằng tôn, huyền tôn (4 đời dưới mình). Như vậy là chỉ có 4 đời làm giỗ (cao, tằng, tổ, phụ) tức là kỵ (hay can),; cụ (hay cô), ông bà, cha mẹ. Từ "Cao" trở lên gọi chung là tiên tổ thì không cúng giỗ nữa mà nhập chung vào kỳ xuân tế, hoặc phụ tế vào ngày giỗ của thuỷ tổ.

* Cúng giỗ người chết yểu

Những người đã đến tuổi thành thân, thành nhân nhưng khi chết chưa có vợ hoặc mới có con gái, chưa có con trai hoặc có con trai nhưng con trai cũng chết, trở thành phạp tự (không có con trai nối giòng). Những người đó có cúng giỗ. Người lo việc giỗ chạp là người cháu (con trai anh hoặc anh ruột) được lập làm thừa tự. Người cháu thừa tự được hưởng một phần hay toàn bộ gia tài của người đã khuất. Sau khi người thừa tự mất thì con cháu người thừa tự đó tiếp tự.

Những người chưa đến tuổi thành thân (dưới 16 hoặc dưới 18 tuổi, tuỳ theo tục lệ địa phương) sau khi hết lễ tang yết cáo với tổ tiên xin phụ thờ với tiên tổ. Những người đó không có lễ giỗ riêng, ai cúng giỗ chỉ là ngoại lệ. Có những gia đình bữa nào cũng xới thêm một bát cơm, một đôi đũa đặt bên cạnh mân, coi như người thân còn sốngtrong gia đình. Ðiều này không có trong gia lễ nhưng thuộc về tâm linh, niềm tưởng vọng đối với thân nhân đã khuất.


Giỗ tết, Tế lễ

Quan niệm cổ xưa không riêng ta mà nhiều dân tộc trên thế giới mọi vật do tạo hóa sinh ra đều có linh hồn, mỗi loại vật, kể cả khoáng vật, thực vật cũng có cuộc sống riêng của nó. Mọi vật trong tạo hoá hữu hình hay vô hình, cụ thể hay trừu tượng đều mang khái niệm âm dương, đều có giống đực giống cái. Ðó là xuất xứ tục bái vật hiện tồn tại ở nhiều dân tộc trên thế giới và một vài dân tộc ở miền núi nước ta.

Ở ta, hòn đá trên chùa, cây đa đầu đình, giếng nước, cửa rừng cũng được nhân dân thờ cúng, coi đó là biểu tượng, nơi ẩn hiện của vị thiên thần hay nhân thần nào đó. Người ta "sợ thần sợ cả cây đa" mà cúng cây đa, đó không thuộc tục bái vật. Cũng như người ta lễ Phật, thờ Chúa, quì trước tượng Phật, tượng Chúa, lễ Thần, quì trước long ngai của thần, nhưng thần hiệu rõ ràng, chứ không phải khúc gỗ hòn đá như tục bái vật.



Ngày nay chỉ còn lại vài dấu vết trong phong tục. Thí dụ, bình vôi là bà chúa trong nhà, chưa ai định danh là bà chúa gì, nhưng bình vôi tượng trưng cho uy quyền chúa nhà, nhà nào cũng có bình vôi. Khi có dâu về nhà, mẹ chồng tạm lánh ra ngõ cũng mang bình vôi theo, có nghĩa là tạm lánh nhưng vẫn nắm giữ uy quyền. Khi lỡ tay làm vỡ bình vôi thì đem mảnh bình còn lại cất ở chỗ uy nghiêm hoặc đưa lên đình chùa, không vứt ở chỗ ô uế.

Gỗ chò là loại gỗ quí, gỗ thiêng chỉ được dùng để xây dựng đình chùa, nhà thờ. Dân không được dùng gỗ chò làm nhà ở. Ngày xưa trong đám củi theo lũ cuốn về xuôi, nếu có gỗ chò, các cụ còn mặc áo thụng ra lạy.

Source : e-cadao dot com


* Email Contact *033-Tư Liệu về Thầy Phạm Kim Thư ChuKyXuanLoc
suphamsaigon
suphamsaigon
Admin

Tổng số bài gửi : 522
Join date : 17/12/2013
Age : 70
Đến từ : Saigon-Viet Nam

https://suphamsaigon.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết