suphamsaigon.forumvi.com - Gia Đình Sư Phạm Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

051-Dấu chân kỷ niệm…Lê Thị Hằng-K9

Go down

051-Dấu chân kỷ niệm…Lê Thị Hằng-K9 Empty 051-Dấu chân kỷ niệm…Lê Thị Hằng-K9

Bài gửi by suphamsaigon Sat Nov 03, 2018 8:33 pm

Dấu chân kỷ niệm…

051-Dấu chân kỷ niệm…Lê Thị Hằng-K9 Le-thi-hang-k9

      Về lại trường xưa với bao kỷ niệm… Thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta có được ngày truyền thống đúng vào ngày tết Dương lịch để cùng họp mặt – cùng thăm lại thầy cô, gặp lại bạn bè và ôn lại những kỷ niệm thời áo trắng dưới mái trường SPSG thân yêu!

    Bao nhiêu nỗi nhớ, đến với nhau một ngày trong vội vã, trong khoảnh khắc ngắn ngủi – như chợt đến chợt đi vì từ những phương trời xa xăm, vượt trên trăm cây số, qua từng chặng đường, từng tuyến xe và phải tranh thủ với thời gian. Thương làm sao khi đôi chân không còn vững, đôi tay không còn khỏe mà đôi mắt vẫn dõi tìm bạn đồng môn. Ai đến? Ai chưa?… Thầy Cô về dự đông đủ thế nào? Tất cả còn khỏe mạnh không? Chắc chắn là đông hơn thì ai cũng mừng – để biết là chúng ta còn hiện hữu và cùng chung nỗi nhớ – cùng chung nỗi thiết tha gặp lại nhau trong “ cảnh cũ người xưa”.

     Ai đã từng ngồi chung dưới mái trường QGSP làm sao có thể quên được? Từ con đường Thành Thái thân quen chạy dài, hàng cây cao bóng mát dừng chân trước cổng trường để tiến qua sân vào sảnh lớn,nơi các lớp tập trung sáng thứ hai hàng tuần. Lớp mình được nằm ở vị trí của tầng cao nhất nhìn xuống sân sau, được che mát bởi những cây điệp vàng, được phóng tầm mắt qua cỗng sau trường SPTH (cổng trước trên đường Trần Bình Trọng thân thương) . Giờ chơi có thể vi vu qua lại Thư viện hoặc các dãy hành lang, khuôn viên trường rộng nhưng không nơi nào không có dấu chân bọn mình nhất là những ngay chuẩn bị thực tập – lên lớp – chạy lo học liệu tối mặt, tối mũi nhưng thật vui, thật đoàn kết và thật nhiều kỷ niệm! Kỷ niệm để đời mà mình nghĩ rằng ai cũng có, cũng nhớ để kể và nhắc lại với nhau. Quá vui phải không các bạn, nhưng đó là của nhóm mình mới hiểu nhau nhiều phải không? Xin dành riêng một chút nơi đây nhé!

    Các môn học đều được thầy cô tận tình giảng dạy, truyền kinh nghiệm và thật nhiệt tình như thầy Linh, thầy Hoạch, thầy Minh, thầy Thương, thầy Thường, cô Bảnh, cô Hoa… Các buổi thực hành, đi dã ngoại gần hoặc xa như thăm trường Sư Phạm Vĩnh Long, đi Kiến Tường, lên Phú Giáo… cũng thật vui và đầy ấn tượng.

    Thời gian qua nhanh và tình thơ rồi cũng tạm chia xa khi mỗi người về lại quê mình, với nhiệm sở của mình. Bao nhiêu lo lắng cho hành trình mới gần như cắt đứt cái buồn chia tay. Tuổi học trò thương vội chóng quên! Cô giáo mới ra trường còn bở ngỡ, chưa biết mình phải thế nào trong ứng xử với cấp trên, với cơ quan, với địa phương, với đồng nghiệp, phụ huynh. Tự nhiên thấy thương mình dễ sợ, vậy mà chỉ nghĩ một điều đơn giản: cô và trò với phấn trắng, bảng đen!

    Thế rồi mọi chuyện cũng qua đi – lớp học cũng rất vui. Trường quê cách nhà khoảng hơn 10km (rất xa đối với mình vào thời điểm đó, thân gái dặm trường) phải đi đò qua dòng sông nhỏ mới đến trường. Lần đầu phải vén tà áo dài ngồi xuống tấm ván mà nhích từng bước, tay bám chặt tay cô lái đò, run quá! Đò chao một cái tưởng như sắp lọt xuống sông. Ôi! Hãi hùng. Nhưng cái cảm giác đến bến thì thật thú vị: qua lớp sương mù buổi sớm, hình ảnh rõ dần là bóng dáng những học trò nhỏ thân yêu đã tự nguyện chờ cô qua sông để rồi cùng nhau tung tăng trên con đường làng mà hai bên giăng đầy hoa Tigon mình yêu thích dẫn đến ngôi trường be bé “ nằm lặng dưới hàng cây”. Đẹp và thơ mộng quá đến nỗi 45 năm trôi qua mình vẫn không thể quên và thật xúc động mỗi khi nhớ và nhắc đến. Thương làm sao! Và cũng thật ngắn ngủi. Chỉ một tháng sau mình về nhiệm sở khác bỏ lại bao vấn vương, nuối tiếc. Từ đó mình không còn cơ hội qua đò, sang sông! Không bút mực nào đủ để diễn tả được những thương cảm và nhớ nhung này. Xin được lắng lòng cho cảm xúc!!! Và cứ như thế, mỗi lần chuyển nhiệm sở là bao nhiêu nước mắt chia tay, để rồi mình hiểu ra rằng mình đã quá yêu nghề, quá yêu học sinh và đó cũng chính là những động lực khiến mình gắn bó với nghề bất chấp những khó khăn vất vả trong các thập niên sau 75. Tự nhủ mình đã sống thanh bạch với nghề thanh cao, niềm vui là nhìn thấy sự thành đạt, sự trưởng thành của từng thế hệ học sinh. Hạnh phúc của người thầy là ở đó và mỗi khi có dịp chúng ta đều về thăm lại trường xưa, cảm ơn những bậc thầy tôn kính đã đào tạo các thế hệ nhà giáo tiếp tục cho sự nghiệp giáo dục đúng như khẩu hiệu trong GĐSP “Lương Sư Hưng Quốc”.

    Dành trọn 45 năm trong nghề (33 năm trên bục giảng và 12 năm làm công tác quản lý ở trường ngoài công lập sau khi nghỉ hưu) luôn gắn liền với trường, lớp, học sinh nên tôi luôn cảm giác mình vẫn còn nhiệt tâm, nhiệt huyết đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nhiều hơn nữa…

    Họp mặt truyền thống GĐSP năm nay, được nghe và đọc lời thư ngỏ của thầy Nguyễn Duy Linh, rất đồng cảm với những gì xuất phát từ tình cảm với ngôi trường, với cuộc đời dạy học và vì thời gian còn lại của mỗi chúng ta… không dài nên xin thật nhanh chóng ghi lại một vài kỷ niệm, những cảm xúc mãnh liệt của một thời vẫn còn trong ký ức góp phần làm phong phú cho kỷ yếu 60 năm SPSG.

    Kính tri ân, chúc sức khỏe thầy cô giáo sư trường SPSG. Chúc niềm vui, hạnh phúc đến toàn thể quý đồng môn của GĐSP. Kính mong sự trường tồn của ngày Họp mặt truyền thống và chúc kỷ yếu 60 năm ra đời thành công tốt đẹp, như ý.

                                                                                      Ngày đầu xuân 2018

                                                                                  Cô Lê Thị Hằng – Khóa 9


Trở về trang chủ ==>https://suphamsaigon.forumvi.com

Trở về trang Thơ-Văn-Tạp Bút Gia Đình Sư Phạm Saigon ===>https://suphamsaigon.forumvi.com/f17-forum


* Email: xuanloc54@gmail.com *051-Dấu chân kỷ niệm…Lê Thị Hằng-K9 ChuKyXuanLoc
suphamsaigon
suphamsaigon
Admin

Tổng số bài gửi : 522
Join date : 17/12/2013
Age : 70
Đến từ : Saigon-Viet Nam

https://suphamsaigon.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết