suphamsaigon.forumvi.com - Gia Đình Sư Phạm Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

073-Năm Kỷ Hợi Viết Chuyện Heo-Gs Nguyễn Hữu Phước

Go down

073-Năm Kỷ Hợi Viết Chuyện Heo-Gs Nguyễn Hữu Phước Empty 073-Năm Kỷ Hợi Viết Chuyện Heo-Gs Nguyễn Hữu Phước

Bài gửi by suphamsaigon Mon Dec 03, 2018 9:05 pm

073-Năm Kỷ Hợi Viết Chuyện Heo-Gs Nguyễn Hữu Phước Thay_p10
Gs Nguyễn Hữu Phước-Nguyên Hiệu Trưởng Trường Sư Phạm Saigon


Năm Kỷ Hợi Viết Chuyện Heo-Gs Nguyễn Hữu Phước

073-Năm Kỷ Hợi Viết Chuyện Heo-Gs Nguyễn Hữu Phước Xuan_k10


CHỮ HỢI

Năm hợi: Năm cuối trong thập nhị chi, chỉ năm con heo.
Tháng hợi: Tháng 10 âm lịch.
Giờ hợi: Từ 9 giờ đến 11 giờ tối.

THẬP CAN VÀ THẬP NHỊ CHI: Sự tuần hoàn cua thời gian tính theo âm lịch.

Theo cách tính của Đông phương, năm được đặt tên theo mười can hay thập can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí; và mười hai chi thập nhị chi: Tý, Sữu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, HỢI.  Con HEO chiếm hàng thứ 12 trong “thập nhị chi”. Mỗi chi còn đi chung với một “can” trong “thập can” bên trên. Năm 2017 dương lịch, theo âm lịch là năm Mậu Tuất. Sang năm 2018, là năm Kỷ Hợi, và năm 2019 sẽ là năm Canh Tý.

Cứ tiếp tục theo thứ tự của mười can từ “giáp” cho tới “quí” thì “mỗi mười năm có một năm bắt đầu bằng chữ “giáp”.   Theo theo thứ tự của mười hai chi thì “mỗi mười hai năm mới có một năm ngọ”.  Mẫu số chung của 10 và 12 là 60.   Vậy phải sáu mươi năm sau (2078) mới có một năm “Kỷ Hợi” nữa.  

Để cho dễ nhớ, ai đó đã làm ra bài thơ sau đây, ghi theo thứ tự của thời gian 12 năm hiện tại:  

Chú thích:
(Mậu),    (Kỷ) = chữ đậm  trong ngoặc chỉ “cang” trong thập can        
TUẤT,  HỢI > chữ  đậm  không có dấu ngoặc chỉ “chi” trong thập nhị chi.
2017   (Mậu)  Tuổi Tuất là con chó cò
            Hay nằm cạnh lò lổ mũi lọ lem.
  2018   (Kỷ)     Tuổi HỢI con heo ăn hèm
              Mấy khi cúng tế chả nem đủ dùng.
2019 (Canh) Tuổi TÝ con chuột cống lang
              Hay tha trứng vịt xuống hang bỏ rày.
2020 (Tân)   Tuổi  SỬU con trâu kéo cày
              Ngoài đồng hai buổi ăn rày cỏ khô.
            2021 (Nhâm) Tuổi DẦN con cọp ngoài rừng
                      Tiếng kêu vang lừng hay chụp bắt heo.
            2022 (Quý)    Tuổi MẢO là con mèo ngao
              Hay kêu hay gào hay khóc hay than.
            2023 (Giáp)   Tuổi THÌN là con rồng vàng
                Những khi cần nước Ngọc Hoàng sai đi.
  2024 (Ất)        Tuổi Tị con rắng ròng ri
      Ở dưới mương lạn mấy khi lên bờ.
  2025 (Bính)    Tuổi NGỌ con ngựa chạy mờ
                  Nó đi một buổi mười giờ không sai.
  2026 (Đinh)    Tuổi MÙI con dê râu dài
      Cái đuôi ngúc ngoắt, cái đầu có chong.
  2027 (Mậu)     Mậu THÂN con khỉ rừng vong
      Cái đít chai ngắt, đầu không có sừng.
  2028 (Kỷ)       Tuổi DẬU là con gà rừng
              Có mỏ có mòng hay gáy ó o.
            2029 (Canh)   Tuổi TUẤT tên gọi chó cò
                          Hay nằm gần lò lổ mủi lọ lem.
2030   (Tân)       Tuổi HỢI con heo ăn hèm.
    Mấy khi cúng tế chả nem đủ dùng.

Theo Dương Tử (giáo sư Dương Ngọc Sum hiện là hội trưởng Hội Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại), bài thơ về 12 con giáp được truyền tụng như sau:
          Bính Tý là con chuột nhà,
          Gặm lúa gặm thóc đem thồn xuống hang
          Đinh Sữu con trâu kềnh càng
          Cày chưa tới buổi đã mang cày về.
          Mậu Dần ông cọp kiếm dê
          Bắt thịt đem về trên núi non cao.
          Kỷ Mẹo con mèo hay ngao
          Hay cấu hay quào ăn vụng như tinh.
          Canh Thìn con rồng sơn đình
          Mình không mình giữ ẩn mình trên mây.
          Tân Tị con rắn bộng cây
          Nằm khoanh trong bộng chẳng hay sự gì.
          Nhâm Ngọ con ngựa kéo xe
          Cong lưng mà chạy quản gì đường xa
          Quí Mùi là con dê già
          Ăn nhằm sua đủa chết cha dê xòm.
          Giáp Thân con khỉ ở lùm  
          Chuyền qua chuyền lại té ùm xuống sông.
          Ất Dậu con gà vàng lông
          Đầu đỏ mỏ vàng tiếng gáy ó o .
          Bính Tuất là con chó cò
          Nằm khoanh trong lò lỗ mũi lọ lem.
          Đinh Hợi con heo ăn hèm
          Làm chuồng nhốt lại không thèm thả ra.


CHỮ TRƯ

Chữ trư có nghĩa là lợn hay heo.
Chữ Trư cũng là một cái họ như họ Nguyễn, họ Trần.

TRƯ BÁT GIỚI LÀ AI?

Truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân có hai nhân vật quan trọng theo làm đồ đệ của nhà sư Trần Huyền Trang: Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới. Thời Nhà Đường, vị sư họ Trần nầy đi nhiều ngàn dậm bằng ngựa từ Trung Hoa sang Thiên Trúc, thỉnh về ba tạng kinh Phật nên có biệt danh Đường Tam Tạng, hay Đường Tăng.

Tôn Ngộ Không, người khỉ rất thông minh nhưng thiếu suy nghĩ.
Trư Bát Giới, người heo – mặt heo, mình người - tánh tình phức tạp với nhiều tánh xấu. Chữ Trư là một họ, nhưng trư cũng có nghĩa là heo/lợn.
           
Có bài thơ nói về Trư Bá Giới như sau:

Bèo cám bê bết quanh mồm
Tai như chiếc quạt, mắt tròn vàng hoe
Răng nanh nhọn hoắt gớm ghê!
Mõm dài há ngoác đỏ khè đến kinh
Mũ kim khôi ánh lung linh
Áo giáp lấp lánh, quanh mình thắt dây
Đinh ba chín mũi cầm tay
Bên vai lủng lẳng một cây cung dài.
Oai như Thái tuế trên trời
Hiên ngang dữ tợn thần, người dám đương.
Truyện ghi rằng ở Thiên Đình, Trư Bát Giới chỉ huy hơn 80 ngàn thủy quân thuộc cung Trời (Thiên Đình). Trong bữa tiệc lớn của Thiên Đình có sư hiện diện đầy đủ các nhân vật quan trọng, Trư Bát Giới lần đầu tiên nhìn thấy Hằng Nga, ông mê mẫn ngay. Trong lúc say rượu, Bát Giới đã tán tỉnh Hằng Nga. Nàng tâu với Ngọc Hoàng. Bát Giới bị đày xuống hạ giới.
Khi tái sinh xuống tần thế, Trư Bát Giới còn có tên Trư Ngộ Năng,   có nghĩa con lợn họ Trư “ngộ” (có nhĩa “nhận ra”) được khả năng của mình.  Họ Trư có tài ba lỗi lạc nhưng quên rằng mình có hình người mặt heo.   Phật Quán Thế Âm đặt cho ông tên Trư Bát Giới.  Bát giới hay tám giới răng mà họ Trư phải luôn nhớ để kềm chế tánh tình và luôn tu tập để tự sửa mình: Không ăn mặn, không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói bậy, không uống rượu, không trang điểm, không nằm ngồi giường quá rộng.  
Trong truyện Tây Du, vũ khí của Bát Giới là cây cào chín răng bằng sắt nặng khoảng năm ký (kg).  Ông ta có một tài đặc biệt có tên “chỉ địa thành cương”: Chỉ tay vào môt vật gì, vật đó sẽ hóa đá.
Bát Giới có nhiều tanh xấu như lười, lại có thêm tật háu ăn, háu sắc, lại ghen tị với Tôn Ngộ Không. Có lần Bát Giới nói dối với Đường Tam Tạng là Ngộ Không giết chết ba người lành mà báo cáo với Tam Tạng là giết chế ba con quỉ, khiến Tam Tạng đuổi (tạm) Ngộ Không về quê nhà núi Hoa Sơn. Bát Giới có học được 36 pháp thuật có tánh cách siêu nhiên (biến hóa thần thông). Ông ta chuyên về đánh thủy chiến trong khi Ngộ Không và Sa Tăng (Sa Ngộ Tịnh) chỉ giỏi chiến đấu trên cạn.  
Đoạn cuối truyện Tây Du Ký ghi là chỉ có Trư Bát Giới là tu không đạt được một tước vị chánh quả (như La Hán, Phật v.v.) măc dù có nhiều tiến bộ trong việc tu tập.  Lý do là vì lòng ham muốn chuyện đời còn nặng trong tâm.  Trong lúc đó hai người học trò kia của Nhà sư Trần Huyền Trang (Tôn Ngộ Không và Sa Tăng) tu thành chánh quả.  Bát Giới cuối cùng được phong chức làm Tinh Đàn Sứ Giả với phần thưởng là được làm việc nhàn hạ “lau dọn các bàn thờ”.  Ông ta tỏ ra vui thích với việc mới vì nơi thờ phượng luôn có hoa quả, Ông được ăn thỏa thích.
Truyện Tây Du Ký là một quyển Truyện rất nổi danh, và có nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi (tuổi 60-80) thích đọc.

073-Năm Kỷ Hợi Viết Chuyện Heo-Gs Nguyễn Hữu Phước 02_xua10

CHỮ HEO:

HEO hay lợn: thú nuôi để ăn thịt; bụng to, móng chẻ, nhiều vú, sanh nhiều con. Vật heo = làm thịt heo.  Thịt heo và cá là hai loại thịt thông dùng nhất trong thức ăn của dân Việt.
CHÚ ỦI: Tên khác của heo, hay lợn vì heo/lợn thường dùng mỏ để ủi đất.
HEO: Tiếng lóng chi kẻ ngu dại hay lười biếng; ngu như, heo làm biếng như heo, quân  ăn cám sú. Cám là lớp mỏng bọc ngoài hột gạo lức đã nát ra sau khi bị chà rời khỏi hột gạo; sú có nghĩa trộn với nước. Cám có nhiều chất bổ, kể cà sinh tố B15.
NUÔI HEO: a- Tiếng lóng chỉ sự dành dụm một số tiền nhỏ, nhiều ngay thành một số lớn để chi dùng về sau.
b- Tiền đậu riêng cho người thắng cuộc với sự đồng ý của một số người theo giao hẹn với nhau về những điều kiện thắng thua.
c-  Tiền dành dụm từng ngày, để vào một “con heo” làm bắng đất nung, phía mông thường có khoét sẵn một khe dùng làm nơi để nhét tiền giấy hoặc bỏ tiền cắc vào trong thân heo rỗng.
d-  “Chữ HEO”  không liên hệ gì đến con heo: Tên một loại gió lạnh trong mùa thu: Gió heo,  gió heo may.
                Gió heo may, chuồn chuồn bay thì bão.
Gió heo lành lạnh thổi về
Thương người quan ải lòng tê tái sầu.
Theo một bài đăng trong webb của Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang thì chữ Heo may là chữ dịch thoát nghĩa của chữ Lý phong hay “gió cá chép”. Truyền thuyết nói rằng khi mùa thu đến, cá chép lội ngược dòng sông đến Vũ Môn để chuản bị thành Rồng. Gió vào mùa thu gọi là gió cá chép”  “Tháng tư cá đi ăn thề,  Tháng tám cá về hội ở Vũ Môn”.

CÁC LOẠI HEO:
Heo con hay heo sữa: Heo còn nhỏ.
Heo bông hay heo lang: Heo có nhiều vá trắng đen xen lẫn nhau.
Heo đèo: Heo con nhỏ nhất trong bầy.
Heo lứa: Heo con mới lớn, chưa tới tuổi tìm heo khác giống.
Heo nái: Heo đã sinh một hay nhiều bầy con.
Heo nọc: Heo đực nuối để lấy giống.
Heo bắt nọc:  Con heo lơn nhứt trong bầy, dành riêng để đền ơn cho chủ    con heo nọc, người đã cho heo giống sinh ra cả bầy heo.
Heo ra bầy: Heo con vừa dứt sữa, được chuẩn bị cho ra sống chuồng riêng,
    xa heo mẹ, để đem bán hay để nuôi cho lớn hơn trước khi bán.
Heo rừng: heo sống trong rừng hoang do người bắt được khi đi săn.
Heo cỏ: Giống heo nhỏ con, bụng sà, lưng ển.
Heo ỷ: Heo thuộc loại mỏ ngắn, thân mình dài và tròn, mặt có nhiều nếp       nhăn.
Heo choi: Heo con mới dứt sữa.
Heo dái: Heo đực tơ chưa thiến.
Heo tây: Loại heo nhập cảng vào Việt Nam, to con hơn heo Việt, mỏ dài, thân dài.
Heo trội: Heo to hơn hết trong bầy.
Heo voi:  Heo thuộc giống to con, lông nhiều.
Heo gạo: Heo bệnh, có ổ sên trong thịt giống hột gạo.
Heo gió: Heo chết vì bịnh toi.
Heo đú mỡ: heo sung sức, chạy giỡn một mình.
Heo thịt: Heo đã bị thiến, không để nái hay để giống, nuôi cho ú lên để bán.
Heo lăn chai: Heo rừng, da dày, cứng, nanh dài, đôi khi dám cự với cọp.
Heo đồ: Heo làm thịt xong, để nguyên con dùng trong việc cúng tế.
Heo lạnh: Heo làm thịt xong được ướp nước đá hoặc để dành trong tụ lạnh hay trong freezer.

Chú thích:  Nếu thịt được ướp lạnh ở nhiệt độ từ 0 tới 4 độ C
trong vài ngày vẫn được coi là thịt tươi. Thịt đông lạnh được ở nhiệt độ thấp từ  –15 đến  –20 độ C, có thể giữ trong nhiều tháng. Mặc dù vậy, loại thịt đông lạnh này khi làm nóng sẽ có những biến đổi trạng thái về lý hóa. Ngoài ra còn có loại thịt siêu đông bằng cách làm lạnh thật nhanh xuống tới nhiệt độ - 18 độ C. Thịt được đông lạnh bằng cách nầy tốt hơn loại thịt đông lạnh thông thường.

                   TỤC NGỮ  THÀNH NGỮ  CA DAO và THƠ VỀ HEO

Tội nghiệp thay cho con heo hay ồn ào la hét, chủ nuôi heo lại cố tình cho ăn nhiều thứ, để heo mau mập chủ mau kiếm tiền. Mập sinh ra lười biếng, chủ lại ít tấm rữa cho thành “heo ở dơ”, đầu óc lại ngu dốt. Bao nhiêu cái xấu trên đời đều có hết trong con heo, nên heo lãnh đủ.  
Dân ta diễn tả tình trạng trên bằng những thành ngữ:
Nói toạc móng heo;
Ăn phàm, ăn tham, ăn uống thô tục nhu heo;  
Ở dơ như heo, mập như heo,
Làm biếng như heo”, ngu như heo.  
Nhưng heo không hề buồn phiền hay than phiền chủ chút nào hết.

Mía ngọt tận đọt
           Heo béo tận lông
Mua heo lựa nái, cưới gái lựa dòng

Ai đem chú ủi sang sông
          Cho nên chú ủi ủi vòng khoai lang

Ca dao đùa:
Còn duyên anh cưới ba heo*
                        Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi.
*Dùng ba con heo trong lễ cưới.

Ăn no một bữa một heo
Không bằng ngọn gió ngoài đèo thổi vô.

Cồng cộc bắt cá dưới bàu
           Cha mẹ mày giàu đám giỗ đầu heo.  

Em về thưa với mẹ cha
Bắt heo đi cưới, bắt gà đi cheo
Đầu heo lớn hơn đầu mèo
Làng ăn không hết, làng treo đầu đình.

ĐOẠN VĂN VỀ GÀ VÀ HEO  TRONG BÀI LỤC SÚC TRANH CÔNG  (DO TÁC GIẢ BẠCH VÂN PHI  GHI LẠI)    

Từ thời xa xưa, dân ta coi HEO là một trong sáu con vật được người thuần hóa, họp thành bầy gia súc.  Sáu gia súc gồm: Trâu, chó, ngựa, dê, gà, và HEO.  Một văn sĩ ẩn danh đã viết truyện Lục Súc Tranh Công bằng chữ Nôm**. Bài chữ Nôm lại được nhiều người vô danh chuyển dịch sang chữ quốc ngữ.
*** (Chữ Nôm là chữ viết của một số học giả Việt Nam, những người biết đọc chữ Hán bằng hiọng Hán Việt, chế ra.  Các vị nầy mượn các bộ phận chánh trong chữ Tàu và ghép lại để thành chữ đọc các âm của tiếng Việt, còn gọi là tiếng Nôm.  Chữ Nôm chưa bao giờ được các triều đình Việt Nam công nhận để dùng trong hành chánh và giáo dục nên sau nầy trở thành chữ chết.  Các vì vua được học chữ Hán cho thông thuộc để có thể ‘bút đàm’ với quan chức Trung Quốc.  Chữ nôm mới đươc một số học giả Việt Nam sáng chế, rất phức tạp, khó học,  và không thể dùng trong ngoại giao với Trung Quốc

Nhưng các học giả chữ Nôm, trong khoảng thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX, đã để lại nhiều tác phẩm văn thơ chữ Nôm cho nền văn học Việt Nam.  

Sau nầy khi chữ Quốc Ngữ trở thành thông dụng, một số rất lớn các tác phẩm được dịch sang chữ Quốc Ngữ, chữ chúng ta đang dùng hiện tại.  Ngày nay chỉ còn một số rất ít người biết đọc và viết chữ Nôm.  Chữ Quốc Ngữ là một “tuyệt vời” trong lịch sữ dùng chữ viết của VN.
Chuyện Lục Súc Tranh Công dùng thể thơ, viết về sáu con gia súc tranh nhau trước mặt chủ những công trạng của mình trong việc giúp chủ nhân, bằng cách khoe khoang công trạng, và chỉ trích khuyết điểm của con vật khác.
Đoạn bên dưới đây trích trong bài đã dịch sang chữ quốc ngữ, do Khổng Tước Linh Thần Toán Tử Bach Van Phi đăng trên Webb của ông.  Cuối mỗi đoạn về một con vật, ông Bach Van Phi có chú thích, giải nghĩa những chữ Việt xưa mà ngày nay ít thấy dùng trong sách báo hay các phương tiện truyền thông khác.
Chúng tôi chỉ  trích dẫn một phần về những câu mà Gà  dùng chỉ trích tánh xấu của HEO ;  và trích đầy đủ về lời khoe công của HEO trong  hai đoạn chữ nghiêng dưới đây theo bài Lục Súc Tranh Công.



Gà chỉ trích và than phiền về heo với chủ:

Gà gẫm lại thân gà thêm tủi,
Làm tôi người không đặng nhờ chi.
Heo ăn rồi ngủ ngáy sì sì,
Giả ngây dại, biết gì việc chủ.
Ngắm diện mạo, dị hình, dị thú,
Xem dung nhan khác thế lạ đời.
Như nuôi chơi, chẳng phải giống chơi
Chạy rau cám, như tiền nội án*.
No đú mỡ, nhảy quanh, nhảy quất,
Ðói xép hông, cắn máng, cắn chuồng.
Mỗi một ngày ba bữa ròng ròng,
Ðã chẳng thấy bữa nào sai chạy,
Bán bối gì mà người yêu vậy ?
Mù quáng chi mà phải báo cô?"
- *Tiền nội án : Tiền lộ phí trong việc kiện tụng.
- Bữa nào sai chạy: Bữa nào cũng phải cho đủ.
-Báo cô: Nuôi cho ăn không.

     HEO

Heo lên tiếng trách móc gà :
 
"Chú gà chớ lung lăng múa mỏ,
Giữ, có ngày cắn cổ chẳng tha !
Ghét thương thì mặc lượng chủ nhà,
Chớ thóc mách kiếm lời phỉ báng.
Như các chú lao đao đã đáng,

Heo kheo khoang về sự ích
lợi của heo trong xã hội loài người :

Heo thong dong ăn nhảy mặc heo.
Nội hàng trong lục súc với nhau,
Ai sánh đặng mình heo béo tốt ?
Vua ngự lễ Nam Giao đại đột*,
Phải có heo mới gọi tam sanh,
Ðừng đừng quen lời nói lanh chanh,
Bớt bớt thói chê ai ăn ngủ,
Kìa những việc hôn nhân giá thú.
Không heo ra, tính đặng việc chi?
Dầu cho mời năm bảy chuyến đi,
Cũng không thấy một người thấp thoáng.
Việc hòa giải, heo đầu công trạng,
Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù.
Nhẫn đến khi ngu phụ, ngu phu,
Giận nhau đánh giập đầu, chảy máu.
Làng xã tới lao đao, láu đáu,
Nào thấy ai gỡ rối cho xong,
Khiêng heo ra để lại giữa dòng,
Mọi việc rối liền xong trơn trải.
Phải chăng, chăng phải,
Nghĩ lại mà coi,
Việc quan, hôn, tang, tế, vô hồi*
Thảy thảy cũng lấy heo làm trước.
Bởi gà nhỏ nói lời lấn lướt,
Nên phải phân ít chuyện mà nghe.
Dễ heo nào có dạ dám khoe ?
Khắn khắn cũng lo làm việc phải.
Heo cũng biết đền ơn báo ngãi,
Heo cũng hay tiêu họa, trừ tai,
Toái thân phấn cốt* chi nài ?
Nát thịt tan xương bao quản ?

Lòng thờ chủ ngay đà tỏ rạng.
Thân mình này ví bẵng như không.
Tại chú gà lời nói khùng khùng,
Mới sinh sự so đo trường đoản".

Vậy chủ bèn phân đoán,
Phê một câu khúc tận kỳ tình*:
"Gà biết chữ xả sinh thủ ngãi*;
Heo đặng câu tịnh sinh, tịnh dục"

- * Đại đột: Lớn lao.
- *Vô hồi: Hết thảy.
- *Toái thân phấn cốt: Thịt nát xương tan.
- *Khúc tận kỳ tình: Rõ cả tình lý một cách khúc-chiết.
- *Xả sinh thủ ngãi: Bỏ đời sống để giữ lấy nghĩa.


CÁC LOẠI THỨC ĂN BIẾN CHẾ TỪ THỊT HEO

Thịt heo: Thực phẩm từ thịt heo nói chung, có nhiều dạng chế biến đưa ra tiêu thụ như ướp lạnh, hun khói, nướng trong lò, xào với nước có pha bột và nước tương hay nước mấm, có trộn gia vị, đóng hộp, phơi khô vân vân.
Heo quay: heo sau khi làm thịt, và bộ dầu lòng đã được đem ra riêng, để một phần hay nguyên con tùy ý vào lò có nhiệt nóng đúng theo nhiệt độ và thời gian cần thiết.  Ai muốn ăn phần nào (giò, thịt sườn, thịt nạc hay thịt đầu v.v., cứ yêu cầu nhân viên bán thịt heo quay chặt ra.
Heo xào/phá lấu: Các bộ phận thuộc lòng heo có thể mua dưới hình thức heo xào có ướp nước hương vị.  Các loại lòng heo xào kiểu nầy  còn có tên “phá lấu” phát xuất từ tiếng Tàu vì đa số tiệm bán thịt quay vịt quay, gà quay, gà hấp muối, v.v. là do người Việt gốc Hoa làm chủ và nhân viên bán hàng đa số cũng là người Việt gốc Hoa từ Việt Nam di cư qua Mỹ.
Trong cơ cấu tiêu thụ thịt của người Việt, thịt heo chiếm tới 73,3%, thịt gia cầm là 17,5% và chỉ 9,2% là thịt bò.


CÁC LOẠI THỊT  
(Phần chữ nghiêng  là phần trích dẫn từ webb của Wikipedsia)  

Các hàng thịt ở VN bày bán các loại thịt  sau: thịt thủ (phần đầu), thịt vai, sườn, sườn non, thịt mông, thịt đùi, thịt ba rọi, thịt thăn, nạc thăn, chân giò. Thịt ngon nhất là phần giữa cổ và vai tức là ở gáy và phần chân giò vì nơi đó nạc và mỡ hòa vào nhau nên ăn không bị khô mà cũng không bị ngấy. Thịt bụng thì nhiều mỡ ăn dễ ngấy. Thịt thăn là thịt nạc nên dễ khô nếu không nấu khéo. Ngoài ra thì thịt ba chỉ (còn được gọi là ba rọi) cũng khúc thịt được ưa chuộng.. . .
Tép mỡ hay da heo là món ăn dân dã được chế biến từ những miếng thịt, chủ ... tóp mỡ cũng là một loại thực phẩm thông dụng trong thời kỳ kinh tế Việt Nam ...

TÉP MỠ HAY TÓP MỠ:

Tóp mỡ, tép mỡ hay da heo là món ăn dân dã được chế biến từ những miếng thịt, chủ yếu là thịt heo mỡ hoặc phần da heo có dính kèm mỡ được thái nhỏ vụn từng miếng nhỏ, tóp mỡ hình thành từ mỡ lợn thái miếng chiên lên, thái nhỏ ra và thắng cho kiệt nước, phần nước mỡ cất vào lọ dùng dần để chế biến các món xào, nấu, phần tóp mỡ khô quắt còn lại thường được tận dụng làm món ăn với cơm hoặc dùng với các món khác như bún ốc.. . Miếng tóp mỡ ngon phải còn chút thịt nạc dính vào để "trung hòa" độ béo, lại tăng độ giòn rụm. Ngoài việc là món ăn ngon, tóp mỡ cũng là một loại thực phẩm thông dụng trong thời kỳ kinh tế Việt Nam còn gặp nhiềi khó khăn (như thời bao cấp), lý do là nó là một trong những thực phẩm dùng thay thế cho dầu và thịt, những "xa xỉ phẩm" thời kỳ đó.

Điều cần chú ý là TÓP MỠ LIÊN HỆ  ĐẾN SỨC KHỎE

Một điều đáng chú ý là tóp mỡ là món ăn vặt được nhiều người ưa chuộng không phải vì vị ngon mà vì vấn đề sức khỏe. Theo một số ý kiến, tóp mỡ có hàm lượng chất đạm rất cao (70%) cũng như hàm lượng cacbohydrat và chất béo thấp hơn rất nhiều so với các món quà vặt thông dụng khác (khoai tây chiên hay bánh quy cây). Chất béo của tóp mỡ cũng được cho rằng ít nguy hại hơn nhiều người nghĩ, vì chủ yếu chúng là chất béo không no, phần chất béo no chủ yếu là các chất béo "vô hại" vì chúng không làm tăng hàm lượng cholesterol. Tỉ lệ dinh dưỡng này khiến nó là thức ăn vặt lý tưởng cho những người đang thực hiện ăn kiêng theo khẩu phần nhiều đạm và ít cacbonhydrat (tỉ như khẩu phần Atkins).[2][4]

Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng việc tiêu thụ nhiều tóp mỡ thực chất là gây hại cho sức khỏe vì tóp mỡ chứa quá nhiều chất béo và cung cấp một lượng lớn calori. Theo Hội đồng Thông tin Thực phẩm Quốc tế ở Washington DC, điều này có thể dẫn đến các bệnh về tim mạch, thận, bệnh gút và chứng loãng xương. Jeanne Goldberg, Giám đốc Trung tâm Thông tin Dinh dưỡng tại Đại học Tufts ở Medford, Massachusetts nhận xét rằng tóp mỡ là một món ăn chóng gây chán, và khi người dùng chán tóp mỡ và quay về với thói quen ăn uống cũ, họ lại tăng cân rất nhanh.

LÀM SAO NẤU THỰC PHẨM NGON

Quí vị có dùng thịt heo để nấu hay chế biến nhiều món ăn ngon bằng cách vào webb của hảng Knorr Việt Nam,ghi dưới đây:
https://www.knorr.com/vn/...viet/.../bi-quyet-che-bien-thit-mem-ng..
         
Hảng Knorr viết: Có rất nhiều món ăn ngon được chế biến từ thịt, không những có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu tươi, cùng gia vị đậm đà mà còn có thể dùng kèm với nhiều món ăn ngon, lạ miệng khác
Chúng tôi tóm tắt bí quyết của hảng Knorr như sau:
1. Dùng các dụng cụ thường có trong nhà như búa, cán dao hay thanh cây cán bột để “dần” thịt cho mềm vì thịt heo thường dai hơn thịt bò hay thịt gà.
2. Dùng những nguyên liệu tươi, bất cứ loại nào quí vị thích dùng chung, để ướp thịt trước.
3. Dùng muối để ướp thịt là cách đơn giản nhất. Tuy nhiên, để có món ăn ngon hơn, có thể pha chế nước ướp thịt cho việc nấu thịt bằng nước chanh, hay nước cam nguyên chất. Thời gian ướp thịt khoảng ½ giờ đến 2 giờ.
4. Độ mềm của thịt tùy theo thời gian kho thịt.  Hầm thịt, hay om thịt (dùng lửa nhỏ kho thịt nhiều giờ), là cách có thịt kho rục hay nhất, để có nồi thịt mềm nhừ.  
5. Ngoài ách nấu thịt trong nước, còn có cách dùng lửa nướng thịt, dùng chảo chiên thịt, hoặc dùng hơi nóng để quay thịt.  

CHỮ LỢN

LÒNG LỢN VÀ LỢN LÒNG
Có hai chữ rất đơn giản “lòng lợn” và “lợn lòng” là hai từ kép giống nhau từng chữ một, chỉ khác thứ tự.
Nhiều người biết và hiểu rõ về “lòng lợn” và những thực phẩm biến chề tử bộ đầu lòng. Nhưng chỉ một số ít người biết và hiểu nghĩa của từ “lợn lòng” hay còn gọi là “con lợn lòng”.
Lòng lợn: chữ thông thường chỉ những bộ phân trong bụng con heo như tim, gan, phèo, phổi, ruột non, ruột già.
Nhắc ra đây một một loại thực phẩm được nhiều người thuộc nhóm dân nhậu (ăn có uống rượu) rất thích: dồi.  Đó là ruột heo non của con lợn, làm sạch, được dồn thịt lợn xay có ướp hương vị và chiên mỡ hoặc bơ.
Lợn lòng, hay con lợn lòng, là từ kép dùng để chỉ một trạng thái ham muốn về tình dục của đàn ông. Thí dụ: Ông X không kềm chế được con lợn lòng của mình, gây ra chuyện quấy rối tình dục bà hàng xóm, bị cảnh sát bắt và đưa ra tòa.
Trạng thái lợn lòng của một số đàn ông có “máu dê” hơi mạnh đã làm phiền nhiều phụ nữ.
Nhưng “nếu vị đàn ông độc thân nào biết kiểm soát và sử dụng con lợn lòng một cách khéo léo, đúng lúc, đúng người . . . thì sẽ thành công trong việc bang giao với phụ nữ”.  Đó là lời bàn của một ông già hiện đã gần 90 trong một buổi họp mặt thân hữu hàng tuần của “các bạn già” đã từng phục vụ trong quân đội Việt Nam nhiều năm, trước năm 1975.
(Chu choa, tiếng Việt đa dạng.)

TỤC NGỮ  THÀNH NGỮ  CA DAO và THƠ VỀ LỢN

Lợn đói một năm không bằng tằm ăn một bữa*
*Giống tằm không nhịn ăn lâu được; phải cung cấp thực phẩm cho chúng ngay vì khi đói chúng quọ quậy lắm, quá bữa an lâu chúng có thể chết.  Trong lúc heo có thể nhịn đói trong một thời khá lâu sau giờ ăn thường xuyên, mặc dầu cũng la hét và có thể phá chuồng.  Vì vậy mới có câu tục ngữ theo sau:
Lợn đói một bữa bằng người đói nửa năm.
Lợn đực chọn phê, lợn phề chọn chỏm*
*Muốn nuôi lợn đực cần chọn heo to con, mập béo. Nhưng khi mua lợn cái để nuôi nái (nuôi cho nó sanh đẻ) thì chọn heo cái mình thon, vì theo kinh nghiệm, heo mình thon sẽ sanh nhiều.
Lợn lành chữa lợn toi*
*Trong bầy heo, nếu có một con bị bịnh, phải bán ngay một con heo mạnh, lấy tiền mua thuốc chữa trị, vì để bịnh lây đến các heo kia, thiệt hại nhiều lắm.
    Lợn lành chữa thành lợn què (thành ngữ lóng)*
*Món vật hư chút ít, sau khi sưa chữa xong lại hư nhiều hơn.
Lợn tó gà tò*
*Khi gần lợn cái, dương vật lợn đực ló ra thật dài, còn con gà trống khi gần con gà mái thì xòe 2 cánh ra xếp cạnh thân và tò vè đi quanh gà mái.

Trông mặt mà bắt hình dong
Con lợn có béo thì lòng mới ngon.
Mèo theo thịt mỡ ồn ào
Cọp tha con lợn thì nào thấy chi.

"Tình cờ bắt gặp nàng đây
Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần
May xong anh trả tiền công
Bao giờ lấy chồng anh đỡ vốn cho
Anh giúp một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm...
Anh giúp đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đáp đôi tằm em đeo

Đồng giao: Thuở nhỏ chúng tôi đều thuộc bài đồng dao sau đây
Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.
Con trâu cười ngả cười nghiêng
Tôi không cần riềng, mua tỏi cho tôi.

Tuổi nhỏ chúng tôi yêu bài đồng dao đơn giản này chỉ vì hình ảnh và tiếng kêu đặc trưng của các con vật thân quen trong làng trong xóm: "con gà cục tác, con lợn ủn ỉn". Lớn lên chúng tôi mới lãnh hội được cái nguyên lý nấu ăn của dân gian: sử dụng gia vị cho từng món độc đáo. Thịt gà phải có lá chanh, thịt heo phải có hành, thịt chó phải có riềng, thịt trâu phải có tỏi. Đứng ở góc độ khác trong văn học, chúng tôi lại càng thích thú cái tình cảm sâu xa của dân gian khi nói về con LỢN**.

Trong bài đồng dao trên, con LỢN được diễn tả bằng hai chữ ỦN ỈN nên LỢN còn có tên là con ỦN ỈN như đã ghi nhận bên trên.

Trong văn thơ có câu đố sau đây về bánh chưng:
Ruộng xanh mà trồng đỗ xanh
Trồng nếp trồng hành, rồi thả lợn vô  
(ruộng = điền, hình vuông, chỉ cái bánh chưng, dùng đậu xanh và thịt heo).

Nhà thơ Nguyễn Khuyến gởi thư cho một người bạn.  Ông bạn nầy sống về nghề nuôi heo sề (loại heo sanh nhiều con), và bán heo con. Trong bài thơ ông dùng cả hai chữ lợn và heo.

Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu
Lụt lội năm nay bác ở đâu ?
Mấy ổ lợn con rày lớn bé,
Vài gian nếp cái ngập nông sâu?
Khi về già Nguyễn Khuyến có viết :
Anh em hàng xóm xin mời cả
Xôi bánh trâu heo cũng gọi là

Họa sĩ Đông Hồ có để lại nhiều tác phẩm tranh ảnh về gà và lợn.  Nhiều thi sĩ đã sáng tác những bài thơ từ kho tranh ảnh nầy, trong số ấy có thi sĩ Vũ Hoàng Chương với bài Vịnh tranh gà lợn :

  Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
Gà lợn om sòm rối bức tranh
. . . .
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh.

** (Đoạn chữ nghiêng bên trên do chúng tôi trích từ bài của một tác giả khác. Nhưng rất tiếc là tài liệu có đoạn nầy đã “biến mất” vì vài cái “click” không đúng chỗ trên bàn chữ vì chúng tôi không rành về đánh chữ. Thành thật cảm ơn lời bàn của tác già đoạn văn nầy, cũng như những tác giả khác trên các Webbs)

ĐƠM LỢN

Đơm lợn = ăn trộm heo.

Nhà văn Toan Ánh vào năm 1969 có xuất bản sách “NghệThuật Ăn Trộm Và Bắt Trộm Của Người Xưa”.  Sách có 3 phần:   Nghệ Thuật Ăn Trộm, Câu Gà, và Đơm Lợn. Nội dung nó về cách ăn trộm gà, heo từng xãy ra nhiều lần ở một tỉnh thuộc Bắc Việt.

Sách nầy lên Webb vào tháng 5/2018: TOAN ANH Nhatbook-Nghe-thuat-an-tron-va-bat-trom-cua-nguoi-xua: https://nhatbook.com/wp-content/uploads/2018/05/Nhatbook-Nghe-thuat-an-tron-va-bat-trom-cua-nguoi-xua-Toan-Anh-1969.pdf  .
           
Dưới đây là tóm lược phần Đơm Lợn.

Những tay đơm lợn nầy rất chuyên nghiệp.

1. Họ tránh ăn trộm heo của người nghèo, không vì thương hại họ mà vì gia đình nghèo thường giữ heo trong chuồng heo sát vách, rất khó đến gần những nhà  nầy để rình mò do khi gây tiếng động, chủ nhà  sẽ dễ nghe thấy.
2. Họ thích đơm lợn nhà giàu hơn, vì dân giàu làm chuồng heo xa nhà để tránh mùi hôi phân heo, và tránh được tiếng ồn do heo gây ra.  Sự rình mò ở các chuồng heo dân giàu do đó an toàn hơn, và trong trường hợp bị bai lộ cũng dễ tẩu thoát hơn.
3. Vật dụng trang bị cho việc trộm heo: Một túi vải to vừa cỡ đầu con heo nhỏ, trong đó đựng cám trộn tiêu xay, để khi lọt vào chuồng heo, vung cám ra cho heo ăn, chúng nó sẽ bớt ồn ào rất nhiều.  
4. Túi vải nầy sẽ trùm vào đầu một con heo nhỏ để có thể cõng trên lưng như cõng một đứa bé.
5.  Họ sẽ dùng hai tay, chụp và nắm chặc hai chân trước con heo nầy, choàng trên vai quanh hai bên cổ họ, và vác heo trên lưng để tránh bị bắt gặp.
    6. Họ thoát ra khỏi chuồng heo, càng nhanh càng tốt.
7. Họ phải tiêu thụ hay xử lý con heo trước khi trời sáng.  
Họ có thể giao heo cho một tên trộm khác để chuyển đi xa hơn, hoặc bán heo trộm cho người khác ngay, vì chủ nhân con heo sẽ khám phá ra sự mất trộm.  
Một vài trường hợp ngoại lệ:  
Chủ heo nhắn lời điều đình với tên trộm xin “chuộc” heo trở lại bắng cách cho tên trộm một số tiền khoảng 1/5 hay 1/4 giá con heo beo bị trộm. Việc trao đổi nầy tuy phức tạp (tên trộm heo sợ bị bắt, chủ heo không muốn bị mất cả heo lẫn tiền chuộc) nhưng có thể xãy ra.


ĐOẠN CUỐI

Chúng tôi xin chấm dứt bài báo Xuân Kỷ Hợi ở đây vì :
1. Bài đã khá dài, và tục ngữ trong giới viết lách, thuyết trình có câu “nói dai, nói dài  thì sẽ . . . nói dở”.
2. Một chuyện cười không cười ra tiếng được: Ở tuổi 78, tôi chỉ biết dùng  phương pháp “nhất dương chỉ đả cơ khí tự”*** để viết bài nầy trên máy điện toán để có thể chuyển đi đến QUÍ VI qua các tập san.
***Nhất dương chỉ = võ công dùng 1 ngón tay để quánh máy vì: đả = đánh, cơ khí = máy, tự = chữ.  Vốn liếng và sự hiểu biết về chữ Hán Việt của tôi nằm gọn trong 7 chữ nầy.

  CHÚNG TÔI XIN CẦU CHÚC QUÍ VỊ LUÔN HƯỞNG
AN KHANG VÀ THỊNH VƯỢNG TRONG NĂM KỶ HỢI.
 
Hungtinton Beach, October 31, 2018
Nguyễn Hữu Phước Ph.D, USC, 1974

Trở về trang chủ ==>https://suphamsaigon.forumvi.com

Trở về trang Thơ-Văn-Tạp Bút Gia Đình Sư Phạm Saigon ===>https://suphamsaigon.forumvi.com/f17-forum


* Email: xuanloc54@gmail.com *073-Năm Kỷ Hợi Viết Chuyện Heo-Gs Nguyễn Hữu Phước ChuKyXuanLoc
suphamsaigon
suphamsaigon
Admin

Tổng số bài gửi : 522
Join date : 17/12/2013
Age : 70
Đến từ : Saigon-Viet Nam

https://suphamsaigon.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết