suphamsaigon.forumvi.com - Gia Đình Sư Phạm Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

074-Ký Ức Dạy Học-Hồ Thanh Tâm-K8

Go down

074-Ký Ức Dạy Học-Hồ Thanh Tâm-K8 Empty 074-Ký Ức Dạy Học-Hồ Thanh Tâm-K8

Bài gửi by suphamsaigon Sat Jun 15, 2019 6:43 am

074-Ký Ức Dạy Học-Hồ Thanh Tâm-K8 Tuu_tr11

Ký Ức Dạy Học
Bài tham gia Kỷ Yếu 60 Năm Sư Phạm Saigon
         
         Ngày ấy …tháng chín năm 1971 chúng tôi tốt nghiệp khoá 8 trường Sư Phạm Sài Gòn được ưu tiên chọn nhiệm sở theo thứ hạng kết quả tốt nghiệp. Thứ hạng là kết quả của quá trình chăm chỉ học tập lẫn rèn luyện hạnh kiểm trong suốt 2 năm học. Tại trường Sư Phạm chúng tôi lần lượt chọn Sài Gòn, Gia Định và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Sài Gòn, Gia Định khó mà mơ đến vì nhu cầu quá ít ( Sài Gòn: 5 Gia Định: 30) .Kế đến là Biên Hoà, Long Khánh, Bình Tuy, Vũng Tàu, Bình Long, Phước Long …và có một tỉnh miền tây là Gò Công …Tôi đã chọn Biên Hòa là nơi gần Sài Gòn có thể đi về hàng tuần. Về trình diện tại Biên Hoà chúng tôi tại tiếp tục chọn nhiệm sở theo thứ hạng căn cứ vào nhu cầu giáo viên của các trường trong các quận. Tại đây tôi nghe hướng dẫn và giới thiệu về các trường có nhu cầu giáo viên. Lần lượt theo thư tự xếp hạng tốt nghiệp, chúng tôi được gọi tên lên để chọn nhiệm sở theo ý thích của mình. Chúng tôi có 5 người nhà ở Sài Gòn đã quýêt định chọn trường Tiểu học Cộng đồng Phước Lý A thuộc quận Nhơn Trạch vì trường nầy gần, qua phà Cát Lái đi chừng 5 km là đến .


         Thế là chúng tôi cùng nhau về trình diện và bắt đầu sự nghiệp “gõ đầu trẻ “tại trường Tiểu học Cộng đồng Phước Lý A. Trường nằm trên ngọn đồi, diện tích rộng, thoáng mát, có 8 phòng học xây tường, nền láng xi măng, trong đó có 3 phòng được lợp ngói. Ngoài đường đi vào là một cái cổng với hai cây cột to kiên cố Bảng tên trường được viết khá chân phương đẹp mắt. Đi vào bên trong là phòng họp giáo viên, bên cạnh là phòng của Hiệu trưỏng. Có một nhà vệ sinh nhỏ nằm bên ngoài phòng Hiệu trưởng. Từ phòng họp giáo viên và phòng Hiệu trưởng nhìn ra là hai dãy phòng học xây theo chữ L. Sân trường rất rộng nền đất có trồng một số cây bóng mát trong đó có cây điều, cây mít. Do đo giáo viên thường được ăn mít, ăn điều . Chúng tôi rất vui vì được dạy tại một ngôi trường khá khang trang (theo hoàn cảnh lúc bấy giờ )có thể nói là nhất nhì trong quận Nhơn Trạch. Riêng tôi tại ngôi trường này đã để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm buồn vui khi khởi đầu nghề giáo và trải qua 5 năm tại nơi này …

        Thầy hiệu trưởng và tất cả thầy cô trong trường đã đón tiếp chúng tôi rất nồng hậu và mừng rỡ vì trường đang thiếu giáo viên khá nhiều, có nhiều thầy cô phải dạy hai ca. Hơn nữa tại đây đa số giáo viên là người địa phương được đào tạo tại chỗ nên rất muốn có nhiều giáo viên từ trường Sư phạm chuyển về. Bởi vậy khi có 5 thầy giáo mới về đã góp phần làm cho trường khởi sắc.

        Chúng tôi nhớ rất nhiều những buổi sinh hoạt cộng đồng, thầy trò dắt nhau vào thôn xóm tìm hiểu, học tập về ngành nghề thủ công, thầy trò thảo luận sôi nổi vì các trò tuy nhỏ nhưng có thực tế lao động rất hay …Có khi trường tổ chức chuyên đề nghiên cứu về đề tài nào đó như ăn uống, vệ sinh thân thể, phòng bệnh …rất thực tế , rất hào hứng cho nên học sinh rất ham thích. Rồi những giờ Hoạt động thanh niên cuối tuần (sau này gọi là sinh hoạt tập thể ) luôn luôn sôi nổi, thầy làm quản trò tổ chức nhiều trò chơi vui nhộn, mới lạ giúp các trò hoà mình vào tập thể vui chơi hồn nhiên thoải mái …Lần đó trường chúng tôi tổ chức cắm trại tại trường cả ngày. Với những kiến thức học được tại trường Sư phạm cộng với lòng nhiệt tình tuổi trẻ và kinh nghiệm sinh hoạt tập thể, chúng tôi đã làm ngôi trường hôm ấy náo nhiệt, sống động và đầy ấp tiếng cười của thầy trò khi hòa nhập vào các trò chơi mới lạ và những tiết mục văn nghệ hay. Một ngày cắm trại để lại nhiều niềm vui và sự luyến tiếc của bọn trẻ !



         Lại nhớ về những giờ lên lớp thật nhẹ nhàng thoải mái trong giảng dạy bất cứ môn học nào. Trường Sư Phạm đào tạo chúng tôi dạy được tất cả các lớp Tiểu học và dạy đưọc tất cả các môn học. Cho nên phải công nhận làm thầy giáo Tiểu học thật vất vả. Nhưng với chúng tôi lúc bấy giờ chỉ là chuyện thường. Với những kiến thức và phương pháp Sư Phạm được trang bị có bài bản và được thực hành chuyên sâu , việc giảng dạy đối với chúng tôi thật nhẹ nhàng, thoải mái không hề có áp lực, lo lắng gì cả. Sau khi truyền thụ kiến thức, học sinh hiểu bài và thực hành tốt là được rồi. Có những bài học sinh chưa hiểu hoặc hiểu chậm thì mình rút kinh nghiệm cho bài sau. Còn đối với học trò học chậm thì mình quan tâm dến các em nầy nhiều hơn . Không có thời gian bắt buộc cho một tiết dạy cho nên giáo viên linh động các môn theo thời khoá biểu trong ngày làm sao dạy đủ giờ, đủ môn là tốt rồi. Không có chuyện dự giờ thăm lớp, dự tiết tốt, thao giảng chuyên đề hay thanh tra. Thầy cô với tinh thần trách nhiệm dạy học bằng cả tấm lòng yêu trẻ quýêt định chất lượng lớp mình dạy đảm bảo giáo viên lớp trên không phàn nàn khi nhận bàn giao học sinh lên lớp. Uy tín danh dự, lương tâm, trách nhiệm của người thầy là trên hết.

          Còn hồ sơ sổ sách thì sao? Thật đơn giản .! Một quyển tập 100 trang làm tập soạn bài dạy theo thời khoá biểu. Nội dung ngắn gọn nửa trang đến một trang ghi vắn tắt bài dọn (cũ ), bài dạy, những câu hỏi, phương pháp, học liệu (đồ dùng dạy học)…Ghi như vậy chứ thật ra giáo viên đã chuẩn bị nhiều kiến thức và phương pháp trong đầu. Tiếp đến là sổ điểm dùng để ghi điểm từng môn học của học sinh hàng tháng, cuối tháng cộng điểm các môn học chia số môn ra điểm trung bình và xếp hạng học sinh theo thứ tự điểm trung bình. Học sinh hạng nhất đến hạng năm được phát bảng danh dự và được ghi tên lên bảng danh dự của lớp. Trong tháng dạy giáo viên phải chú ý sổ điểm làm sao cuối tháng tất cả cả các em đều phải có đủ cột điểm ,nếu không đến cuối tháng phải “chạy điểm “thì mệt lắm !!!

          Còn học trò thì sao, thầy có đánh chúng không ???

          Lúc học ở Sư phạm chúng tôi luôn nhớ là không được đánh mắng học sinh bất cứ hình thức nào. Nhưng khi ra trường, thấy các thầy cô tiền bối vẫn đánh trò và nhận thấy có đánh mắng thì trò mới sợ và ráng học. Vì vậy chúng tôi cũng có đánh các em, nhưng đánh là để răn đe nhắc nhở trò học bài làm bài đầy đủ bằng cách khẻ vào tay hoặc đánh vào mông. Có lúc cũng phạt quỳ gối, ngậm bút hay “thụt dầu” khi chúng nó nghịch ngợm, vô lễ với thầy hoặc nói chuyện. Hành xử đối với trò như vậy là phản Sư phạm ai cũng biết nhưng cũng làm và cha mẹ học sinh cũng đồng tình. Có một lần trên đường đi dạy về, ai đó đã nói :”Giáo bất nghiêm sư chi đọa”!!! hai ba lần, hình như muốn nhắc nhở tôi vì tôi là người ít đánh học trò nhất trong số các thầy !?…..

Hồ Thanh Tâm – Khóa 8 SPSG


Trở về trang chủ ==>https://suphamsaigon.forumvi.com

Trở về trang Thơ-Văn-Tạp Bút Gia Đình Sư Phạm Saigon ===>https://suphamsaigon.forumvi.com/f17-forum


* Email: xuanloc54@gmail.com *074-Ký Ức Dạy Học-Hồ Thanh Tâm-K8 ChuKyXuanLoc
suphamsaigon
suphamsaigon
Admin

Tổng số bài gửi : 522
Join date : 17/12/2013
Age : 70
Đến từ : Saigon-Viet Nam

https://suphamsaigon.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết