suphamsaigon.forumvi.com - Gia Đình Sư Phạm Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

007-Câu Chuyện Chàng Tô Tê -Giếng Ngọc-Nhị 5-K11

Go down

007-Câu Chuyện Chàng Tô Tê -Giếng Ngọc-Nhị 5-K11 Empty 007-Câu Chuyện Chàng Tô Tê -Giếng Ngọc-Nhị 5-K11

Bài gửi by suphamsaigon Tue Oct 30, 2018 12:52 am

Câu Chuyện Chàng Tô Tê

007-Câu Chuyện Chàng Tô Tê -Giếng Ngọc-Nhị 5-K11 NgocTinh

Mảnh gạch vỡ mang về từ đống gạch nơi mà trước đây từng là lớp học Nhị năm , giờ nằm giữa những thứ linh tinh trên bàn. Ôi chao ! Có thể một ngày mai mốt nào mình sẽ quên nó thôi. Khi cuộc sống cứ như hết lớp sóng này đến lớp sóng khác miệt mài vỗ đập vào cái bãi bờ không kê chắn, cưu mang mảnh gạch như một kỷ niệm ư ? Liệu có giữ gìn được không, hay đến một hôm , lúc đầu óc đã lãng đãng dần , chợt nhớ chợt quên nên phải lụi hụi lục tìm .Người nhà hỏi tìm gì ,chả lẽ nói tìm mảnh gạch..Không khéo lại bị xem là lẩm cẩm, hay đa cảm, ủy mỵ.. Thế đấy , có ai như mình không nhỉ, thì chẳng phải là từ khi còn bé , mình vốn ngốc nghếch lắm nỗi, cứ tô ta tô tê như chú Mán trên rừng về thành đấy thôi ?

Lớp Nhị năm mình học cũng bình thường như những lớp học khác của trường Sư phạm. Một dãy phòng như nhau năm hiền hậu nhìn ra khoảnh sân trường phía trước, trong đó có lớp mình . Từ khoảng tường trên lối vào chính có hàng chữ “Trường Sư Phạm “ .Những hàng hiên lót gạch nằm dọc theo dãy lớp, đến hai khu cầu thang lên tầng trên . Ôi , những hàng hiên trước lớp, có chàng trai giáo sinh ngồi bệt xuống đất với cây đàn guitar trên đùi, hát một mình rất hồn nhiên .” Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối.” chả thèm quan tâm đến một ai đó đi qua chậm bước dừng nghe. Chàng Mariachis Sư phạm Sài gòn ôm đàn hát tặng ngươi bạn gái nào không biết trong một trưa chiều xa xăm. Cái không gian trường lớp .. không mới, không tân kỳ, hiện đại. Đối với các khóa học đàn anh đàn chị trước mình, thì trường lớp lúc bấy giờ, cũng có thể dược coi là ngôi trường xưa kỷ niệm . nghĩa là đã ít nhiều cũ kỹ rồi. Thế nhưng, có phải vì trường lớp hiền hòa quá, thời gian học cũng không đủ lâu, bạn học ra trường mỗi người mỗi phương, rồi nỗi gia đình ,sự nghiệp vướng bận - mà mình thì cũng vậy, khác gì.. cho nên bạn cũ đã thành .. người muôn năm cũ , hồn ở đâu bây giờ ! Hiếm hoi có khi gặp nhau sau mấy mươi năm , cứ ờ à mãi mới nhớ ra, cũng có thể nhớ ra đấy, nhưng sao có gì đó làm mình ngần ngại quá , Nhưng cũng thật hạnh phúc khi tình cảm bạn bè được đón nhận chân thành, không màu mè , miễn cưỡng . Để mình kể cho ông bạn nghe .. Bỗng dưng sao mình lại nghèn nghẹn chút chút vậy nè, thật buồn cười, chỉ là mẩu gạch con con thôi mà ..

Bạn nghĩ mình ắt hẳn phải có nhiều kỷ niệm đẹp lắm trong những năm học dưới trường Sư phạm . Thật ra mình ít bạn , chơi với bạn cũng vụng về, thua kém, Năm học Nhất niên có lần mình bị một chị bạn mắng mỏ khá là ê chề, cũng vì mình ngốc nghếch quá . Biết làm sao được .. Vả lại, muốn cũng không thể, mình lúc ấy chẳng có được cái gọi là gia đình nữa, Ở nhờ nhà người bác họ, sống hồn nhiên, sống bình yên chỉ còn là niềm ước ao . Mình đi học làm thầy giáo mà bài vở chẳng mấy khi được chỉn chu, người ngợm cũng không chỉn chu, Có lúc thiếu thốn quá, mình nghỉ học mấy hôm làm phụ hồ kiếm tiền . Chả trách có giáo viên lớp mình thực tập, đã chấm điểm mình thiếu tác phong mô phạm. Rốt lại, có mấy chuyện thầy, chuyện bạn mà khi nhớ lại làm mình an ủi, ấm lòng .

Thế nhưng, mình đã yêu ngôi trường cũ biết bao, những lần trở lại trường dịp hè, ngồi một mình trong căn phòng học từng là lớp Nhị năm , nơi mình đã ngồi ngày nào, nhìn xéo sang chiếc cầu thang vòng lên lầu một.. Mỗi ngày trôi qua, thuở ấy, mỗi ngày, mình mỏi mong gặp những thoáng giây ít ỏi êm đềm, một thoáng thôi , cũng đủ an ủi , qua đi những nỗi nhọc mệt tủi cực của một ngày ; Lúc mà, ai kia.. biết nhau từ khi còn thơ bé cho đến giờ, cứ khéo đi đến lớp trễ trễ một chút, để mình ngồi đây ngước lên, giả vờ như tình cờ gặp và.. sẽ có một thoáng mỉm cười với nhau, một thoáng chút thôi . Ôi , nghĩ lại mình thấy thật tội nghiệp cho chàng tô tê ấy . Những ngày thơ bé đã qua của chú chàng hồn nhiên biết bao.. Đuổi nhau chạy tít mù trên những lối ngõ, giữa nhũng ngôi mộ đất quanh ngôi chùa ,và tiếng cười nắc nẻ từ miệng hơi bị tật của cô bạn Oanh vũ nhỏ . Gia đình phật tử xa cũ mà chú chàng phải thôi tham gia sinh hoạt kể từ lúc mẹ chú qua đời và nhà dời đi nơi khác, lúc chú chàng và cô em nhỏ được tám tuổi . Thôi thì từ biệt vậy, bạn bè nhỏ thơ cùng ngôi chùa Hải Quang ấy, thôn xóm ấy , cả những lối đường khu Ngã ba Ông tạ ấy .. Sau này, cuộc sống đưa đẩy họ gặp lại nhau hai lần trong những cảnh đời thật oái oăm, chả biết chào hỏi làm sao, cứ lúng búng trong miệng rồi quay bước đi như chạy trốn .. Nhưng đâu phải là đã hết ..
Ngôi trường Sư phạm năm xưa, mỗi năm hè về lại cho ra trường những cô thầy giáo trẻ.. . Năm ấy, lần đầu tiên Sư phạm Sài gòn phân bổ giáo viên cho các tỉnh đồng bằng Nam bộ như Ba Xuyên, Bạc liêu , An xuyên , kể cả Bình Thuận.. Chuyến xe đò đưa mình xuôi về cuối miền đất nước , xe đi qua bao nhiêu chiếc cầu, bao nhiêu ruộng đồng, sông nước, anh giáo trẻ ngỡ ngàng lần đầu ngắm nhìn chợ nổi Cái răng , Ngã bảy Phụng hiệp, những chiếc xe lôi đạp , chàng công tử miệt vườn mặc đồ bộ màu trắng, đội chiếc mũ phớt và có hàng ria mép được tỉa tót rất Tây đang mời khách đi đường mua nem Lai vung .. Những ngôi trường nghiêng mái chào anh giáo trẻ khi chiếc xe đò lướt qua, Trà men , Đại hải , Cái dầy.. Xe ngừng ở bến Bạc liêu, nhưng vẫn còn một chặng đường xe vất vả nữa . Chiếc xe già hì hục bươn bả vượt qua những chỗ lồi lõm nham nhở trên con đường liên quận vốn thường bị đào sới, đắp mô trong những tháng ngày chiến tranh tao loạn , Xuống xe ở xã Lai hòa , thêm một đoạn đò đưa trên con kinh dẫn ra hướng biển .. Đò dừng ở cuối bến, hỏi thăm nguòi chèo đò trường học ở đâu “ Ờ, trường học hả ? Ờ, xà lả nâu lểnh, thầy giáo đi hướng đó, tới ruộng muối rồi hỏi người ta xà lả nâu nả.. người ta chỉ cho..”
“ Em ơi, cho tôi hỏi thăm .. xà lả nâu na ? “
Những em nhỏ đưa mình đến nhà người thầy giáo làng “ Lụcrụ mô hơi , lụccru mô hơi , Lụcrụ hôp bai nâu ? “
Trường học của anh giáo tô tê nằm bên đường Xum cáng dọc theo ruộng muối biển Vĩnh Châu Bạc liêu , trường nằm trong khuôn viên một ngôi chùa Miên, một bên đường là những xòm nhà dân , hầu hết là người Khmer, san sát những vườn nhãn trải dài suốt mấy mươi cây số đường biển . Bên kia đường là ruộng muối trắng lóa mắt . Ở đây ,chỉ có thầy cô giáo nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt thôi , người dân nói chuyện với thầy cô giáo bằng thứ Việt ngữ pha Miên ngữ lung tung beng ! Mình cũng cố học chút ít tiếng Miên để giao tiếp với dân , đôi khi bị hớ vì mấy anh chị Miên nghịch ngợm dạy mình nói lộn xộn, thay vi ..“ Ôn soc sà bai tê ? “ ( Em, chị có khỏe không ) thì lại..” Ôn sà lanh boong tê ?” (em có thương anh không ?) Thật là ..mèng ơi ,” Hiễn Khmer hot choòng ngòp “ ( trời ơi , học tiếng Miên sao mà mệt quá ) . Có những chiều , mình đi bộ ra biển chơi, biển Vĩnh châu rất hoang sơ, sát bờ là những bãi bùn , xa hơn mới có cát , bùn và cát một màu nâu đen , nước biển đục , loáng thoáng phía xa có những người dân đang đẩy “xiệp” bắt tôm , bãi bùn rất nhiều nghêu , giá nghêu rẻ như cho không . Những hôm trở gió, trời nước một màu ảm đạm , mình ngồi ngắm biển suốt buổi chiều, trời mưa.. mình đến chiềc “nò” dựng sát bờ biển trú mưa , trong nò cũng không có ai , lại ngồi nhìn biển .. Trong cơn mưa dào dạt , biển và mưa chơi đùa, gió đưa mưa đi đâu, biển cũng đi theo không rời, chàng tô tê buồn lắm , chàng đang rất nhớ ai ..
Những tháng năm sau, quen nơi quen chốn, mình đi thăm đồng nghiêp Sài gòn đang dạy gần đấy , Huy Phái học cùng lớp dạy ở Preychrou, gặp Phái mặc bộ bà ba đen trông như Hắc công tử, vẫn lối nói chuyện tếu táo, Phái nhận ngay mình là Hắc công tử Bạc liêu..Một lần , mình đi bộ từ Bạc liêu vào Vĩnh châu , đi miệt mài đến chiều mới đến xã Lai hòa..
“ Chị ơi, làm ơn cho tôi xin chút nước mát uống nghe chị “
“ Dạ, anh hai , cứ uống đi mà “..
Vùng quê đây nghèo xơ xác vì trước đây là nơi bom đạn tự do , mấy năm sau ngày giải phóng cây cỏ mọc dần che khuất những vết tích chiến trường xưa , nhưng đất và người vẫn nghèo lắm .Thế nhưng nhà nào dù nghèo đến đâu cũng có một cái lu nhỏ chứa nước mưa đậy nắp, có chiếc gáo dừa bên trên, để khách qua đường có khát thì cứ múc nước uống,việc hỏi xin dường như không cần thì phải . Người dân sống với nhau chân quê mà cũng thật chân tình . Từ ngôi trường mình đã học để làm thầy giáo qua những nơi mình đã sống qua với nghề dạy học là những không gian quê hương buồn và đẹp như tranh “..em chưa qua nhũng khúc sông , chưa được nhìn doi vịnh chiều hôm..” Chàng tô tê lang thang mãi các nẻo đường quê trong những tháng năm đất nước khó khăn thắt ngặt, bạn bè cùng khóa đã bỏ dạy về Sài gòn gần hết cả mà chàng thì từ Lai Hòa Prey chop chuyển đến Xung Thum, rồi Huỳnh Văn Thu, No tom.Trà Teo, qua Vĩnh Phước. Áo quần vẫn bụi bặm chưa chỉn chu, vẫn ngốc nghếch vụng về đến nỗi chưa có được một mảnh tình vắt vai ...
Không phải đâu ông bạn ạ, tình cảm nó có lúc nào ai mà ngờ được.Thời đi học của
mình , từ năm đệ ngũ, đệ tứ trở đi đã vất vả lắm rồi, có lẽ một chút tâm linh nào đó giúp mình còn được tiếp tục học mà không bị cuốn vào chuyện lính tráng..có lẽ mợ mình phù hộ mình , mẹ mất đi mà con thì bé dại ,chưa biết buồn khóc mẹ .Việc học hành của mình lận đận trăm bề , tưởng như đứt đoạn nhưng rồi lại vượt qua .Nhớ lại những tháng năm học “quỵt “ tiền trường ,đến nỗi thầy giám thị chán mặt không buồn gọi lên văn phòng nữa, mình rất biết ơn vì thầy chỉ mắng mỏ chứ thầy không nỡ đuổi học , Những tháng năm là giáo sinh sư phạm, thầy giáo tương lai với chiếc quần lính nhuộm xanh và cái áo trắng hiếm hoi được ủi..Ôi , những ngày xưa ấy, u uất và cả căm hận .Có lẽ nào , mợ đã vỗ về an ủi mình , dun dủi cho mình gặp lại người bạn ấu thơ, khi cô ấy cũng thi đậu vào Sư phạm và học sau mình một năm..
Ngày xưa lúc còn sinh thời , mẹ mình vẫn bảo với mình là con ngốc nghếch lắm ,cứ tô ta tô tê như chú Mán ấy , sau này , lúc bệnh mẹ đã khó chữa rồi ,mẹ linh cảm nhìn con ngậm ngùi :
- “ T. này, mợ muồn đội đá sống nuôi con lớn khôn , con ngốc nghếch thế này, mợ mà chết đi thì con sẽ khổ lắm , con sẽ bị người ta bắt nạt tha hồ mất thôi, mợ.. “
Và mẹ quay mặt đi không nói nữa . Những lời định mệnh của mẹ, lúc ấy làm mình xao xuyến lạ lùng , mình nằm xuống bên mẹ, thương mẹ quá mà không dám ôm mẹ vì sợ mẹ đau,mấy ngày đêm rồi mẹ bị cơn đau ung thư hành hạ , trưa nay mẹ nằm yên lặng..
- “ T. sao giờ này mà con còn chưa đi học, con buồn ngủ à . Dạy đi học đi “
Tô tê của mẹ chần chừ ngồi dậy, ra bàn học lấy cặp sách ,rồi bước đến giường mẹ chào
- “ Mợ ơi, thưa mợ con đi học đây “
Đó là những lời cuối cùng của mẹ con mình lúc mẹ còn tỉnh..Chiều hôm ấy tan học về thì mẹ đã mê sảng rồi ,mẹ nói gì rất nhiều nhưng giọng nói ngọng không nghe được nữa
Dường như đến một lúc nào đó , bà hiểu ra và thôi nói, phải chăng mẹ đang rất muốn dặn dò con ..nhưng không thể .
- “ Mợ ơi , mợ ăn cháo nhé “ Mợ gật đầu, nhưng không nuốt được
- “ Mợ ơi để con chải đầu cho mợ nhé “ Mợ gật đầu..Ai đó nhắc mình để bà nằm nghỉ
- “ Mợ ơi , con đỡ mợ nằm xuống nhé “ Mợ gật đầu..
Nghĩa trang nơi mợ nằm ở mãi An nhơn Xóm mới , mộ đất, cỏ vàng . Hôm lễ tang , Gia đình phật tử mình vẫn sinh hoạt mỗi tuần , trong đó cả cô bạn Oanh vũ nhỏ , có đến tụng kinh và tiễn đưa .

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

“ Và ngày hôm nay anh như đứa trẻ của ngày hôm xa xôi tìm về..” Một ngày cuối hè năm nào , cu Bằng con trai mình đủ điểm vào học cấp ba trường Trung học Thực hành Đại học Sư Phạm ..mình đưa con trai đến trường ghi danh nhận lớp .Năm ấy trường mới mở và chưa xây dựng xong, suốt học kỳ một học trò được học chung phòng lớp của sinh viên trường Đại học Sư Phạm , gồm cả trường Quốc Gia Sư Phạm mình học trước . Thì ra bố con cùng học một trường đấy , con có thích không ?Thằng bé mỉm cười , khoái chí , mình đưa con trai đến lớp học Nhị năm. Lớp cũ, dãy hành lang dài và vẫn chiếc cầu thang lên tầng trên, hai bố con lơ ngơ trong không gian im ắng ngày hè “ Bố ngồi ở dãy bàn cuối lớp “ khu xóm nhà lá “, đó ,con vào lớp và ngồi chỗ của bố xem nào “ Mình đứng ở lưng chừng cầu thang nhìn xuống đứa con trai cũng đang nhìn theo mình , mỉm cười với con và nó cũng mỉm cười với mình…Con nào biết được..chỗ con đang ngồi và nơi bố đứng đây, bố đã gặp lại người bạn oanh vũ thơ bé
cũ .. Dẫn con lên tầng trên ,hai bố con lang thang đến căn phòng xưa là phòng âm nhạc, nơi có chàng giáo sinh ngồi ôm đàn hát những lời hát nghe sao mà cay đắng :”.. Từ đó , em làm dâu người ta , Từ đó , anh thành anh nghệ sĩ , Con tim, con tim gieo ngàn nơi . Anh yêu , anh yêu cũng nhiều rồi ..”
Ngôi trường theo thời gian dường như cũng mệt nhọc, mỏi mê, Xây dựng dãy mới và sửa sang chắp vá các phòng lớp cũ có lẽ đã làm nhạt phai dần hình ảnh trường xưa; Có những ngôi trường cũ sau bao tháng năm phải tu bổ lại, cho dù xây sửa nhiều ít đến đâu thì bóng dáng của nó vẫn được giữ gìn không thay đổi, để bao thế hệ sau này sẽ hít hà hãnh diện vì được học ở một trường truyền thống lâu đời, từ phong cách bên ngoài đến cả cái hồn bên trong..Ôi , phải chăng những kỷ niệm cứ mãi níu kéo lạc điệu so với nhịp sống nhanh bão bùng của thời đại. Ừ thì thế, nhưng con tim vẫn có cái lý sự cùn của nó mà ..Lúc đưa con về thì trời đổ mưa ,mình bảo thôi hai bố con ở lại một chút chờ mưa tạnh, đã bao lâu rồi để có chiều nay mình lại được đứng đây mà ngắm mưa , cơn mưa không nặng hạt nhưng cũng đủ làm ướt sân, muôn ngàn hạt mưa nhỏ dạt dào nghiêng rơi như vỗ về những lối đường và khoảng sân trường vắng vẻ ..Trên con đường mưa trơn ướt năm xưa ấy, Thùy tíu tít vội vàng bước và mình thì cũng vậy ,không ngờ lại đi cạnh nhau , chơt nhận ra và mình lúng túng chậm bước lại , nhường Thùy đi trước, nhưng Thùy cũng bước chậm bên cạnh .. Bỗng dưng mình ngượng nghịu quá, băn khoăn không biết nói gì bây giờ ,hai người im lặng bước đi, đến trước lớp Nhị năm của mình , Thùy nói nhỏ : “ Thôi , Thùy lên lớp trên nhé “ “ Vâng,Thùy đi học đi “ và mình đứng lại , Thùy nghiêng đầu quay sang nhìn mình mỉm cười rổi bước nhanh lên cầu thang . Ngày xưa, có một chú bé ngốc nghếch nhưng cũng nghịch ngợm đáo để , đôi lúc chú chòng ghẹo cô Oanh vũ nhỏ chút xíu ,đến nỗi cô giận, lườm cho một cái “ Để tao mách chị Thuận cho mày bị phạt quỳ hương nhá “.. Hôm nay, chú ngốc tô tê chắc vẫn còn sợ bị phạt quỳ hương nên cứ xếp ve, chẳng dám nói năng lộn xộn. Nhưng mà, con tim chú, có lẽ muốn nói rất nhiều ..” Giờ, con đường trơn ướt, em đi qua lòng có bâng khuâng , và có ngờ biết chăng , trong tim anh ,lời ước mơ chào “
..Những ngày sau đó, gã khờ ngồi ở cuối lớp, rất sớm ; mong gặp một ai kia đi học ,nhỡ hôm nào ai ấy đi học muộn một chút, thì ..mong ơi là mong, nhưng vẫn cứ làm như thể tình cờ, tình cờ ngước lên , tình cờ nhìn xuống mà gặp nhau thôi ! . Và cũng chỉ dám ngập ngừng một miệng cười chào , thoáng phút giây qua rất dịu dàng để cho ngày còn lại trở nên nhẹ nhàng , trống trải.

Mùa khai giảng năm học đầu tiên sau ngày Giải phóng, đa phần thầy cô giáo đều được lưu dụng dạy học tiếp, do nhu cầu địa bàn trường lớp mở rộng, việc phân bổ điều động giáo viên ảnh hưởng nhiều đến các bạn chưa có gia đình .Giáo viên Sài gòn hầu hết được phân vào vùng Giải phóng cũ thuộc hai xã Lạc Hòa , Khánh Hòa : Phú Kha dạy ấp Phạm Kiểu , Thiện Tích, Quân và mình về Huỳnh Thu , Giày lăng, No Tom , năm học sau tiếp tục chuyển đến Trà Teo, MỹThanh . Những vùng quê hương chiến tranh kéo dài từ nhũng năm 1945 chống Pháp đến 1975, Dấu vết bom đạn còn đậm nét , không chỉ cụ thể ở nỗi cơ màu đất đai,nhà cửa ruộng đồng xơ xác mà còn cả trong tâm hồn con người , hừng hực men say chiến thắng , ký ức còn hôi hổi căm thù, gần như nhà nào cũng có con em chết , không vì tên bay đạn lạc thì cũng vì chiến trường hy sinh … Có ai đi qua Giày Lăng, một thôn ấp nhỏ bên con sông rộng Mỹ Thanh uốn mình rất đẹp xuôi mãi về phía hạ nguồn, bờ bên kia là Long Phú , bên đây bờ là Vĩnh Châu ..Con đường đất nhỏ quanh co rợp dưới bóng cây Trâm bàu trồng hai bên đường, tất cả những lối đường lớn nhỏ ở đây đều được Trâm bàu che phủ. Giày lăng đón chào người khách đường xa với bóng mát rợp khắp xóm thôn, con đường nhỏ dẫn đến một khúc quanh, khuất sau những liếp nhà lúp xúp , một bờ đập và một con kênh dẫn nước ngoài sông lớn vào đồng,đó đây những chiếc xuồng ba lá cắm neo theo bờ kênh, Một khoảng đất rộng được che phủ bởi những cây Bần, Xú, Vẹt, có cả Bằng Lăng cao vút và, dĩ nhiên..Trâm bàu thâm thấp hiền hòa , trường học tre lá mới được cất sau ngày Giải phóng nằm nơi đây, bên dòng kênh và dưới bao bóng mát, hơi cách biệt những xóm nhà dân. Mái trường nhỏ nằm một mình trông đẹp và có vẻ cô liêu như tranh thủy mặc . Ai ngờ được khoảng không gian ấy vốn là một nghĩa trang liệt sỹ, hơn hai mươi ngôi mộ liệt sỹ chết chỉ trong một trận đánh Giày Lăng, những ngôi mộ nằm không lối hàng được chôn lấp tạm vì trận chiến chưa kết thúc...Bộ đội chủ lực của tiểu đoàn Phú Lợi rút quân về ấp Trà Niên và đụng một trận càn thứ hai, di tích để lại cũng là một nghĩa trang liệt sỹ.. Ngôi trường nhỏ hiền hòa vói học trò và thầy cô làm cho cuộc sống như dịu dàng hẳn lại . Đã qua những tháng ngày khốc liệt chiến tranh , vừa đi dưới rặng Trâm bàu vừa để ý xem máy bay có phát hiện ra mình không, rồi bom đạn luôn nhắc nhở con người..Tiếng trẻ ê a học ban ngày và tiếng cha mẹ chỉ con hoc bài buổi tối : “ Ư. a ưa , trờ ưa trưa. Chữ này dễ học thấy bà mà mày học hoài không thuộc “.. Người thầy đầu tiên ở Giày Lăng là Lê Hoàng Quân ,Sư phạm Sài gòn, rồi đến Kim Vân, Duy Trường, Kim Hoa, Ngọc Hùng, Sư Phạm Sóc Trăng. Trường Khánh Hòa II năm ấy gồm tám phòng học. rải tám ấp, trong vùng giải phóng cũ. Những ngày ở đây, thèm một cốc cà phê phải cuốc bộ đi mười hai cây số, với hai lần đò ngang đi về. Các thầy cô giáo thường nhớ nhà lắm, nhớ ba má, nhớ các em nhỏ, nhớ người yêu ..Ai cũng có người để viết thư tâm sự.

Còn mình thì biết tâm sự với ai..” Cho dù trời rộng thênh thênh - Gian nan mình vẫn đầu ghềnh cuối khe .."

( Người viết đưa vào bài một số lời nhạc của những bài hát kỷ niệm , chẳng hạn như bài“ Em đi trên cỏ non “ của tác giả Bắc Sơn, “Cô gái đến từ hôm qua “ của Trương Lê Quỳnh “ Tóc mai sợ vắn sợ dài của Phạm Duy . một vài câu thơ của Nguyễn Đức Bạt Ngàn.. người bạn đồng nghiệp “bên trời lận đận “, lưu lạc từ Huế vào Sài Gòn rồi đến tận Vĩnh Châu dạy học với mình, giờ đang ở nước Anh. Cũng có một chút nhạc, thơ mình viết . Xin cảm ơn các tác giả có những giòng nhạc, thơ đẹp cho đời . Xin hỷ xả cho mình cái tội đã mượn nhạc của quý vị đưa vào bài tạp văn này mà chưa xin phép trước ; Và cuối cùng , xin cảm ơn người đọc đã bớt chút thời giờ quý báu xem bài .)

Mơ mây

Ta nhìn qua trời hồng
thấy mây bay trên tay
thấy mây bao quanh mắt
ta đã thấy mây khóc
một đời mây lênh đênh
mãi tìm vầng mây nhỏ
buồn, buồn sao buồn tênh ..

Trần Ngọc Tỉnh ( Giếng Ngọc ) - Lớp II 5 - Khóa 11


Trở về trang chủ ==>https://suphamsaigon.forumvi.com

Trở về trang Thơ-Văn-Tạp Bút Gia Đình Sư Phạm Saigon ===>https://suphamsaigon.forumvi.com/f17-forum


* Email: xuanloc54@gmail.com *007-Câu Chuyện Chàng Tô Tê -Giếng Ngọc-Nhị 5-K11 ChuKyXuanLoc
suphamsaigon
suphamsaigon
Admin

Tổng số bài gửi : 522
Join date : 17/12/2013
Age : 70
Đến từ : Saigon-Viet Nam

https://suphamsaigon.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết