suphamsaigon.forumvi.com - Gia Đình Sư Phạm Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

013-Tô Tê-Giếng Ngọc-Nhị 5 Khóa 11

Go down

013-Tô Tê-Giếng Ngọc-Nhị 5 Khóa 11 Empty 013-Tô Tê-Giếng Ngọc-Nhị 5 Khóa 11

Bài gửi by suphamsaigon Tue Oct 30, 2018 1:35 pm

Chút mặt trời trong cơn mưa - trần ngọc tô tê - Nhị năm . K 11

013-Tô Tê-Giếng Ngọc-Nhị 5 Khóa 11 NgocTinh

Cánh hoa Vu Lan trắng ấy , xin hãy hồng thắm trở lại ..

Anh chợt mong một chút nắng đến trong cơn mưa chiều nay , lần đầu tiên anh được ngắm mưa trên đất Bắc . Sau những ngày biết đến cái nắng nóng chói lửa ngày hè , nắng nóng đến nỗi ghế bàn trong nhà cũng phải nứt gỗ.. những hạt mưa tầm tã rơi xuống khoảnh sân lát gạch tàu trước nhà , cơn mưa giải hạn như một ân huệ trời ban xuống cõi thế gian đang khô héo oi nồng này .. Đất Bắc ngày hè nóng lắm, nhưng công việc không cho anh chọn thời điểm khác ra thăm , những ngày thu vàng chẳng hạn , mùa thu ngoài Bắc, Hà Nội mùa thu .. chắc là rất đẹp . Bao nhiêu bài hát về mùa thu Hà Nội , mùa thu đất Bắc mà anh đã nghe . Ngày xưa còn bé anh đọc “ Thương nhớ mười hai “ của Vũ Bằng để tưởng tượng một chút quê Bắc , một chút ngày thu , một chút đêm đông giá rét .. những chút chút của một quê hương ngày ấy rất thanh bình .

Vào một ngày đã rất xa xăm , thời kháng chiến chống Pháp , chiến tranh loạn lạc đẩy đưa người dân phải tản cư hết nơi này đến nơi khác , có một cô gái bán hàng xén dáng người thanh nhỏ, đôi quang gánh chỉ có hai chiếc “ bồ “ chứa kim chỉ , bút giấy .. những thứ hàng tạp hóa mà thưở ấy người ta gọi nôm na là hàng xén . Những ngày tản cư chạy giặc, gánh hàng xén theo cô bươn chải khắp nơi phố thị .. từ Hà Nội về chợ Sặt, đến Hòa Bình, Việt Bắc . Chiến tranh như một cơn dịch loang dần theo ngày tháng , biết đến bao giờ vận nước mới được yên bình . Ngoài bốn mươi cô mới lấy chồng , mối lương duyên muộn màng với một công chức ngành “ dây thép “ ( bưu điện ) ; Tuổi không còn trẻ , cô sinh hạ đứa con đầu lòng rất khó khăn , thế nhưng cơn tao loạn vừa mới chớm yên , khi quân Pháp thua trận rút về thì đất nước phân cách .. Bắt đầu một cuộc phân ly .
Từ Hải phòng , cô lên chuyến “ tàu há mồm” vào Nam tìm gặp chồng và đứa con trai bị lạc trong luồng người di cư, để lại đất Bắc tất cả anh chị và người thân , không biết ngày nào mới được trùng phùng .. Chuyến đi gian nan tìm kiếm trong lo âu hoảng loạn, nếu không vì đứa con thơ thất lạc . Nhiều nỗi trái ngang .. Nước mắt nuốt vào trong lòng , những lúc mẹ con quấn quýt, cô thủ thỉ kể cho đứa con bé dại nghe về quê Bắc .. có những lò gốm Bát Tràng , có chùa Hương Tích , đứa bé đòi mẹ đưa ra Bắc chơi . Mẹ nhìn con ậng nước mắt .. Làm sao đi được . .
Những ngày sống trong miền Nam nắng ấm , cô gái Bát Tràng ấy làm quen rất nhanh với quê hương mới lạ .. ngôn ngữ miền Nam ngồ ngộ dễ thương làm sao , “ chị hai có tính dzìa xứ Bắc hôn ? Mà thôi , cứ ở xứ Nam này luôn cho rồi “ Cô có nhiều bà bạn người Nam . Rất thân tình , cô biếu bà hàng xóm bát canh chua thịt nấu lá giang theo cách Bắc kỳ và nhận lại từ bà bạn tô canh chua cá nấu bông điên- điển ngon hết biết. Cô tiếp tục việc bán buôn bươn chải , gầy dựng được một cửa hiệu vải ở chợ Ông Tạ , cho đến khi nhà cửa dần phong quang hơn , nhưng chưa được nhàn hạ thì cô ngã bệnh , chữa chạy níu kéo với phần số nhưng bệnh vẫn nặng thêm , cô bị ung thư đại tràng , gần hai năm nằm trong bịnh viện Bình Dân , người phụ nữ thanh nhỏ năm xưa can đảm chịu đến ba lần mổ , khát khao được sống nuôi con .. nhưng mổ nhiều như thế thì còn gì là người .. Cô gầy xơ xác , trong lo âu tuyệt vọng , nếu một mai cô phải qua đời ... Cơ màu ấy cô biết trông cậy vào ai để mà gởi gấm đứa con bé dại .. Với bao nỗi éo le gia đình : Nhà cửa ,vải vóc , vốn liếng cô tích góp dành dụm sẽ chẳng mấy chốc mà tiêu tan . Những ngày cuối cùng, trong cơn đau đớn , thần thức mê loạn , cô đã bật khóc kêu lên tiếng kêu thương bao lâu dấu kín trong lòng “ Các người bạc lắm ! “.
Rồi cũng đến lúc người mẹ ấy phải xuôi tay nhắm mắt . Vào thời khắc trước khi miếng bông nhỏ đặt trên cánh mũi bà ghi nhận hơi thở không còn lay động , đứa con trai đã tụng thầm bài kinh Chú vãng sanh “ Nam mô A di đà bà giạ đa tha ..” , cầu mong mẹ được siêu thoát vào cõi Niết bàn .. Lúc trưa chú nằm bên mẹ , thấy mẹ cứ quay mặt vào tường nằm yên lặng , lòng mơ hồ sợ hãi một chuyện gì đến nỗi chú muốn cứ nằm mãi với bà , chả buồn đi học nữa , nhìn mẹ gầy ốm võ vàng , nhớ câu hôm trước mẹ bảo : “ Mợ chỉ mong cố sống mà nuôi con , cho dù mợ phải đội đá vá trời đi nữa . T. ơi ! “ Chú muốn nói với mẹ một điều , nhưng chú lại kìm giữ lời nói ấy trong lòng vì xấu hổ ..
Giờ thì đã muộn , mẹ chú có nghe được không ? ..” Mợ ơi ! con thương mợ lắm ..”
Buổi sáng ngày đưa tiễn mẹ ra nghĩa trang , có một cơn mưa nhỏ chan hòa ánh nắng , chú bé ngẩn ngơ nhìn những hạt mưa long lanh trong nắng rơi trên nấm mộ đất mới đắp của mẹ ..

Trong mắt bạn bè miền Nam , anh vẫn là người Bắc , nhưng chất Bắc của anh đã phai nhạt nhiều, chỉ còn chút giọng nói mà thôi , dĩ nhiên rau muống vẫn là món ăn bản vị , nhưng giá sống , canh chua , bánh bèo .. lâu nay đã là món “ tuyệt trần ” của anh rồi . Cô gái quê Nam bộ má phấn ửng hồng khi mắc cở, gọi anh là “ Anh hai “ dù tuổi anh chưa hẳn đã hơn cô . Chàng công tử miệt vườn rất Tây mà cũng rất Ta .. Khu sân chim ở ấp No Tom ngày ấy , mỗi chiều nghe chim bầy xao xác gọi nhau , dậy lên nỗi nhớ xa vắng mơ hồ . Chao ôi ! Chim chóc cũng có nhà để chiều chiều quay về mà trò chuyện .. Rồi ngồi nghĩ lẩm cẩm : Nhà mình bây giờ ..
Ờ một bến đò dưới chân cầu Quay Bạc Liêu , chiếc cầu ván nhỏ dẫn ra sông để những con đò ghé vào đưa đón khách , người ta mắc một chiếc võng cũ cuối cầu cho người kiểm vé đò nằm nghỉ lúc vắng khách ; Trong một chuyến xe đến Bạc Liêu muộn lúc nửa đêm , anh tìm đến ngả lưng trên chiếc võng bỏ không ấy , nằm chờ sáng để đón xe đi Vĩnh Châu , balô đặt trên bụng , sông nước róc rách chảy dưới lưng , trên cao có sao trời lấp lánh âu yếm mời gọi anh ngắm nhìn . Tiếng côn trùng nỉ non hòa cùng tiếng ếch nhái kẽo kẹo chập chùng . Một đêm yên bình .. anh cảm nhận từng hơi gió mát nhẹ mơn man , cảm nhận nỗi cô đơn dịu dàng thấm vào da thịt mình , cho đến khi anh thiếp ngủ .

quê hương là chùm khế ngọt , là con diều biếc đấy, quê hương cũng là “ những trưa nào chiều nào vàng bướm bên ao , những tiếng ru êm êm chìm trong ca dao .. “ Quê hương cũng đã bao lần " Khóc cười theo vận nước nổi trôi ".. Trong ký ức quê hương anh mang theo .. Một buổi trời trưa nắng gắt , từ No Tom đi Giầy Lăng , anh băng qua những cánh đồng khô nẻ trơ những gốc rạ , xa xa có hàng cây cao che mát một nhóm nhà , nơi có ngôi trường tre lá chìm trong bóng mát của những cây Trâm Bàu , cây Đước .. Anh lặng người đứng lại lắng nghe tiếng hát rất trong mà cũng rất ngọt ngào của ai từ một chiếc radio đâu đây , Một bài tân nhạc , bài hát hiếm hoi lạc lõng ở một nơi người ta chỉ nghe nhạc cải lương , vọng cổ .. Một cảm nhận tự nhiên nảy sinh trong lòng : Sao mà hay quá . Anh đã nghe bài hát này trước đây và nhiều lần sau này với những người hát khác , nhưng không thể nào có được cảm xúc hạnh phúc như lần ấy .. Như thể tình cờ gặp lại người bạn mà lòng đã ngỡ chẳng bao giờ còn gặp . Những nhọc mệt nắng nôi như tan biến đi , anh đứng bâng khuâng dưới mái hiên , trú nhờ chút bóng mát hiên nhà. Lắng nghe cho hết bài hát .. Người bạn gái thời thơ nhỏ của anh , chắc cũng yêu mình chân tình như người con gái trong bài hát anh đang nghe .. Nếu phải duyên nhau , nếu phải duyên nhau .. tình yêu ấy giờ lạc loài mất rồi ..“ Áo em thêu bông Sen đỏ thắm , Mai anh về , mai anh về anh ngắm bông sen “ .

Con đường từ Hà Nội đi Hưng Yên qua Ngã tư phố Bần - Bần Yên Nhân – nếu cứ đi thẳng một đoạn vài mươi cây số nữa thì đến Tạ Xá , Huyện Kim Động . Trước đây , nơi này có tên rất nôm na là làng Tè , phố Tè, quê nội anh . Từ ngoài đường chính , con đường làng lát gạch giữa hai hàng tường cũ rêu phong , rẽ vào một nhánh đường nhỏ cũng lát gạch , qua chiếc cổng cũ kỹ có cây hoa giấy leo quanh là nhà ông Mỵ , chú anh , Đi qua khoảng sân lát gạch Tàu chắc là đã lâu năm lắm rồi , mặt trên của những viên gạch đỏ trũng xuống sau bao nhiêu mưa nắng , bao nhiêu bước chân thời gian , cả vữa lát cũng bạc và vẹt mòn . Đến cây Xoan góc sân , anh nghe bài hát “ Hoa Xoan bên thềm cũ “ từ khi còn đi học , hôm nay anh mới được thấy cây Xoan . Cái giếng cũ có bờ giếng rộng để anh rửa chân , những bụi cây , giàn hoa Thiên Lý và chiếc ao nhà rộng biếc xanh những cánh Sen , cánh bèo .. Ngôi nhà có lẽ chẳng thay đổi gì từ hơn trăm năm qua , qua những bậc tam cấp gạch vào nhà , cái nóng mùa hè cũng phải dịu mát trong căn nhà gạch lợp ngói cổ . Những ngày đầu sau cuộc chiến , trong một chuyến vào Nam , chú tìm nhà và gặp ba anh , câu chuyện thăm hỏi chỉ được nửa giờ thì chú đi , lúc ấy thì ai cũng ngại ngần . Mãi đến hôm nay chú cháu mới gặp lại nhau .

Quay trở về phố Bần , nơi có món tương Bắc ngon đã đi vào ca dao , tục ngữ : “ Dưa La , húng Láng , nem Báng , tương Bần “ , Phố Bần giờ không còn là ngôi làng xưa cũ chuyên nghề làm tương nữa , không biết vị tương có còn như thuở tương còn được làm theo cách thủ công . Chao ôi , các vị cao tuổi di cư vào Nam năm 1954 tơ vương hương vị tương Bần đến nỗi chẳng bao giờ vừa lòng món tương Bắc con cháu mua cho cụ chấm rau , cho dù mua từ những ngôi chợ Bắc Tân Định , chợ Ông Tạ .. ngài cứ phán nhu đinh đóng cột “ Tương trong này làm sao mà ngon bằng tương Bần ngoài Bắc được ! “Anh nhờ mua hộ cho một can tương Bần , về Nam biếu các cụ mỗi người một ít dùng lấy thảo , cụ lại bảo “ Tương Bần bây giờ làm sao mà ngon bằng tương Bần ngày trước được .“
Lần đầu ra Bắc chẳng có được mấy thời gian thăm gặp quê nhà thân tộc , anh đã thấy chiếc khánh đá treo ở chùa làng Tè , chiếc khánh có tuổi hàng trăm năm mà không bị mẻ sứt một chút nào trong suốt thời chiến tranh loạn lạc , thăm chùa Chuông , đền Mẫu cổ tích đất Phố Hiến Hưng Yên , Ở Từ Sơn , anh biết ngôi đền Đô thờ các vua triều Lý .

Nhưng có một nơi anh rất mong tìm , cho dù mơ hồ , nơi ấy có bóng dáng cô gái Bát Tràng , trong một phiên chợ quê làng trên đường tản cư chạy loạn ..

Chiếc xe ôm đưa anh đi Ngã tư Quán Gỏi , vì không biết xe nào chạy qua Quán Gỏi nên anh đi xe ôm vậy , qua huyện Mỹ Hào , nếu biết đường , có lẽ anh sẽ dừng ghé thăm nghĩa trang có mộ ông bà ngoại .. Quán Gỏi là đây , anh tìm quanh một quán nước bên đường , một quán nhỏ bán nước chè ( trà ) , kẹo lạc , thuốc lá , anh mua một gói thuốc lá “Con ngựa “ và mời thuốc các bác xe ôm khác đang ngồi bên cốc nước chè chờ khách .
- “ Ở đây ít nơi bán thuốc “ Con mèo “ bác nhỉ “
-.“ Đúng rồi . ngoài này mà bán cái thuốc con mèo nhạt ấy thì chỉ có mà ế thôi “
- “ Bác ơi , bác làm ơn chỉ hộ tôi đường nào thì qua chợ Hà , tôi ở Nam ra , tìm thăm người cháu ở chợ Hà .”
- “ Ngã này , bác đi qua chợ Sặt cạnh đây , đi thêm dăm cây số đường thì đến chợ Hà “
Anh ngỡ ngàng , chơ Sặt cạnh đây ư .- ” Cám ơn các bác nhé , không , tôi chưa đi chợ Hà bác ạ , tôi đi chợ Sặt “
Khoác chiếc túi xách lên vai , anh đi tìm chợ Sặt .. Ngôi chợ làng xa xưa giờ được xây dựng khang trang bên đường , mặt tiền chợ đắp hàng chữ nổi “ Chợ Kẻ Sặt “ từ xa đã nhận ra , trước chợ có những sạp hàng lúp xúp bạt lều , sân chợ được lát bê tông thẳng thớm phẳng phiu , ngôi chợ không còn chút nào hình ảnh của chợ làng thời xa xăm nữa , chắc hẳn lúc ấy chợ chỉ có đường đất cùng những lán sạp đơn sơ , người buôn bán cạnh đôi quang gánh và những em bé ngơ ngác theo mẹ đi chợ lần đầu , người mua kẻ bán chắc cũng thưa hơn giờ . Trong không gian hôm nay ở đây , anh ước ao .. giá như trái đất có thể quay lạc trở về đường bay cũ đã qua , cho bông hoa trắng ngày Vu lan sẽ hồng trở lại , cho anh được gặp cô hàng xén dáng người thanh nhỏ năm nào , đang nói cười tươi tắn trong đời ..
Mẹ kể năm xưa , lúc anh được một tuổi đời , mẹ đã cai sữa cho anh , buổi tối đứa bé phải ngủ với ba , dĩ nhiên là nó đòi khóc lắm , nhưng rồi chú cũng phải ngủ trong cơn thèm mẹ , thèm sữa . Một đêm trời đông giá rét , đứa bé thức giấc , ba ngủ say bên cạnh không biết , chú bé bò ra ngoài , tụt xuống giường , lẫm chẫm tìm đến giường mẹ nằm , chú đứng bên giường đập tay lên màn , âu ơ đánh thức mẹ dậy , mẹ chú quay sang thấy chú đứng đấy, miệng cười toe toét , sung sướng đưa tay mong mẹ bồng lên .. Thương quá , mẹ bế chú lên giường , đắp chăn nào cho con cũng không đủ ấm bằng vòng tay mẹ . Chú được mẹ cho cho bú thỏa thuê , được ngủ bên mẹ cho đến sáng . Hôm nay , chú bé năm xưa đến đây tìm một chút hơi hướng nào của mẹ . Một ngày mai mốt thôi mà , như truyện cổ Andersen “ Cô bé bán diêm “ , đến lúc cuối đời , chú sẽ được gặp mẹ ..
Anh tha thẩn tìm đến môt sạp hàng nhỏ bán những thứ tạp hóa
- “ Cô ơi, bán cho tôi một hộp diêm “
Cô gái bán hàng đưa anh hộp diêm . Trong gánh hàng xén của mẹ ngày nào cũng có những hộp diêm đấy .. Anh cầm hộp diêm , cẩn trọng như một kỷ vật , như một món quà mẹ cho , lòng nghẹn ngào , hạnh phúc như chú bé năm xưa .

Xe đi qua Sông Cầu thì gặp mưa lớn , nhìn ra ngoài thấy biển và mưa đang vật vã điên cuồng , những hạt mưa trong gió bay dạt dào , đập tơi bời vào kính xe , một bên núi cao và một bên là vực biển đang hòa chung bài hát từ thuở hồng hoang , nhưng cũng đẹp tuyệt vời , Chiếc xe đò cứ tiếp tục trôi đi về Sài Gòn .. Anh nhớ đến lần trên cung đường từ Ban Mê Thuột đi Nha Trang , qua đèo Phượng Hoàng trong một buổi chiều , hôm ấy nắng trên đèo rất nhẹ , Anh thấy những em nhỏ người Thượng chăn đàn dê đi trên con đường chênh vênh lưng núi trong vạt nắng nghiêng hắt lại từ góc đèo , người và bóng nắng liêu xiêu đổ bên đường , cảnh vật tiêu sơ như một bức tranh . Trong ký ức anh , lẫn lộn bao nhiêu kỷ niệm , nhớ lại nhiều khi bật cười , nhiều khi buồn quay quắt .. Nhớ những hạt mưa long lanh trong nắng ngày chôn cất mẹ anh , chút mặt trời trong mưa làm mưa vơi đi nỗi buồn đơn độc . Như thể nắng đang dát ngọc cho mưa , mưa tô ánh vàng cho nắng vậy .. Đã qua những ngày ngủ giấc mộng dài ở vùng quê Vĩnh Châu xa xôi .. Những năm tháng vất vả khi anh dời Vĩnh Châu về lại Sài Gòn . Với những câu chuyện nắng mưa , cả những cơn mưa reo trong nắng . Có gì ân hận hối tiếc không .. Để có một gã phu xe ngốc nghếch trên chiếc xích lô nhìn nắng chan mưa mà thấy vơi đi những nhọc nhằn , và trong một quầy sách báo nhỏ ít khách trên con đường Trần Quang Khải đầu hẻm Văn Hiến , ai đó buồn tình nghêu ngao bài hát rất xưa “ Sức mấy mà buồn , buồn chi , bỏ qua đi tám “


trần ngọc tô tê

Ngân hàng tình yêu của anh - Giếng ngọc - K .11


Ta nhìn qua trời hồng
thấy mây bay trên tay
thấy mây bao quanh mắt
Ta đã thấy mây khóc
Một đời mây lênh đênh
mãi tìm vầng mây nhỏ
Buồn , buồn sao buồn tênh

Chiếc xe đò lại chết máy , trông nó như bác voi già nua nằm phục trên mặt lộ , con đường hương lộ mười một được dân công toàn huyện Vĩnh Châu đắp từ đất ruộng vào cuối những năm bảy mươi đến giờ vẫn lồi lõm những đất đá chưa được tráng một chút nhựa đường , cả tài xế và lơ đang hì hục nâng con đội bánh xe , miệng càu nhàu kêu ca cái láp sao cứ tuột hoài . Hành khách mệt mỏi bước xuống con đường đất lầm lội , nhìn quanh chỉ thấy ruộng đồng lam nham những đường cày dở dang , con đường duỗi mãi về hướng hàng cây xa xa đang lấp lóa sáng trong vệt nắng quái cuối ngày.. không gian thoáng rộng giữa chốn đồng không mông quạnh làm loãng đi tiếng ca cẩm của những người đi xe xui xẻo . Chỉ có bầu trời thảnh thơi với áng mây vàng ánh ráng chiều chịu nghe lời than thở của họ thôi .

Anh không cảm thấy khó chịu , phải phàn nàn vi chiếc xe nằm ụ lúc này, trước đây đã bao lần anh lóng ngóng bên đường vì nỗi chờ xe , chờ phà rồi .. Tìm quanh quẩn đâu đây một quán xá không tên , một hàng hiên trước nhà ai , hay một bụi cây , mô đất nào .. ngồi ngắm nghía trời mây, mong tìm một người quen biết để trò chuyện , một người lạ đồng cảnh cũng được , đôi khi những câu chuyện lúc lỡ đường đã làm người xa lạ trở thành tri âm không ngờ, lúc từ biệt nhau đầy quyến luyến, chẳng biết bao giờ được gặp lại nhau .
Nhưng nếu anh cứ theo con lộ này mà đi thêm vài ba cây số nữa , anh sẽ đến phà Huỳnh Thu , nếu giờ ấy vẫn có phà qua sông Mỹ Thanh , hay nếu may gặp em học trò cũ năm xưa, nhờ em đưa qua sông bằng con đò nhỏ , như hơn ba mươi năm trước anh giáo vẫn đi .. tìm nơi có ly cà phê nhâm nhi cho nguôi ngoai nỗi nhớ Sài Gòn . Với những chữ nếu ấy , anh sẽ đến đất Vĩnh Châu , biết đâu chừng anh sẽ có cả thế gian chỉ qua chữ nếu . Nhưng sao mình không đứng lên rồi bước đi , như gã khờ Forest Gump si tình tội nghiệp cứ đi hoài chạy hoài trên những nẻo đường nước Mỹ , thủy chung tìm mãi cô gái chàng yêu .. giờ như bóng mây phương nào . Ôi , những nẻo đường , ta đang đi trên con đường quê năm xưa đây mà . Trời chạng vạng rồi tắt nắng , anh đi bộ đến bến phà Huỳnh Thu thì đã tối muộn , phà nghỉ chở khách , anh không ngồi nghỉ mệt ở trạm chờ dù nơi đây có ánh đèn điện vàng phần nào xua đi chút muỗi mòng , chiếc xe đò được sửa xong cũng bươn bả , hồng hộc đến sau . Mảnh trăng non mọc sớm như được ai treo trên trời không , là đà theo con nước , anh một mình tìm lối xuống bãi sông , ngồi bên mép nước, nghe tiếng sông trôi êm đềm ..
Bên kia bờ có còn đấy ngôi trường Huỳnh Thu không ? Mái trường nhỏ được dựng tạm bợ cho có chỗ dạy kịp mùa khai giảng năm đầu tiên sau ngày 30 tháng tư năm 75 . Thuở ấy , anh và đám học trò tất cả chưa tới ba mươi người , chuyện học hành hình như nhẹ hơn chuyện áo cơm , em học trò da dẻ đen nhẻm , mốc thếch . Mê thích lăn lê trên những bãi bồi , cạnh bụi Ô rô gai góc, moi tìm con trạch , con cua nhỏ hơn là thích học chữ i tờ .. Khi con cá Thòi lòi trong cơn nước cạn ngơ ngác quơ mang lách bò trên bãi sình non kiếm chút rong rêu phù du lọt vào mắt chú bé học trò , lập tức chú cởi phăng áo đưa bạn giữ dùm rồi xuống bãi , nín thở khẽ khàng lần đến món quà sông nước đang ngo ngoe kia , lúc chú nhào người một cách khéo léo tới trước , thân mình nằm phẹp trên bùn thì tay đã chụp dính con cá khốn khổ . Chú bé dơ tay khoe chiến công của mình , miệng cười hớn hở , hồn nhiên . Vào ngày mùa vụ, việc đồng áng xôn xang , những hôm mùa khô nắng nỏ đất , học trò nghỉ học phụ giúp gia đình cấy gặt hay phải lặn lội mương bờ kiếm thêm chút cá tôm . Để giữ sĩ số học sinh đừng sút giảm quá . Anh giáo trẻ phải dốc hết vốn chuyện cổ tích ra kể cho học sinh nghe làm quà khuyến học mỗi ngày .. Ngày xửa ngày xưa , thầy kể các em nghe chuyện một con cóc rủ bạn bè lên kiện ông trời sao nỡ để dân phải chịu khổ cực quá trời thế này ..

Có những buổi trưa trời chang nắng , những chiều mưa giăng mênh mang , anh ngồi một mình dưới mái hiên lớp , mơ màng ngắm con sông chảy trôi .. giòng đời đưa anh đến nơi này rồi dừng tạm , nhưng nước thì vẫn đi mãi theo sông , anh nhìn theo đám lục bình dập dềnh theo dòng nước cho đến khi cỏ và sông khuất hút từ một khúc uốn xa xa , một bên doi , một bên vịnh . Mỗi ngày ở đây có một chuyến ghe chở khách đi Sóc Trăng lúc con nước khuya và về theo con nước chiều , còn lại chỉ có những chiếc đò nhỏ chèo tay qua lại những đoạn đường gần , con đò nhỏ trên dòng sông cô liêu .. Đêm , sông chỉ có ánh trăng soi mờ ảo, như đêm nay , hoặc chập chờn một chút đèn câu từ những chiếc thuyền chài đi rỡ cá ở hàng đáy phía thượng nguồn . Có lẽ từ khi có bến phà, đường điện truyền tải dẫn theo , sông mới được điểm trang thêm chút ánh sáng thị thành .

Dòng sông đang con nước ròng , anh đã bao lần theo thuyền đi trên con sông này , cả hai nẻo ngược xuôi .. ngược nẻo sông thì đến ngã tư Cổ cò . Một bên bờ có chợ Cổ Cò náo nhiệt với nhà cửa , quán xá , bến thuyền , bên bờ kia lại ủ dột hiu quạnh một vạn chài chưa tới hai mươi nóc gia : Ấp Phạm Kiểu đấy , có mái trường nhỏ , Phạm Phú Kha , Sư phạm Sài gòn dạy học nơi này chung với Tài Thế Hiền Sư phạm Sóc trăng , Qua tiếp những ấp làng xơ xác vì chiến tranh , Tân Quy , Điền Giữa , Đai Trị , nơi có em học trò tên Trần Văn Nục , cha theo du kích chết khi em còn trong bụng mẹ , em nói má đến xin cho em ở với thầy vì má phải đi làm mướn xa , anh đùa bảo em “ Tên Nục nghe kỳ lắm , thầy đổi tên khác đẹp hơn nghen “ “ Tên Nục là má em đặt mà . má em nói đặt tên xấu cho dễ nuôi , đổi tên mới sợ má em buồn ..“, Hai thầy trò nghèo nương nhau sống , anh chuyển đến nhiệm sở khác em cũng xin theo . Thầy chỉ trò một chút toán , một chút Anh văn từ vốn tiếng Anh còm của mình , một chút đàn Guitar nữa , Nục khoái thứ này lắm . em đã biết ôm đàn , lừng phừng chạy gam bấm nốt ..miệng hát “ Lòng mẹ bao la .. “. Trò dạy lại thầy cách quăng chài sao cho thật tròn , nhìn nước rẽ biết tung chài chỗ nào bắt được cá Đối , cá Chẻm “ trọng “ ( to ).. “ Thầy quăng dở ẹc à , lần nào chài cũng méo xẹo , chỉ bắt được có mỗi cá Chốt , thôi , thầy để em quăng cho “. Nục ở với anh từ lớp bốn đến hết lớp chín thì anh về Sài Gòn ., giờ em tôi chắc hẳn đã có vợ con .
Đi xuôi dòng về phía hạ nguồn thì từ Huỳnh Thu đây , qua Nguyễn Út , Giày Lăng , rồi Thạch Sao, đến xã Lạc Hòa , qua Giồng Chùa là đến cửa biển Mỹ Thanh, lúc anh còn dạy thì rất hoang sơ , hiu quạnh .. một Sibérie của Vĩnh Châu . Bạn anh , Phạm Thiện Tích Sư phạm Sài gòn , trấn thủ ở đây . Trong chiến dịch xóa mù chữ hè, anh đến Mỹ Thanh Giồng chùa công tác cùng Tích, như lời của Bạch Cư Dị trong bài Tỳ bà hành “ Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân .. Cùng một lứa bên trời lận đận , gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau ..”
Thế đấy , những tháng năm sống “ mình ên “ ở miệt quê nghèo dễ thương này, ở anh cái gì cũng chỉ có “ ên “
Thầy giáo có vợ chưa ?
Dạ chưa , tôi sống “ ên “ à .
Lúc Vĩnh Châu vào mùa lễ hội : tết Đôn ta , lễ Dâng bông , Ooc om booc ( Rước nước - đua ghe Ngo ) .. rộn ràng liền anh liền chị kết đôi dung dẻ bên nhau đi xem hát “ Dù kê “ , gái trai dù quen hay lạ vẫn có thể mời nhau hoóc ( nhảy ) điệu Lâm Thôn . Còn anh vô duyên , nhát các cô nên chỉ biết ở “ ên “ tại trường .. quý ông biết uống rượu được ngày tha hồ bí tỉ , anh lại không uống được món có cồn nên cùng lắm cũng chỉ biết thưởng thức món nước mía uống ..“ ên “.

Anh không ngờ được .. vùng đất mà người dân ở đây gọi là Trà Nho này , qua những tháng năm lang thang khắp nẻo ruộng đồng sông biển với nghề dạy học , lại in sâu những hình ảnh kỷ niệm trong hồn như vậy , Trà Nho Vĩnh Châu , nơi người ta hết sức quý trọng thấy cô giáo , dù chỉ là ông giáo làng tốt nghiệp tiểu học thời Pháp , dạy học từ những năm năm mươi , sáu mươi đến những cô thầy Giáo học Sài gòn mới ra trường tuổi còn non trẻ .. Có cụ già người Miên gần trường anh dạy , tuổi gần tám mươi rồi mà còn phải đai kéo chiếc xe chở lúa đi đến nhà máy chà lấy gạo . Anh ngỡ ngàng khi giữa trời nắng cụ dừng xe giở chiếc khăn quấn trên đầu , cười móm mém chào anh ..
” Lụcrụ tâu na tê ? Lụcrụ sóc sà bai na “ - Thầy giáo đi đâu thế , thầy giáo mạnh khỏe nha -
“ Ta ơi , côn thơ lụcrụ , tâu xà lả hiển học trò con nít mà , Ta đừng chào con như vậy , tội con lắm , ta ơi . “



Những tháng năm dạy học ở đây , anh nhớ Sài Gòn da diết ..

Sài Gòn của anh đậm nét những ngày thơ bé xa vời . Có đôi mắt người mẹ nhìn con trân trối lúc cuối đời , làm sao anh quên được . Đứa bé tám tuổi gồng sức một bên vai , tay ôm vai dìu mẹ bước từng bước tập đi sau lần giải phẫu thứ ba , mẹ kiên trì chịu hết lần mổ này đến lần mổ khác để mong được sống nuôi con , dựa tay trên vai con mẹ bảo : “ Ngày xưa mợ tập đi cho con trai mợ , mãi đến lúc con biết chập chững đi được một mình , hôm nay con tập đi trả lại cho mợ , vậy thì mợ con mình hòa rồi “ Nhưng mẹ chỉ tập đi được ít ngày . Rồi mẹ mất
“ Mợ ơi , con về nhé “
“ Mợ ơi , thôi con về nhé “ ..
“ Mợ ơi , thôi con về , mợ nhé “
Những lần anh ghé thăm mộ mẹ , ngồi chơi với mẹ cho đến chiều tàn , vuốt ve tấm bia bên nấm mộ đất , miệng chào từ biệt mẹ hoài mà chân vẫn không nỡ bước đi …



Sài Gòn có cây Bồ đề , chú bé nghịch ngợm dùng con dao hướng đạo tí toáy khắc một chữ T tên mình vào thân cây , chú khắc thêm một chữ T nữa cạnh chữ đầu , sau cùng chú gạch một vòng tròn vụng về hình trái tim bao quanh . Chú khoái chí rủ cô bạn oanh vũ nhỏ xem tác phẩm đầu đời của mình , thế mà cô bạn lại giận , mách chị huynh trưởng , chị xem rồi mỉm cười , nhưng mà tang chứng vật chứng rành rành thế này .. Chú bé sớm mê nghề chạm khắc phải chịu phạt quỳ thời gian tàn một cây nhang , miệng tụng kinh sám hối : Nam mô , nam mô .. Cho mà chừa nhé . Ngôi chùa có cây Bồ đề kỷ niệm ấy, cây Bồ đề giờ đã già theo thời gian , thân cây bạc màu xen lẫn rêu xanh . Dấu khắc năm nào vẫn còn và có phần mờ nhạt , chỉ còn vết một chữ T già .. Hai chữ T đã lồng vào nhau rồi hay vì một chữ T đã ra đi mãi .. Thỉnh thoảng , anh ghé về thăm ngôi chùa cũ , bâng khuâng như lời hát Trần Lê Quỳnh đã viết trong bài “ Cô gái đến từ hôm qua “ .. Dường như là vẫn thế .. em không trở lại . Và mãi là như thế .. anh không trẻ lại ..

Sài Gòn của anh còn có ngôi trường Sư Phạm mà anh rất thương yêu . Những dãy hành lang dài theo lớp , những băng ghế đá đã bao năm nằm im lặng trộm nghe chuyện buồn vui của cô cậu giáo sinh , câu chuyện tình tự .. Chỉ có hai đứa mình thôi nhé . Cảm thông nỗi lòng thầy cô giáo đang thơ thẩn lang thang thăm lại trường xưa , nhớ tìm kỷ niệm .. Đến những cơn mưa chiều trơn ướt lối đường , và nụ cười làm ấm lại chút thiên lương tưởng đã lạnh tàn mà ai đó đã nhận từ một ai kia . Mái trường của anh giờ không còn nữa .
Khi ngôi trường chỉ còn tầng trệt cùng chiếc cầu thang và tầng một thì đã tan hoang . Anh dừng xe ngỡ ngàng trước cổng trường . Tần ngần , anh nói chú bảo vệ cho anh được vào thăm bên trong trường , anh mời chú hút thuốc mặc dù anh bỏ thuốc lá đã lâu “ Anh ơi , không phải tôi xin vào kiếm nhặt sắt vụn hay đồ ve chai , tôi vào thăm căn phòng tôi đã ngồi học năm xưa , đó, ở đó đó , chắc đây là lần cuối cùng rồi, anh vui lòng nhé “ .. Chú bảo vệ ngần ngừ rồi bằng lòng “ Công trình đang đập phá hạ bỏ , ông nhớ chú ý coi chừng tường đổ vào người nghe ..”
Anh đến lớp nhị năm của anh , bước qua đống gạch vỡ ngổn ngang và vào hẳn trong lớp . Không còn bàn ghế, vữa gạch tung tóe khắp nơi , đến chỗ anh ngồi học cũ , chiếc cầu thang lên tầng trên vẫn còn . Thoáng một bóng dáng ai dừng bước trên bậc lối đi, nhìn xuống anh , mỉm miệng cười chào rồi lại thoăn thoắt bước tiếp , gót chân người ấy ẩn hiện theo đôi guốc trắng .. Chút dư ảnh , chút dư ảnh của câu chuyện đã qua , chợt hiện về .
Ngôi trường đang hấp hối của anh ..
Anh tặng chú bảo vệ nguyên gói thuốc lá , mời chú ly phê đá làm quen , anh hỏi chú mai tôi đem máy chụp hình đến chụp vài tấm kỷ niệm cuối cùng trường cũ , chú bằng lòng . Nhưng hai ngày sau anh mới trở lại cùng chiếc máy ảnh .. chỉ còn lại gạch vỡ rất nhiều .
Ngôi trường kỷ niệm giờ đây nằm trên bàn : Một mẩu gạch nơi trước đây là lớp nhị năm Và một mẩu gạch nơi từng là chiếc cầu thang cũ .

Sài Gòn cũng dấu cất một người phụ nữ mà lẽ ra , anh đã yêu thương từ lúc nào xa lắm mới phải “ sao khuê đôi cái nằm chồng , thương em từ thuở mẹ bồng trên tay .” Âu yếm , anh gọi đùa cô là “ ma phăm “ - ma femme - lúc đầu , cô phụng phịu , về sau , để cô thôi buồn giận anh chồng ngốc nghếch , anh nói chuyện với con anh :
“ Con biết không , bố không sợ con ma nào cả , nhưng ma phăm thì thiệt tình bố sợ "
“ Bố sợ ma phăm hở bố ? “
“ Ừm .. Chắc là bố ngốc lắm , bố hay làm chuyện ngốc nghếch , nói lời ngốc nghếch để ma phăm buồn , để ma phăm phải tủi thân “ .
Phải , đó chính là người vợ tận tụy , rất mực thủy chung của anh , không chỉ là vợ , lúc như cô em gái bướng bỉnh , lúc như bà mẹ hiền . Những tháng năm phải chắt chiu trong cảnh khó nghèo , vất vả nhưng lại rất giàu sang trong tình yêu .
Những ngày tết năm trước , vợ anh bệnh nặng , vết mổ bao năm cũ giờ tái phát . Nhập viện , bác sĩ khám qua , ghi toa thuốc rồi cho về , hẹn mùng năm tết nhập viện lại và làm xét nghiệm để mổ . Đêm hai mươi chín tết , anh sẽ sàng ngồi nhìn vợ đang nằm thiêm thiếp, gầy guộc , võ vàng . Sợ chồng con mất ngủ , dù vết sưng mưng đỏ hành sốt rực người , chắc là nhức nhối lắm , nhưng không một tiếng kêu rên .. Đắp khăn ướt lên trán vợ để mong giảm sốt , anh ứa nước mắt thương cảm .. lẽ nào , vợ anh sẽ ra đi mãi , anh tụng những lời kinh dở nhớ dở quên trong ký ức , mong tìm kiếm từ một chốn xa vời nào .. sự bằng an , cho người vợ dấu yêu tội nghiệp ... vết sưng vỡ ngày hôm sau , và vợ anh hồi sức dần , cho đến khi được mổ .

Cho đến tuổi này , cuộc sống đã trao gởi anh rất nhiều nỗi niềm , nhiều hình ảnh đẹp , đẹp và buồn đến nao lòng của cuộc đời , của quê nhà . Dù ngọt ngào hay cay đắng , anh vẫn trân trọng giữ gìn những nỗi niềm , hinh ảnh ấy .. Cứ tích lũy , như tích lũy tình yêu , anh biết ơn người mẹ đã khuyên anh dù mồ côi cũng cố đừng hư hỏng .. Yêu mãi nụ cười ấm áp của cô bạn học chung trường Sư Phạm ngày xưa , Yêu ngôi trường Sư Phạm đầy kỷ niệm , yêu cả bến nước con đò , những nẻo đường quê hương lầm lội bùn sình . Những tài khoản tình yêu không bao giờ cạn trong tim , con tim nhỏ chứa cả .. một ngân hàng tình yêu . Cho dù có khi phải lặng lòng u ần , và lúc đã rơi nước mắt vì những gì đã mất đi , không bao giờ còn gặp lại nữa ..
Như giọt nước mắt nghẹn ngào Alan Paton đã rơi " Khóc lên đi ! Ôi quê hương yêu dấu "

Tô tê


suphamsaigon
suphamsaigon
Admin

Tổng số bài gửi : 522
Join date : 17/12/2013
Age : 70
Đến từ : Saigon-Viet Nam

https://suphamsaigon.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết