suphamsaigon.forumvi.com - Gia Đình Sư Phạm Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

018-Nguyễn Thị Lộc-Khóa 7

Go down

018-Nguyễn Thị Lộc-Khóa 7 Empty 018-Nguyễn Thị Lộc-Khóa 7

Bài gửi by suphamsaigon Tue Oct 30, 2018 8:06 pm

Làm Thế Nào Để Học Tốt Môn Văn

018-Nguyễn Thị Lộc-Khóa 7 NgThiLoc

Học môn Ngữ Văn hay bất cứ môn nào, muốn đạt kết quả tốt, tất nhiên học sinh phải yêu thích môn học đó. Việc tìm hiểu ý nghĩa tác dụng, mục đích, đặc trưng bộ môn cũng góp phần tạo hứng thú cho Hs trong học tập. Có thể nói:chiếc chìa khóa giúp Hs mở ra kho tàng kiến thức, đó chính là phương pháp học tốt.
Sau đây, chúng ta lần lượt tìm hiểu về các vấn đề vừa nêu trên :
I.Tác dụng của văn học đối với con người và cuộc sống
1) Văn học là sáng tạo của con người, vì lợi ích và đời sông của con người. Một tác phẩm văn học hay phải mang tính “ bồi dưỡng tình đời” giúp mỗi chúng ta có thái độ sống đúng đắn.
Khi đọc “ Truyện Kiều”, chúng ta không chỉ say mê vì những vần thơ tuyệt tác:
“ Dưới cầu nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.”
hoặc:
“ Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.”
mà còn học tập được tấm lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du khi xót thương cho số phận cay đắng, tủi nhục của Thúy Kiều, khi bênh vực cho những người lương thiện bị áp bức. Đồng thời chúng ta cũng học tập được thái độ yêu – ghét rạch ròi. Yêu những người chính nghĩa lương thiện, ghét những kẻ ác ôn “ Đầu trâu, mặt ngựa ào ào như sôi” vào nhà dân cướp bóc:
“ Đồ tế nhuyễn, của riêng tây,
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”
2 ) Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực xã hội, giúp ta hiểu được đời sống một cách đầy đủ hơn. Thông qua văn học, chúng ta nhận thức được nhiều điều bổ ích về con người và cuộc sống trong quá khứ cũng như hiện tại.
Khi xem bộ phim “ Osin “ chúng ta như được thấy tận mắt cuộc sống quá cùng cực của những gia đình tá điền thời phong kiến ở nước Nhật. Ở nước ta, nhân vật chị Dậu – trong tác phẩm “ Tắt đèn “ của nhà văn Ngô Tát Tố – là một phụ nữ nông dân, trước Cách mạng tháng Tám, cũng đã phải sống khổ sống sở bỡi bọn cường hào ác bá, bọn địa chủ bóc lột. Chúng ta không khỏi thương tâm khi nghĩ đến cảnh đời bất hạnh, bế tắc của người nông dân dưới thời phong kiến.!
Ngày nay, đọc thơ Tố Hữu, chúng ta vô cùng sung sướng khi thấy cảnh đất nước độc lập, tự do ; đời sống ở nông thôn đổi mới hơn, tươi sáng hơn:
“Dân có ruộng dập dìu hợp tác,
Lúa mượt đồng ấm áp làng quê.”
Văn học cũng là’ món ăn tinh thần’không thể thiếu của mỗi con người, là phương tiện giải trí lành mạnh và bổ ích. Nó làm cho tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của chúng ta thêm phong phú, nhạy cảm trước cái đẹp, cái thiện, cái thực của cuộc đời. Văn học còn giúp con người hoàn thiện nhân cách, sống tốt hơn, cao thượng hơn, biết yêu thương con người và sống có ích cho mọi người. Đó cũng chính là “ thông điệp “ mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đã gửi đến người đọc chúng ta qua truyện ngắn “ Bức tranh “ của ông.
II. Sự cần thiết của việc học Văn
1) Học văn học là học tiếng nói,ngôn ngữ của dân tộc ; học cách nói, cách viết, cách diễn đạt. Học văn sẽ giúp ta sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ, tạo điều kiện thuận lợi trong học tập cũng như trong sinh hoạt và làm việc của mọi người. Trong học tập, môn Văn là phương tiện, là công cụ để học các môn khác.
Có học Văn, học sinh mới biết trình bày, diễn đạt các bộ môn khác một cách chính xác, rõ ràng. Trong đời sống, học Văn giúp ta biết cách giao dịch, giao tiếp bằng thư từ, biết cách trình bày các loại văn bản…
2) Học Văn để nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, năng lực thẩm mỹ. Học Văn để giữ gìn bản sắc dân tộc, để kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc: hiếu thảo, nhân ái…Học Văn cũng chính là học đạo làm người.
III. Phương pháp học tốt môn Văn
1) Trước hết, hãy yêu môn Văn và thích thú khi học môn này. Sau đó, Hs phải quyết tâm và chịu khó học tập, rèn thói quen đọc kỹ, tập trung suy nghĩ và ghi nhớ. Tốt nhất là mỗi Hs cần có cuốn “ sổ tay văn học” để tích lũy vốn văn chương cho mình. Hãy ghi tất cả những vần thơ hay, đoạn văn hay, nhân vật mình yêu thích hoặc lời nhận định, phê bình về tác phẩm, những câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn…vào sổ tay này. Ghi theo chủ đề hoặc theo thứ tự A,B,C để dễ dàng khi cần sử dụng.
2) Nói chung là vậy, còn cụ thể Hs cần thực hiện cac thao tác học sau đây:
a) Học ở nhà:
_ Phải có thời gian biểu để sử dụng quỹ thời gian cho hợp lý. Mỗi ngày, Hs cần khoảng 2 giờ để học thuộc bài cũ, làm đủ các bài tập mà Thầy Cô đã qui định ở tiết trước, chuẩn bị bài mới.
_ Để tiếp thu tốt bài học ở lớp, Hs cần chuẩn bị bài ở nhà thật kỹ. Soạn trước bài sẽ học, trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa, đọc phần chú giải để hiểu rõ hơn. Chuẩn bị bài tốt, đến lớp tiếp thu bài giảng sẽ nhẹ nhàng và hiểu sâu hơn, Hs sẽ không thấy học Văn khó khăn và khô khan.
b) Học ở lớp:
_ Phải tập trung sự chú ý vào bài giảng của Thầy Cô. Chăm chú nghe đọc, theo dõi phần giáo viên hướng dẫn tìm hiểu bài, giảng bài và luyện tập. Ý nào hay, tâm đắc thì ghi chú thêm. Ý nào con hoài nghi, thắc mắc thì đánh dấu lại rồi sau sẽ hỏi Thầy Cô, phụ huynh hoặc bạn bè.
Khi xây dựng bài, Hs cần mạnh dạn phát biểu ý kiến của mình . Tập nói cũng là một cách rèn luyện tốt ; nói lưu loát, viết sẽ dễ dàng, văn sẽ trong sáng.
_ Những chỗ giáo viên diễn giảng, bình cái hay, cái đẹp của hình tượng nghệ thuật, của tác phẩm văn học, Hs cần lắng nghe những lời lẽ mang tính văn chương, cách sử dụng ngôn ngữ văn học đó để cảm nhận được sự tế nhị, phong phú cùng tài nghệ điêu luyện của nhà văn , nhà thơ.
Hãy thực hiện :mắt theo dõi trên bảng, tai nghe, tay ghi, đầu suy nghĩ !
c) Ngoài học ở lớp, Hs còn tranh thủ học trong sách báo ; nghe những lời dẫn chương trình, những bản tin trong đài phát thanh, những lời bình hay về các tác phẩm, các bộ phim trong đài truyền hình.

Tóm lại, những phút học Văn như vậy sẽ kích thích sự ham hiểu biết của Hs. Hiểu thêm một điều là tốt, biết thêm một điều là tăng vốn kiến thức của mình lên. Hs sẽ rất hứng thú và cảm thấy môn Văn đáng yêu vô cùng !Từ đó, để học tốt môn Văn là điều không khó !


NHẤT LỘC
( Nhị 4 – K 7 )

Lời Tự Tình

018-Nguyễn Thị Lộc-Khóa 7 TuTinh2

NGÀY VỀ

Năm nay- 2011- em về lại trường xưa. Trường đang được xây mới, không còn dấu vết gì của cảnh cũ! Em có cảm giác rất lạ- một sự mất mát lớn lao!
Bao ký ức ùa về…bâng khuâng một nỗi nhớ!
Nhớ hàng cây sứ, cành trĩu bông trước sân trường Quốc Gia Sư Phạm Saigon năm xưa. Thuở hồn nhiên, em đã trèo lên chạc cây để anh chụp ảnh. Tấm ảnh đầy vẻ tinh nghịch, nhưng cũng thật đáng yêu!
Kỷ vật vượt thời gian đấy!
Còn đâu những dãy hành lang dài hun hút để đến giờ ra chơi mình phải mỏi mắt tìm nhau như cái cảnh “Em ở đầu sông, anh cuối sông”. Nhưng anh lại bảo một cách đắc ý rằng:
_Chỉ cần nhìn suối tóc xõa dài xuống lưng, anh biết đó là em!
Nét đặc trưng mà!
Nhìn những dãy tường cao xung quanh trường cũng gợi cho em nhớ lại trước kia… Những ngày học 2 buổi, em phải nghỉ trưa tại trường. Anh đã lén Cô Giám thị luồn qua tường cho em ly xirô đá bào. Thật tuyệt! Thật mát lòng trong những ngày đầu hè oi bức!
Một kỷ niệm khó quên!
Dẫu thời gian qua đã hơn 40 mươi năm, nhưng em vẫn nhớ hoài những buổi tập dợt văn nghệ chuẩn bị cho ngày lễ Tốt nghiệp. Trong hoạt cảnh ca múa “Lý ngựa ô”, anh đã nắm thật chặt bàn tay em khi hát câu “Anh đưa nàng về dinh”. Em thật sự bối rối khi chợt nhận ra ánh mắt thiết tha và bàn tay ấm áp của anh!
Anh còn uốn nắn em cách phát âm sao cho tròn vành rõ tiếng, rồi đệm đàn guitare tập em hát nhạc Trịnh để đi hát giao lưu với các trường bạn. “Hoa Thiên Lý” ơi! Anh còn nhớ hay anh đã quên?
Một thời du ca thật lãng mạn!
Em đã từng ước ao được cùng anh trở về trường xưa, tìm lại những kỷ niệm của một thời huy hoàng, một thời áo trắng hồn nhiên vô cùng quý giá ấy!
Nhưng anh vẫn chưa về!?
Giờ đây, em gặp lại rất nhiều bạn đồng môn.Đang quây quần trò chuyện với em là các Cô Phùng Thị Viễn, Lâm Thị Mai (k 7); Lê Thu Sơn ( k 5) và cácThầy Nguyễn Văn Thịnh(k 6), Bạch Đằng Giang (k 13), Nguyễn Văn Thọ( k 8 ), Lý Trung Bình (k 7 ). Người nào tóc cũng đã nhiều muối hơn tiêu! Có người thật viên mãn, có người trông khắc khổ. Nhưng tất cả đều toát lên niềm hân hoan, tay bắt mặt mừng, đầy ắp tình thân!
Vui như Tết ấy!
Em lại được gặp mặt và hỏi thăm sức khỏe Thầy Hiệu trưởng kính mến của trường Quốc Gia Sư Phạm Saigon cũ _Thầy Đoàn Viết Bửu. Tóc Thầy bạc nhiều, nhưng da dẻ hồng hào; trông Thầy thật phúc hậu! Em còn được trò chuyện với Thầy Nguyễn Duy Linh. Thầy vẫn thân thiện và nhanh nhẹn như ngày nào. Trông Thầy trẻ, khỏe hơn so với tuổi đời!
Còn đó những cây cao, bóng cả!
Em đã tham dự nhiều lần Họp mặt truyền thống Gia Đình Sư Phạm Saigon. Vậy mà, mỗi lần được về lại trường xưa, em đều rất vui và xúc động.! Hàng năm, em mong đến ngày 01-01, để lại được chào đón quý Thầy-Cô kính mến và gặp gỡ những bạn bè thân thương!

018-Nguyễn Thị Lộc-Khóa 7 Truongxua1

Nhớ
018-Nguyễn Thị Lộc-Khóa 7 Nho


PHỤ NỮ - Niềm vui và nỗi khổ


‘…Tiến về Saigón Ta quét sạch giặc thù…”
Tiếng ca hùng hồn vang xa, rất khí thế như thúc giục chúng ta trong những ngày đầu giải phóng Saigon. Tưởng như là mới hôm qua đây thôi, thế mà đã gần 40 năm qua đi! Nhanh thật! Trong ngót 40 năm ấy, biết bao nhiêu đổi thay? Những thay đổi sâu sắc và toàn diện, xoay chuyển từ cách nhìn, cách nghĩ đến mọi quan hệ sinh hoạt của quần chúng. Trong đó, rõ nét nhất làsự đổi đời của phụ nữ. Cách mạng đã đem đến cho phụ nữ quyền sống, quyền làm người.

Nhớ lại quãng đời cũ –trước Cách mạng tháng tám –phụ nữ đã phải sống trong lao tù của xã hội phong kiến và bị khinh miệt đến mức độ không có một chút địa vị nào trong gia đình hoặc ngoài xã hội. Nhưng họ đã không cam chịu mà phản kháng đòi quyền làm người. Họ luôn luôn đấu tranh đòi quyền sống cho mình, chống lại trăm nghìn xiềng xích của lễ giáo tam tòng, củahủ tục phong kiến. Tiếng nói chống đối của họ khá mạnh mẽ. Khi bọn phong kiến quan niệm giá trị của họ không bằng nam giới (Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô) thì họ mạnh dạn trả lời:
Ba đồng một mớ đàn ông,
Đem bỏ vào lồng cho kiến nó thui.

Và:
Ba trăm một mụ đàn bà,
Mua về mà trải chiếu hoa cho ngồi.
Bộ áo tam tòng tròng vào người phụ nữ từ bao đời nay, cũng bị họ lần hồi xé manh, xé vụn. Chế độ gia tộc phụ hệ phong kiến cho phép cha mẹ có quyền ép buộc con cái phải theo ý kiến độc đoán của mình (Tại gia tòng phụ). Cái quyền bất khả xâm phạm ấy đã gây ra bao thảm cảnh bi kịch trong gia đình:
Mẹ tôi tham thúng xôi rền,
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Tôi đã bảo mẹ rằng đừng,
Mẹ hấm mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.
Bây giờ chồng thấp, vợ cao,
Như đôi đũalệch so sao cho bằng.

Quan niệm “xuất giá tòng phu” cũng là sợi dây oan nghiệt của lễ giáo phong kiến cột chặt người phụ nữ vào cảnh sống cực nhục trong bất bình đẳng, lệ thuộc hoàn toàn vào người đàn ông. Tuy phụ nữ Việt Nam vốn “cần cù, trung hậu, đảm đang”, lại rất tôn trọng chồng, thương yêu con, chịu mọi thiệt thòi cho chồng con sung sướng, nhưng khi gặp phải hạng người vô tình bạc nghĩa, họ cũng mạnh dạn chống lại bằng thái độ dứt khoát:
Đất xấu nặng chẳng nên nồi
Anh đi lấy vợ cho tôi lấy chồng.

Còn bao nhiêu tai ách khác nữa? Cái gông “phu tử tòng tử” giam hãm biết bao cuộc đời son trẻ của những quả phụ! Biết vậy, nên họ nuối tiếc thời xuân xanh phải thủ tiết! Thật là vô vị! Họ xem hạnh phúc của mình quí hơn hàng chục cái “sắc phong tiết hạnh” của triều đại phong kiến vì họ hiểu rằng:
Lênh đênh chiếc bách giữa dòng,
Thương thân góa bụa phòng không lỡ thì!
Gió đưa cây trúc ngã quì,
Ba năm chực tiết còn gì là xuân!
Chúng ta còn nghe nhiều tiếng nói của phụ nữ phản kháng chế độ đa thê nữa. Giai cấp phong kiến cho phép người đàn ông được lấy nhiều vợ và có quyền bỏ vợ, trái lại cấmngười đàn bà ly hôn. Vì vậy, họ căm hờn những kẻ phụ bạc:
Từ ngày tôi ở với anh
Anh đánh, anh mắng, anh tình phụ tôi.
Có thịt anh tình phụ xôi,
Có cam phụ quít, có người phụ ta.
Có quán tình phụ cây đa,
Ba năm quán đổ, cây đa vẫn còn.

Tiếng kêu của họ vút lên từ nghịch cảnh đau thương, bi thảm ấy và họ mong mỏi xóa được cảnh đời đen tối, thê lương.

Phụ nữ ngày nay đã được nâng lên một bậc, có tầm vóc thời đại trong tham gia bảo vệ vàxây dựng đất nước. Đã có Đoàn Thị Hồng Chiêm ngoan cường trong chiến đấu ở biên giới phía Bắc, có “đôi tay vàng” trong sản xuất của Trần Thị Bé Bảy, có Châu Thị Kim – với đức tính khiêm tốn, giản dị, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, lại lao động cần cù, sáng tạo, đạt năng suất cao - đã và đang là những tấm gương sáng cho công nhân nhà máy dệt Phong Phú nói riêng và cho tuổi trẻ nói chung. Hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Duyên tận tụy trong phong trào Bổ túc văn hóa mà bà con ở Hóc Môn không thể nào quên được.

Cho đến nay, cuộc sống của phụ nữ có sáng sủa hơn, hay nói cách khác là đã bớt đen tối, nhưng chưa phải đã xóa sạch. bất hạnh. Đó đây trên đất nước ta, cũng còn có nhiều trường hợp phụ nữ bị đối xử bất công, bị đánh đập tàn nhẫn và thậm chí còn bị giết chết một cách không thương tiếc!

Một mùa xuân nữa lại sắp đến, nhưng niềm vui của phụ nữ chưa trọn vẹn và nỗi khổ vẫn tiếp nối! Từ xưa đến nay, vấn đề đấu tranh giải phóng phụ nữ luôn luôn được đặt ra và sẽ còn là vấn đề trọng tâm đối với bất cứ thời đại nào, đất nườc nào nếu ở đó còn tình trạng phụ nữ bị áp bức. Lê-nin cũng đã từng khẳng định điều đó qua câu nói: “Giai cấp vô sản sẽ không thể nào tự giải phóng hoàn toàn được, nếu họ không giành quyền tự do cho phụ nữ.”


ƯỚC MƠ CỦA MẸ

“Thương con khuya sớm bao tháng ngày, lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn…”. Đó là lời ca quen thuộc trong ca khúc “Lòng mẹ” của cố nhạc sỹ Y Vân – một nhạc phẩm bất hủ, sống mãi với thời gian. Dù đã nghe qua hàng trăm, hàng ngàn lần nhưng mỗi khi nghe lại, bài hát ấy vẫn gây xúc động lòng người bỡi giai điệu đẹp, bỡi những ca từ chứa chan tình cảm đã như dựng nên bức chân dung người Mẹ giàu đức hy sinh cao cả, sự chăm lo tận tụy và lòng bao dung.

Từ bao đời nay, mọi người đều biết Mẹ là người đã tạo ra hình hài vóc dáng, đãcho con sự sống trên cõi đời này. Trong kho tàng ca dao Việt Nam, nghệ sỹ dân gian cũng đã từng khẳng định công ơn này qua câu :
“ Nghĩa Mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.”



Không chỉ “mang nặng đẻ đau” mà Mẹ còn khó nhọc nuôi dưỡng, dạy dỗ con từ lúc con cất tiếng khóc “oa…oa..” chào đời cho đến tuổi trưởng thành, nên người hữu ích cho xã hội. Công lao sinh thành, dưỡng dục của Mẹ đối với con thật là mênh mông, vô bờ bến; không sao kể xiết, không gì sánh bằng!
Chạnh nhớ Mẹ ta khi xưa…
Bữa ăn nào cũng vậy, cơm xới vào chén con, “bo bo” lùa vào chén Mẹ. Con hỏi thì Mẹ cười giòn :
-Mẹ thích “bo bo” bùi bùi, béo béo!
Con ngây thơ tin lời Mẹ nói.

Rồi cả tháng trời mới đến đợt được mua một con cá duy nhất trong mâm cơm thì bao giờ đầu cá cũng là phần của Mẹ, còn con được phần nạc trên lưng. Con hỏi thì Mẹ hắng giọng mà rằng:
-Thủ lĩnh xơi thủ cấp, thuộc hạ miễn khiếu nại!
Con ngây thơ vui vẻ “tuân lịnh”.

Mẹ không chỉ chịu thương chịu khó để kiếm sống mà còn lo cho con được đi học. Những buổi tan trường, sau cơn mưa rào xối xả, mặt đường lênh láng nước. Trên con đường lầy lội từ trường về nhà, khi gặp phải những “ổ gà, ổ voi” Mẹ đã cõng con trên lưng lội bì bõm để quần áo con khỏi ướt – ngày mai còn có cái mặc đến lớp! Chiếc lưng nhỏ nhắn của Mẹ muốn oằn xuống – vì sức nặng của con và của cả cái cặp – mà Mẹ vẫn hỏi han về việc học của con. Trên chiếc lưng thon ấm áp của Mẹ, con đã thủ thỉ:
-Mẹ ơi! Con cố gắng học giỏi, mai mốt con đi làm nuôi Mẹ, heng!
Giọng mẹ tràn đầy niềm tin!
-“…Mai sau con lớn làm người tự do.”
Con thích thú reo lên:
-A! Con cũng biết câu thơ này, cô giáo đã dạy con rồi. Nó trong bài “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Con nhớ chính xác, Mẹ à!

Thấm thoát, tuổi thơ qua đi. Lớn lên con đã hiểu…
Tuổi thanh xuân của Mẹ đã lặng lẽ trôi qua trong cái mớ bòng bong “cơm, áo, gạo, tiền”. Thời kỳ quá độ muôn vàn khó khăn của xã hội ta để tiến lên xã hội chủ nghĩa mà con vẫn được ăn no, mặc ấm: vẫn được sống yên vui để học tập thì quả thật Mẹ đã vất vả biết là dường nào!

Giờ đây, ăn một miếng ngon, mặc một chiếc áo đẹp, con cũng xót lòng nghĩ tới Mẹ trước kia đã phải xoay xở mưu sinh đến “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới kiếm được cái ăn, cái mặc cho con để con được học hành đến nơi đến chốn.
Hiện nay, con là một công dân tốt. Và con vô cùng sung sướng khi đang sống trên mảnh đất quê hương đã được độc lập, tự do: non sông gấm vóc liền một dãi từ Bắc chí Nam. Chắc hẳn Mẹ cũng đã hãnh diện vì con, đã hài lòng khi nhìn thấy “…con lớn làm người tự do.”. Ôi! Mẹ sống bình thường thôi, nhưng ước mơ của Mẹ thật là vĩ đại!
Con biết, con là tương lai của Mẹ. Con không những biến ước mơ của Mẹ thành hiện thực mà còn không ngừng phát triển, nâng cao ước mơ đó lên ngang tầm thời đại. Làm được như vậy, con mới có thể đền đáp phần nào công ơn to lớn như trời cao, biển rộng của Mẹ. Con nghĩ, đó là cách tốt nhất để con bộc lộ tình thương yêu và lòng biết ơn sâu sắc đối với Mẹ – người Mẹ giàu lòng hy sinh, suốt đời tận tụy vì con.

Viếng Mộ Thi Nhân
018-Nguyễn Thị Lộc-Khóa 7 GhengRang

* Email Contact *018-Nguyễn Thị Lộc-Khóa 7 ChuKyXuanLoc

suphamsaigon
suphamsaigon
Admin

Tổng số bài gửi : 522
Join date : 17/12/2013
Age : 70
Đến từ : Saigon-Viet Nam

https://suphamsaigon.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết