suphamsaigon.forumvi.com - Gia Đình Sư Phạm Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

040-TÌM HIỂU CHỮ THẦY-CHA -Ts Nguyễn Hữu Phước

Go down

040-TÌM HIỂU CHỮ THẦY-CHA -Ts Nguyễn Hữu Phước Empty 040-TÌM HIỂU CHỮ THẦY-CHA -Ts Nguyễn Hữu Phước

Bài gửi by suphamsaigon Wed Oct 31, 2018 8:45 pm

TÌM HIỂU CHỮ THẦY - CHA


Bà : Út ơi! Hôm nay M sẽ làm một cái “pound cake” để anh nhăm nhi trà với các bạn đồng ngiệp dạy học ngày xưa. N có chịu hông?

Ông: Chịu lắm chứ. Bánh thì chắc chắn là ngọt rồi. Nhưng M nhớ làm thật ít đường theo lời bác sĩ dặn M nhé.
Bà: Tối nay ngoài người bạn gốc thầy giáo, một học giả, một giáo sư, và cha Mạnh còn có ai thêm không vậy anh?
Ông: Có luật sư Trí, dược sĩ Thơm, và người thợ máy làm chung garage sửa xe với trẫm. Luật sư Trí sẽ nói về “living trust”, tên của một loại di chúc để để tài sản lại cho con cháu theo ý muốn của mình để khi mình chết, con cháu khỏi đi ngang qua thủ tục tòa án vừa rườm rà, vừa tốn tiền nhiều.

Bà: Chuyện nghe chuyên môn quá, tối nay em không dự đâu. Em chỉ khoái nghe N nói về những cái lắc léo của tiếng Việt mà thôi vì từ nhỏ tới khi theo N em chỉ học trường Tây nên em thích nghe ai nói chuyện về tiếng Việt. Bây giờ trong lúc em làm bánh, N không được đi đâu hết. Hôm nay sắp đến Father’s Day, N phải nói về hai chữ thầy, và cha cho em nghe. Nếu bỏ em ở đây làm một mình em sẽ để thật nhiều đường vào thì N sẽ đi vào nhà thương đấy.

Ông: “Ái khanh” hăm dọa “trẫm” mà không sợ trẫm giam vào lãnh cung sao. Trẫm biết khanh sẽ hỏi lãnh cung là cái gì. Nhưng bỏ qua đi. Trẫm sẽ nói về hai chữ mà khanh vừa hỏi. Vì khanh nấu ăn cực nhọc, nên trẫm sẽ nói theo kiểu quảng cáo của Mỹ “buy two get three free” (mua hai tặng ba). Nói khác đi, trẫm sẽ kể hai chữ khanh hỏi và kể tặng thêm ba chữ khác cùng loại. Năm chữ đó là: Giả sĩ, sư, thầy, và cha.

Năm chữ nầy, mỗi chữ đều có nhiều nghĩa, nhưng có một gạch nối chung là tất cả đều có nghĩa người, hoặc người có nghề chuyên môn, hoặc người có học, hay người mà mình kính trọng, thương yêu. VN ta còn có rất nhiều chữ khác để diễn tả đến những gì thuộc về “người”.
Chúng rất đa dạng và do đó rất phong phú, nhưng đồng thời cũng rất phức tạp đối với những người đang học Việt ngữ như M và N.
Trong buổi họp tối nay có đủ năm người liên hệ đến các chữ trên. Đến giờ nầy trẫm cũng chịu thua không biết tại sao dân ta dùng nhiều chữ khác nhau như vậy để chỉ về “người”. Khanh phải cho trẫm 15 phút để … tra tự điển. Xong trẫ và các bạn sẽ nói cho khanh nghe trong lúc khanh làm bánh, nướng bánh và nấu các món ăn khác cho tối nay.

PHẦN I : GIẢ - SĨ - SƯ

CHỮ GIẢ
Giã (dấu ngã) và giả (dấu hỏi)

Giã

Ông: Chúng ta có nhiều chữ giã (dấu ngã), có chữ không liên hệ đến chữ người, có chữ lại liên hệ.

Trước hết “giã” có nghĩa “ấy là” như trong chữ ghép “Dữ giã viên”. Theo ông Đào Duy Anh, Dữ giã viên là “tên một cái vườn ở Huế, trên sông Hương-Giang gần Phường đúc là chỗ xưa vua ra hóng mát”. Chữ giã nầy rất ít thấy trong sách.

Kế đến, “giã”, tiếng Việt thuần, là dùng chày đâm, đập cho nát, hoặc cho tróc lớp vỏ bên ngoài như giã gạo, giã giò chả. Ca dao có câu:

Một mình giã gạo giữa trời
Cám bay phảng phất thương người đàng xa.

Tiếp theo “giã” có nghĩa là chào để ra đi như giã biệt, giã từ, hay từ giã. Ca dao:

Giã em ở lại vuông tròn
Anh về ngoài nớ không còn ra vô.

Sau hết, “giã ” còn có nghĩa là cám ơn. Ca dao:

Giã ơn ai có cây dừa
Cho tôi nghỉ mát đợi chờ người thương.

Giả

Thứ hai chúng ta có chữ “Giả”, dấu hỏi.

Ông: Xin mời giáo sư bạn nói về chữ giả.

Giáo sư: Chữ nầy cũng có nhiều nghĩa:
Giả là đất đỏ màu đỏ của son, tán nhỏ ra dùng làm thuốc màu. Chữ giả nầy ít thấy dùng trong chữ Việt.
Tiếp theo, giả là nhái theo, bắt chước cho giống một vật, hay một người, cũng có nghĩa ngược lại với thật. Chữ “giả” nầy hết sức phổ thông trong văn nói và văn viết. N chỉ kể ra đây một ít thí dụ: Giả bộ, giả cách, giả chết, giả chước, giả danh, giả dạng, giả điên; giả mạo, giả vờ. Ca dao có câu:

Giả đò mua chiếu bán manh
Giả đi đòi nợ thăm anh kẻo buồn.

Dân ta có món giả cầy tức là món giò heo nấu theo kiểu nấu thịt chó. Ngoài ra tất cả những gì không phải là thứ thiệt thì người ta thêm chữ giả phía sau: bạc giả, chân giả, ngực giả, sĩ quan giả v.v.

Bây giờ chúng tôi nói đến chữ “giả” là người. Chữ giả nầy cũng hết sức thông dụng và những tiếng đôi đi kèm thường giản dị, và dễ hiểu. Chúng ta có các chữ đôi sau đây, chữ đôi nào có vẻ khó hiễu, sẽ có chú thích :
Diễn giả, nguời nói chuyện về một đề tài. Đọc giả ; hành giả = nhà sư đi đường, cũng có nghĩa là tên gọi chung hay tên thường của những nhà sư cấp dưới ; Dịch giả ; hiền giả, người nhân đức, hiền lành;hiệu đính giả, người coi lại, so sánh và sửa một câu, đoạn, hay bài văn ; học giả: người có đọc sách, nghiên cứu, và hiểu biết nhiều, (khác với học viên, chỉ người đi học ở một chương trình, hay một lớp huấn nghệ v.v. mặc dầu giả và viên đều chỉ người; khán giả; ký giả, chữ nầy có thể coi như đồng nghĩa với phóng viên; nhơn giả, người có lòng nhơn từ, khác với nhơn viên, người làm việc ở một tiệm, cơ quan.Ngoài ra còn có soạn giả ; tác giả ; thiền giả, người học phật pháp ; thính giả. Nhưng khi một người vào dự thính ở một cuộc nói chuyện, chúng ta lại dùng cụm từ dự thính viên để chỉ người đó.

Về dấu hỏi và dấu ngã, đây là hai câu “bắt vần” cho dễ nhớ “giả” (hỏi) và “giã” ( ngã). Chỉ ở câu số hai bên dưới những chữ giã có dấu ngã:
Giả đò, tác giả, giả như
Giã gạo, giã biệt, giã từ, giã ơn
Diễn giả, học giả, giả chơn
Thiền giả, hành giả, giả cơn, giả cầy.

Ông: Cám ơn bạn già. Ông quay sang Bà và hỏi : Chữ “giả” tương đối đơn giản phải không ái khanh?
Bà: Phải, nhưng khi gặp một ông “học giả” không phải thứ thiệt thì mình gọi ông ấy là “học giả giả” hay sao?
Ông: Thì đành vậy chớ biết gọi là gì? Sao bửa nay khanh lại hỏi khó trẫm làm vậy? Khanh có để ý không, những người liên quan tới văn chương, sách vở thường được mang chữ giả. Thí dụ trong tập san Dòng Việt số 2, 1994 có ghi một trong những công trình trước tác, phần Nhật ngữ, của “học giả” Nguyễn Khắc Kham như sau:
“Ta hãy nói tiếng Nhật, (hai cuốn); Soạn-giả: Toru Matsumoto; Dịch-giả: Yonosuke Tajeuchi; Hiệu-đính giả: Nguyễn Khắc-Kham.”
Giáo sư: Tôi muốn thêm một nhận xét khác về chữ giả và chữ viên.
Như chúng ta biết, một trong những nghĩa của chữ viên là người như chữ giả. Chúng ta có chữ ký giả nhưng không có ký viên, và dùng chữ phóng viên, đồng nghĩa với ký giả, nhưng không dùng chữ phóng giả. Học giả và học viên có hai nghĩa khác nhau, nhưng có thể hoặc chỉ hai người khác nhau hoặc có thể chỉ một người trong hai nhiệm vụ khác nhau. Thí dụ “học giả X còn là học viên xuất sắc của chương trình đào tạo khoa học gia không gian của HK. Hai chữ ghép nhơn giả và nhơn viên cũng thuộc trường hợp của học giả / học viên). Ngoài ra, còn có trường hợp khác: Khi một dịch giả làm công chuyện “thông dịch” cho một buổi thuyết trình, người ta lại gọi ông là thông dịch viên, chớ không gọi dịch giả.

Bà: M hỏi một câu. Các N nói còn nhiều chữ liên quan đến “người” ngoài 5 chữ trên. Anh giáo lại vừa thêm chữ viên. Vậy anh giáo nói thêm cho M nghe sơ về các chữ khác liên hệ đến nghĩa người, và chữ ghép thông dụng kèm theo với mỗi chữ đó mà không cần giải thích. Sau đó các anh sẽ kể chuyện sĩ, sư,thầy,và cha O.K.?

Giáo sư: O.K. Thí dụ chúng ta có các chữ sau đây: tử, viên, sanh hay sinh, phu, quân, và chữ nhơn (hay nhân). Mỗi chữ nầy có rất nhiều nghĩa khác nhau nhưng cùng có mẫu số chung là người.
Tử: Có nhiều nghĩa khác nhau, trong đó có nghĩa là thầy, hay người có học, người trí thức. Sách vở thường nhắc đến các danh nhân Tàu như Khổng tử, Lão tử, Mạnh tử, Trang tử v.v. Khổng, Lão, Mạnh, và Trang là tên họ (family name), còn chữ “tử” được ghép vào để chỉ bậc thầy, hay người có học như đã nói. Nói khác đi, nếu chúng ta nói “Ông Khổng tử” là đã dùng thừa chữ “Ông” rồi vì chữ “Khổng tử” đã có nghĩa “thầy Khổng”, hay nhà trí thức họ Khổng. Có người còn viết Khổng Tử (chữ hoa) vì kính trọng, chớ không vì Tử là tên ông Khổng.
Viên là tròn (viên đạn, bò viên); là vườn (công viên); là con khỉ (hầu viên); là dinh thự (viên môn). Viên cũng dùng để gọi người theo chức vị, hay chỉ một chức vụ như: Viên thư ký, viên tri huyện; hoặc học viên, nhơn hay nhân viên, phóng viên, sinh viên, thành viên; tùy viên, ủy viên v. v.
Sanh hay sinh = đẻ ra, cuộc sống, và là người học trò. Tiếng ghép: Sanh đẻ, sanh dưỡng, sanh trưởng, sanh bịnh; học sanh, môn sanh, sanh viên.
Phụ = giúp đỡ, phò, thua hay thiếu nợ. Phụ còn vừa có nghĩa cha, vừa có nghĩa mẹ, vợ, hay người đàn bà. Những chữ ghép: phụ huynh, phụ mẫu, phụ nữ, phụ tử, phụ tướng hay nội tướng (vợ), phụ thân (thân phụ), thiếu phụ, mệnh phụ.
Quân = lính, còn có nghĩa là người bạn, là chồng, là vua v.v. sẽ nói ở bài khác.
Nhơn hay nhân là con người, hạt giống, lòng thương v.v. Tiếng ghép: nhơn quả, nhơn duyên, nhơn đạo, nhơn giả, nhơn hậu, nhơn cách, nhơn dân, nhơn gian, nhơn khẩu, nhơn lực, nhơn mã, nhơn mạng, nhơn số, nhơn sự, nhơn tài, nhơn tạo, nhơn văn, nhơn vật, nhơn vị v.v. Nhơn cũng có nghĩa là con rễ (hôn nhơn), là bà con bên ngoại.

Ông: Cám ơn giáo sư bạn. Bạn chúng ta đã cho nhiều chữ “bonus” liên quan đến con người. Như vậy là tạm đủ theo lời yêu cầu của khanh rồi, thôi trẫm chấm dứt ở đây khanh nhé.

Trẫm nói sang chữ “SĨ”, khanh đồng ý chứ ?
Bà : Hồi đầu, M có nói là không muốn nghe thuyến trình về living trust. Nhưng bây giờ em đổi ý muốn nghe bạn luật sư của chúng ta nói trước. Lý do là N luôn tránh né câu hỏi của M là khi nào em chết? Và việc phân chia cái nhà và mấy chiếc xe của chúng ta ra sao ? M xin lỗi N vì nói thiệt là nếu M chết sớm như bác sĩ đã nói, và nếu anh đem hết nhà cửa, xe cộ cho . . . bà kế, thì con, dâu, và cháu nội của hai ta trắng tay sao ? Phải có cách nào bảo vệ chúng nó, mà N không bị thiệt thòi. M nói có công bằng không ?
Ông : OK. Chúng thần dân xin tuân hành lệnh của Mẫu Hậu: Nói chuyện living trust cho xong, nói chuyện chữ Sĩ sau.

CHỮ SĨ

Sỉ (dấu hỏi) và Sĩ (dấu ngã)

Chữ “sĩ” chỉ người phức tạp hơn chữ “giả”. Chúng ta cũng có chữ sỉ (dấu hỏi), và chữ sĩ (dấu ngã); cả hai chữ đều có liên hệ đến người.

Sỉ (dấu hỏi)

Chữ sỉ (dấu hỏi) có ba nghĩa.
Nghĩa thứ nhứt là nguyên phần, không bị cắt ra như trong chữ mua sỉ, bán sỉ.
Nghĩa thứ hai là xịt mạnh hơi ra như sỉ mũi hay hỉ mũi.
Nghĩa thứ ba là nhục hay xấu hổ như các chữ : Sỉ vả, sỉ nhục, sỉ mạ, sỉ tiếu. Cả bốn từ nầy đề có nghĩa mắng nhiếc, nói xấu hay làm nhục, cười chê một người trước mặt người khác.
Liêm sỉ = trong sạch và biết xấu hổ như câu: “nếu anh ta là người liêm sỉ thì anh ta không nên làm việc xấu đó”.
Quốc sỉ = điều xấu hổ chung cả nước.
Sỉ cách = biết việc hư vì xấu hổ.
Sỉ tâm = lòng biết xấu hổ.
Trong ba nghĩa trên, chữ sỉ là xấu hổ là từ Hán Việt.


Sĩ (dấu ngã)

Chữ sĩ (dấu ngã) cũng như hầu hết những chữ khác, sắp nói, tiếng Trung Hoa viết bằng nhiều chữ khác nhau, có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng những giọng đọc các chữ sĩ nầy đều giống nhau trong mỗi giọng của TH như giọng Quảng Đông/QĐ, Quan thoại /QT, Triều châu/TC v.v.; và giọng Hán Việt/HV của VN đều đọc tất cả các chữ sĩ viết khác nhau đó là sĩ.

Trước hết sĩ có nghĩa là đợi, và có nghĩa là bờ sông. Chữ sĩ nầy rất ít thấy dùng trong sách chữ Việt . Chữ sĩ nầy không liên hệ gì đến chữ người.

Kế đến, sĩ trực tiếp chỉ về người, có nghĩa là quan lại hay nôm na theo ngày nay là công chức bàn giấy như những chữ:
Sĩ bản = danh sách quan lại.
Sĩ đồ hay hoạn đồ = giới làm quan ngày xưa.
Sĩ hoạn = người làm quan; sĩ tiến = ra làm quan.

Bốn chữ trên rất ít dùng trong tiếng Việt. Dân Việt có rất nhiều người tuy không đọc hay viết được chữ Hán (chữ TH) và là lẽ đương nhiên, nhưng có thể nhận ra chữ sĩ (quan lại) viết bằng chữ TH. Lý do đơn giản: Đó là chữ sĩ trong bộ cờ tướng và bộ bài tứ sắc. Ai biết đánh cờ tướng hay chơi bài tứ sắc đều có thể nhận ra bảy chữ Hán quen thuộc: tướng, sĩ, tượng, xe, pháo ngựa và chốt (hay tốt).

Tiếp theo, sĩ là học trò. Chữ sĩ nầy còn có nghĩa là người có học vấn, người có nghề chuyên môn, người có nghề trong quân đội. Trong chữ Việt chúng ta có rất nhiều tiếng ghép với chữ sĩ nầy.

Về những tiếng ghép bắt đầu bằng chữ sĩ, liên hệ trực tiếp đến học trò và những người có học chúng ta có:

Sĩ dân = người dân có học.
Sĩ lâm, sĩ lưu, sĩ nhân = cả ba đều chỉ chung những người đọc sách, có học.
Sĩ phu : Nghĩa đen là người đàn ông; nghĩa rộng là những người có học, hay giới có học trong một làng, tỉnh, hay trong nước.
Sĩ số = số học trò; sĩ tử = những học trò đi thi.

Liên quan đến tánh khí của những người có học chúng ta có:
Sĩ diện = danh dự thể diện; sĩ hạnh = tánh tình tốt; sĩ khí hoặc sĩ tiết = tiết tháo của người có học; sĩ thứ = chỉ chung dân trong nước; sĩ tộc = dòng dõi gia đình có học; sĩ hiền hay hiền sĩ : người có đức, có tài. Ca dao có câu:
Đời nay nhiều kẻ thương tiền
Ít người sở dụng sĩ hiền như xưa.
Hoặc có câu nói đùa:
Nhứt sĩ nhì nông (loại đầu là người có học, loại hai là dân làm ruộng)
Hết gạo chạy rong
Nhứt nông nhì sĩ

Liên hệ đến những người trai tráng, hoặc người trong quân đội, chúng ta có:

Sĩ quan = cấp chỉ huy cao trong quân đội; hạ sĩ quan = cấp bực chỉ huy thấp trong quân đội. Trong nhóm sau nầy, theo thứ tự thấp đến cao, chúng ta có hạ sĩ , hạ sĩ nhất (trên hạ sĩ một bậc), trung sĩ, thượng sĩ, và thượng sĩ nhất (cấp bậc cao nhất của ngạch hạ sĩ qua); sĩ tốt = quân lính hay còn gọi là quân sĩ , chiến sĩ; tử sĩ = người lính chết ở trận.

Về những tiếng ghép có chữ sĩ đứng sau, chúng ta có:
Bần sĩ hay hàn sĩ = học trò nghèo; nho sĩ = người có học thời xưa, lúc chữ nho hay chữ Hán còn thạnh hành.
Sĩ còn chỉ những người hay chữ, người có nghề chuyên môn cần một thời gian học vấn, hay người theo đạo giáo.

Trong ngành liên hệ đến sức khỏe, với định nghĩa bên trên, chúng ta có:

Bác sĩ = người có bằng tiến sĩ y khoa; dược sĩ hay tiến sĩ dược khoa = người có văn bằng hành nghề hay có văn bằng tiến sĩ về thuốc; nha sĩ hay tiến sĩ nha khoa = người hành nghề chửa răng hay người có bằng tiến sĩ về chữa răng; y sĩ = tiếng chỉ chung những người hành nghề chửa bịnh. Một số “đông y sĩ” ở VN không có bằng tiến sĩ kiểu tây phương, nhưng ở Hoa Kỳ có nhiều “đông y sĩ” có bằng tiến sĩ về “đông y” (thường gọi là y học thuốc Bắc hay thuốc Nam). Đa số những người nầy là người Mỹ gốc Á.

Ngoài ra chúng ta còn có:

Ẩn sĩ = người có học nhưng ở ẩn, không ra làm quan chức; ca sĩ = người chuyên về ca hát; chí sĩ = người có chí theo đuổi một mục tiêu giúp đời; danh sĩ = người có học và nổi tiếng; dũng hay dõng sĩ hoặc lực sĩ = người có sức mạnh, thường chỉ người còn trẻ; giáo sĩ = người có căn bản về một tôn giáo và đi truyền giảng về tôn giáo đó; họa sĩ = người chuyên ngành vẽ; kịch sĩ = người chuyên môn đóng kịch trên sân khấu; nữ sĩ = nhà văn, nhà thơ phái nữ; nghệ sĩ = gọi chung những người chuyên môn về một hay nhiều ngành nghệ thuật; nhạc sĩ = người giỏi về nhạc; thi sĩ = người làm thơ; tiến sĩ = văn bằng cao, hoặc cao nhất trong bước đường học vấn chánh thức do các đại học cấp phát; tráng sĩ = người gan dạ, có sức mạnh thể chất hay tinh thần và dám làm việc tốt; quốc sĩ = người tài ba nổi tiếng học giỏi cả nước đều biết; văn sĩ = người viết văn.

Bác sĩ, tiến sĩ y khoa, và y sĩ
khác nhau không hở N ?

Có và không. Trong tiếng Việt và theo nghĩa của Việt Nam, dân ta gọi ông/bà tiến sĩ y khoa (Doctor of Medicine hay MD) là bác sĩ hay y sĩ. Còn tất cả doctor các ngành khác là tiến sĩ ...(và tên ngành học). Chúng ta có thể dùng chữ “y sĩ” để gọi người tiến sĩ y khoa. Nhưng khi gặp một người y sĩ “đông y”, thì như đã nói, chưa chắc là vị đó có bằng tiến sĩ hay không. Trong tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, người ta chỉ dùng tiến sĩ y khoa.

Chữ bác sĩ trong tiếng Việt
là một hiện tượng hết sức VN.

Người TH đọc chữ “tiến sĩ” (viết bằng chữ TH) là “bố sĩ” (giọng quan thoại, dùng âm VN để ghi cách đọc đó của TH). Vì vậy có lẽ chữ “bác sĩ” có nguồn gốc từ chữ “bố sĩ” nầy.
Hồi trước ở VN, chữ “bác sĩ” chỉ những tiến sĩ y khoa (học theo Tây phương) mà thôi.
Từ lúc sang Hoa kỳ, chữ bác sĩ được nhiều người có cấp bằng thuộc một số ngành mới (không có ở VN) dùng. Thí dụ người có bằng Ph.D về “tâm lý trị liệu”, về đông y, về dinh dưỡng, hoặc tiến sĩ về chiropractic v.v. đều đăng trên báo VN hay trong danh thiệp thương mại là “bác sĩ” cả.
Nói khác đi chữ “bác sĩ” bây giờ đã được nhiều người có bằng tiến sĩ trong nhiều ngành khác nhau dùng. Văn bằng của những người nầy liên hệ đến việc trị liệu cho một phạm vi nào đó của thân thể con người, mặc dầu có một vài “bác sĩ”, tuy có bằng hành nghề trị liệu nhưng không cấp được “toa” (prescription) để mua thuốc.

Về chữ tiến sĩ chúng ta có những cách
giải thích sau:

Trước hết ở VN, ngày xưa, thời còn dùng chữ Hán (chữ TH, còn gọi là chữ nho) trong giáo dục VN, người đậu kỳ thi “hương” gọi là cử nhân .Sau đó (số năm không nhất định) phải thi và phải đậu với điểm cao ở cả hai kỳ thi hội và thi đình mới được gọi là “tiến sĩ”. Một số người đậu cao nhất trong các tiến sĩ cùng khóa gọi là những “tiến sĩ đệ nhất giáp” (Tsđng). Tsđng còn chia ra 3 hạng: Hạng cao nhất là “Tsdng đệ nhất danh” được gọi là“trạng nguyên” (nôm na là tiến sĩ bậc tối ưu, với danh dự hạng nhất); hạng kế là Tsđng đệ nhị danh hay bảng nhãn; và Tsdng đệ tam danh hay thám hoa (Nguyễn Sĩ Giác).

Nhà thơ Tú Xương có bài thơ sau đây để chế nhạo một người có cấp bằng tiến sĩ thời xưa (Tú Xương là người thi rớt nhiều lần, trở nên gàn dở, hay làm thơ chế nhạo):

Tiến sĩ khoa nay được mấy người
Trời Nam ý hẳn có ông thôi
Xem văn mà ngán cho văn mãi
Cờ biển vua ban cũng lạ đời.


Sau khi Pháp thành lập chế độ đô hộ VN và áp đặc nền giáo dục theo kiểu Pháp, nói chung, tiến sĩ là bằng cấp cao trong giáo dục đại học (khoảng 7 đến 8 năm học sau bằng tú tài phần II (hay tú tài đôi), hay là 4 đến 6 năm học (hay nhiều hơn, và học liên tục) sau văn bằng cử nhân.

Về chữ tiến sĩ trong hệ thống giáo dục Pháp, một người bạn của N, tốt nghiệp đại học ở bên Pháp trước 1975, giải thích cho N như sau (N nghe sao viết vậy, chưa lật sách để kiểm chứng):

Pháp có nhiều loại bằng tiến sĩ khác nhau. Tiến sĩ đệ tam cấp, tiến sĩ đại học (do một đại học phát), và tiến sĩ quốc gia (do viện đại học quốc gia) cấp cho về một ngành học hay ngành chuyên môn (như hóa học, toán, vật lý, y khoa, dược khoa v.v.. Điều kiệân để lấy cấp bằng tiến sĩ đệ tam cấp tương đối ít khó khăn hơn bằng tiến sĩ đại học hay tiến sĩ quốc gia . Bằng sau là văn bằng cao nhất nước Pháp về một ngành học trừ y khoa và luật khoa.
Ngoài ra Pháp còn có hai cấp bằng “thạc sĩ”. Một là bằng thạc sĩ do trường “Sư Phạm Cao Cấp” ban phát. Bằng nầy là bằng chuyên môn để đi dạy học. Thêm vào, hai ngành y và luật khoa còn có bằng thạc sĩ sau bằng tiến sĩ. Nói khác đi, chỉ có Pháp hay những xứ có hệ thống giáo dục Pháp mới có các loại cấp bằng với tên bằng ghi rõ như trên.

Ở Hoa Kỳ (HK) bằng tiến sĩ cũng là bằng cao nhất trong con đường học vấn. Chương trình tiến sĩ có thể buộc phải có bằng master (như các môn toán, lý, hóa, an sinh xã hội, v.v.) hoặc bằng bachelor (tương đương cử nhân 4 năm, như tiến sĩ luật); hoặc chỉ học có hai hoặc ba năm về những môn căn bản cần thiết, và học thẳng lên chương trình tiến sĩ như dược khoa.

HK cũng có hai tên cho văn bằng tiến sĩ. Một loại có chữ doctor (tiến sĩ) đứng kèm với ngành học, nhưng có thể đứng trước hoặc đứng sau của ngành học. Thí dụ Doctor về Public Health ( viết tắc là DPH, Tiến sĩ về Sức khỏe Công cộng; Doctor về Medicine hay MD, Tiến sĩ Y khoa hoặc ta quen gọi là bác sĩ), Education Doctor (Ed. D, Tiến sĩ Giáo Dục). Đây là những văn bằng chuyên nghiệp mà người có bằng làm việc trong ngành chuyên môn như chuyên viên về sức khoẻ công cộng của Liên Hiệp quốc, bác sĩ trong một bệnh viện, hay hiệu trưởng một trường trung học công lập theo thứ tự các văn bằng vừa kể.

Nhưng Hoa kỳ còn có thêm một văn bằng tiến sĩ nữa, có tên chung là Ph.D (Doctor of Philosophy về một ngành nào đó). Thí dụ trong ngành y khoa, có bằng Ph.D về Medicine, và trong giáo dục có bằng Ph.D về Education. Bằng Ph.D là bằng chú trọng nhiều về nghiên cứu và dạy học (ở cấp bực đại học).
Lẽ dĩ nhiên người có bằng MD hay Ed.D cũng có thể dạy đạy học nếu muốn. Có một chút khác biệt là người Ph.D về y khoa, có thể không cần bằng hành nghề, vẫn đi dạy được. Nhưng nếu muốn hành nghề y khoa (chữa bệnh) thì người nầy phải thi bằng hành nghề (license) trước khi làm việc cho nhà thương (trực tiếp chữa bệnh) hay mở phòng mạch riêng như những người MD. Cũng y như vậy cho người Ed.D và người Ph.D về giáo dục. Muốn làm việc ở học đường bậc tiểu và trung học, phải có “tín chỉ giáo dục” (credential tức giấy phép hành nghề giáo dục), nhưng đi dạy đại học thì không có gì phân biệt rõ rệt giữa hai bằng đó.

Dù sao mỗi hệ thống Pháp hay Hoa kỳ đều có điểm riêng biệt của nó. Một người có bằng Ph.D ở một đại học HK khi sang Pháp xin việc không khai là có “tiến sĩ quốc gia” được. Hoặc ngược lại cho một người có tiến sĩ quốc gia ở Pháp sang HK tìm việc không khai là có Ph.D. Dùng chữ gốc y như trong cấp bằng hay chỉ dùng chữ tổng quát “tiến sĩ” (và tên của ngành học) là khỏi có sự ngộ nhận.

Bệ hạ ơi, tại sao “sĩ” lại liên quan đến “sư” ?

Như trẫm đã nói vì chúng liên hệ đến “người” và những người có học thì thường đi dạy học tức là trở thành giáo sư. Nhưng liên hệ đó không phải chuyện vui hay lắt léo mà trẫm muốn nói. Để trẫm kể chữ sư trước rồi tìm những dạng đặc biệt cho khanh thấy.



Sư cũng có nhiều nghĩa như sĩ bên trên.

Sư không liên hệ đến “người”

Chúng ta có chữ sư là một động vật như: Sư tử = con thú to lớn sống trong rừng và có biệt danh là “chúa sơn lâm”. Nhưng chữ “sư tử hống” hay “sư tử Hà đông” dùng chỉ người vợ ghen tuông dữ tợn.

VN có chữ kinh sư = kinh đô Huế dưới thời Gia Long. Theo tác giả Nguyễn Văn Siêu, “Thế tổ Cao hoàng đế (Gia Long) lấy lại đất cũ (do Tây sơn chiếm), lại đóng kinh đô ở Phú Xuân, gọi là kinh sư.” Theo học giả Bùi Minh Đức thì :

“ Năm Gia long thứ 5 (1806) vua cho gọi tên ‘kinh sư’ hai dinh Quảng Đức và Quảng Trị gom lại… Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) dinh Quảng Đức được đổi tên là phủ Thừa thiên. . .”

Sư liên hệ đến người

Tất cả những chữ sư sẽ nói tiếp sau đây, tiếng TH viết như nhau giống như chữ “sư” là “thầy dạy học”, nhưng có nhiều nghĩa khác nhau mà thôi.

Trước hết sư có nghĩa là một bộ phận trong quân đội hay liên hệ đến quân đội.
Chúng ta có sư đoàn = đơn vị gồm hai lữ đoàn; nhiều sư đoàn thành một quân đoàn; sư đoàn trưởng = người chỉ huy một sư đoàn; Thủy Sư Đô đốc = cấp tướng trong ngành hải quân. Ngoài ra có ban sư = kéo quân về nước sau khi thắng trận; quân sư = người đề ra chiến lược, chiến thuật cho đạo quân, còn được gọi là tham mưu trưởng; quân sư quạt mo = tiếng châm biếm chỉ người bày vẽ mưu kế quá tệ cho một người khác; xuất sư = xuất binh, đưa quân đội đi đánh giặc.

Kế đến sư là người đầu phát minh ra một việc gì như “tổ sư” . . .nghề dệt; hay giỏi đặc biệt về một chuyện gì (thí dụ: anh ta là “sư” về nói dóc, “sư” về ảo thuật).

Tiếp theo, sư chỉ người thạo, rành về một việc liên quan đến ngành học hay chuyên môn riêng của người đó như: Bốc sư = thầy bói, người chuyên xem tướng hay coi tử vi để đoán những chuyện sắp xảy ra cho một người khác; kỹ sư = người có bằng chuyên môn về một ngành liên hệ đến kỷ thuật; pháp sư = thầy cúng, thầy phù thủy; dược sư hay dược sĩ = người có bằng hành nghề bán thuốc theo toa bác sĩ; luật sư hay trạng sư (tiếng nôm na gọi là thầy kiện) = người có học luật và có bằng hành nghề về luật.

Sư còn có nghĩa là người có học rộng về Phật pháp và những gì liên hệ. Chúng ta có: sư tăng hay tăng = chỉ chung những nhà sư thông thạo Phật pháp; sư sãi = chỉ chung những người đi tu cả nam lẫn nữ; sư bà = sư nữ đã cao tuổi; sư cô, sư nữ = bà vãi; sư ông hay sư cụ = nhà sư, nam, trọng tuổi; đại sư = tiếng kính trọng gọi nhà sư; thượng sư hay thượng tọa = nhà sư có cấp bậc cao trong chùa, và là một phẩm trật trong chùa; sư trưởng = nhà sư cao cấp nhất trong chùa.
Không hiểu sao trong dân gian lại có câu tục ngữ:
Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay.

Tục ngữ trên có nghĩa bóng là người của nhóm nào tự khen nhóm đó theo óc chủ quan, chứ thật ra không liên quan gì đến các sư sãi cả. Câu trên cũng giống như câu sau đây:

Mèo khen mèo dài đuôi
Chuột khen chuột nhỏ mình.

Sau hết, sư là thầy dạy học. Liên hệ đến chữ sư nầy có rất nhiều tiếng đôi rất thông dụng, nhất là trong vài chục năm gần đây, khi phim bộ của TH được chuyển âm sang tiếng Việt.

Bắt đầu bằng chữ sư, chúng ta có những tiếng ghép sau:

Sư đồ = tiếng chỉ chung thầy và trò.
Sư đệ = bạn (phái nam) học cùng thầy nhưng nhỏ hơn mình hoặc học lớp dưới.
Sư huynh = bạn (phái nam) học cùng thầy nhưng lớn hơn hoặc học trên lớp. Sư huynh còn là chữ dùng để chỉ những tu sĩ Công giáo thuộc dòng La san (La Salle), chuyên về dạy học như các sư huynh ở trường Tabert, Saigon, ở VN trước 4-75. Chính những sư huynh nầy cũng gọi nhau bằng sư huynh. Và chỉ có sư huynh mà thôi chớ không có sư đệ, sư tỷ, sư muội.
Sư muội = bạn (phái nữ) học cùng thầy, nhưng nhỏ tuổi hơn (muội = em).
Sư tỷ = bạn (phái nữ) học cùng thầy, nhưng lớn tuổi hơn (tỷ = chị).
Sư mẫu = thầy (nữ giới) dạy học.
Sư thái = vị thầy ngang hàng hay cao hơn sư mẫu.
Sư phụ = thầy (nam giới) dạy học (văn hay võ).
Sư phó = Thầy dạy học cho vua
Sư bá = người bậc thầy, nhưng lớn hơn thầy mình (sư huynh của thầy).
Sư thúc = người bậc thầy, nhưng nhỏ hơn thầy mình (sư đệ của thầy).
Sư phạm = khuôn mẫu dạy học; Đại học sư phạm = đại học đào tạo giáo sư trung học; trường Sư phạm Saigon = tên trường đào tạo giáo chức tiểu học thuộc thành phố Saigon (có tên cũ là trường Sư phạm Quốc gia ví lúc thành lập chỉ có trường nầy đào tạo giáo chức tiểu học cho toàn quốc VNCH)
Vạn thế sư biểu = ông thầy ngàn đời. Đây là thành ngữ đặc biệt chỉ đức Khổng tử, một vị thầy được tôn kính qua nhiều thế hệ.

Tiếng ghép với chữ sư (thầy) đứng sau, chúng ta có:
Ân sư = thầy mà mình mang ơn trọng.
Gia sư = thầy giáo đến nhà học trò để dạy chữ, thường là dạy thêm.
Theo học giả Lãng nhân, ngày xưa: “Nghề gia sư tuy là dạy chữ nghĩa nhưng trong thực tế là giữ con trẻ cho bậc phụ huynh …”. Ngày nay vẫn có thể gọi những người kèm trẻ tại tư gia là gia sư .
Giảng sư = một cấp bậc trong ngạch giáo chức đại học của VNCH trước 4-75.
Giáo sư = chỉ chung những người đi dạy học. Ở VNCH ngày trước, những người dạy trung học và đại học mang danh “giáo sư” , nhưng nếu dạy cấp tiểu học thì gọi là “giáo viên” hay thầy giáo. (Ở HK người dạy tiểu học và trung học mang danh hiệu “thầy” (teacher); những người dạy đại học mói có danh hiệu “giáo sư” (professor)
Giáo sư thực thụ = ngạch cao nhất trong cấp bậc giao sư đại học ở VNCH
Họa sư = giáo sư về vẽ.
Mục sư = thầy tu, cai quản nhà thờ và truyền giảng đạo Tin lành.
Nhạc sư = giáo sư âm nhạc.
Quốc sư = thầy của vua (thầy của cả nước).
Tôn sư = tiếng gọi vị thầy một cách kính trọng đặc biệt.
“Vân Tiên vào tạ tôn sư xin về”
(thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn đình Chiểu)
Thái sư = chức quan lớn đứng đầu hàng quan lại (dưới chế độ quân chủ).
Thiền sư = ông sư ở trong một ngôi chùa thuộc phái “thiền” ; ngoài ra cũng có nghĩa người thường (không theo đạo Phật) chuyên về ngành tập trung tư tưởng cho tâm trí được thảnh thơi.
Võ sư = người giỏi về võ nghệ, giáo sư dạy võ nghệ.
Vũ sư = thầy dạy múa.

Đến đây N dã cạn nguồn về chữ “sư” rồi, nhưng như đã nói, có một vài cái lắc léo ( hay phong phú) về việc sử dụng hai chữ sĩ và sư trong tiếng VN. Khi hai chữ nầy dùng ở đầu chữ ghép, sự phân biệt rất rõ (trừ hai chữ sĩ tử và sư tử hoàn toàn khác nghĩa nhau). Nhưng khi dùng hai chữ sĩ hay sư ở cuối của chữ ghép chúng ta thấy một số dạng như sau:

Trước hết có những chữ ghép chỉ đi chung với chữ sư mà thôi (không thể đổi sĩ vào) như: Đại sư, giảng sư, mục sư, nhà sư, tôn sư, trạng sư, vũ sư (dạy múa).

Kế đến có những chữ ghép chỉ đi chung với chữ sĩ, nhưng không ai dùng với chữ sư: Ẩn sĩ, bác sĩ, cư sĩ, chí sĩ, dũng sĩ, hiền sĩ, học sĩ, lực sĩ, nghĩa sĩ, nho sĩ, nữ sĩ, tử sĩ, thi sĩ, tiến sĩ, thạc sĩ, tráng sĩ, tướng sĩ, văn sĩ, và tất cả những chữ ghép trong ngạch hạ sĩ quan trừ chữ thượng sĩ (vì chúng ta có thượng sư và hai từ nầy có nghĩa hoàn toàn khác biệt như đã nói.)

Thêm nữa, có những chữ ghép có thể dùng cả hai chữ sĩ và sư ở cuối. Chúng có thể chỉ cùng chỉ một người như: dược sĩ hay dược sư. Chúng có thể chỉ một hay hai người khác nhau như: Danh sĩ và danh sư ; đạo sĩ / đạo sư; giáo sĩ / giáo sư; họa sĩ / họa sư; luật sĩ / luật sư (trong tự điển HV và VN tự điển không thấy liệt kê chữ luật sĩ, nhưng trong Thánh kinh Công giáo, có dùng chữ nầy để chỉ những người biết luật thời xưa (srcibes), lúc Chúa Giêsu còn sống và còn giảng đạo); nhạc sĩ / nhạc sư; quốc sĩ / quốc sư; tăng sĩ / tăng sư; võ sĩ / võ sư; y sĩ / y sư.
Một đặc điểm khác là chúng ta có dùng chữ nữ sĩ , nhưng không bao giờ dùng nam sĩ (nhưng có nam ca sĩ và nữ ca sĩ). Chúng ta dùng tăng sĩ nhưng không dùng sĩ tăng (trong lúc có thể dùng tăng sư hay sư tăng); dùng chữ sư nữ nhưng không dùng nữ sư ; có sư bà nhưng không có chữ bà sư mà chỉ có bà vãi; dùng sư ông hoặc ông sư, mà không dùng sư nam hay nam sư.

Trong tiếng Việt nói chung có những tiếng ghép có thể đảo ngược, và vẫn giữ một nghĩa hay có hai nghĩa hoàn toàn khác nhau. Cùng nghĩa: Tăng sư / sư tăng; sư tổ và tổ sư; và hoàn toàn khác nghĩa như: Sĩ tử và tử sĩ.

Tại sao có những ngoại lệ như vậy hở N?

Ngoại lệ là “bình thường” của bất cứ ngôn ngữ nào, có lẽ do quen dùng mà ra. Hơn nữa trong tiếng TH tiếng chỉ định đứng trước nhưng trong tiếng VN tiếng chỉ định đứng sau. Thí dụ TH nói bạch mã (HV), VN gọi ngựa trắng.
Trong trừng hợp sư ông và ông sư , cả hai từ “ông” hay “sư” đều có thể dùng làm tiếng chỉ định (vị sư là một người đàn ông hoặc người đàn ông đó là mộ vị sư.
Hơn nữa, tùy theo hoàn cảnh, cách dùng có thể thay đổi hay “phải” thay đổi. Thí dụ, khi đi đường N & M gặp một vị sư già, phái nam, chúng ta chào : “Kính chào Sư ông” (hoặc Hòa thượng, Sư cụ hay Thầy) chớ không thể nói kính chào Ông sư. Đó chỉ là thói quen dùng một cách kính trọng trong việc chào hỏi, nhiều người dùng và dùng lâu rồi nên nghe thuận tai . (Nếu chúng ta nói “Kính chào Ông sư” cũng không có gì sai, nhưng hầu như không ai nói như vậy cả.)

Rắc rối như vậy làm sao nhớ hết hở N?

Thói quen, nhờ nghe nói đến hay đọc thấy, và dùng nhiều lần. Đó là căn bản của việc học một ngôn ngữ. Khi nghe con em chúng ta dùng sai, em đừng bao giò cười với vẻ chế nhạo, làm nó “sợ” hay “mắc cỡ” không tiếp tục học tiếng VN nữa. Nếu thấy có thể chỉ dẫn thêm cho chúng nó, cứ giải thích một cách tự nhiên, chia xẻ những gì mình biết, hơn là cười, mặc dầu là sự vô tình. Điều cần nhớ là hằng ngày M và N nói sai vô số tiếng Anh, con em chúng ta nghe nhưng vẫn cố hiểu chớ không bao giờ tỏ vẻ khó chịu hay vẻ chế giễu chúng ta. Sao chúng ta lại làm ngược với nguyên tắc sư phạm?

N cho M một thí dụ được không?

M nhớ hôm qua hồi M lấy mấy lụi nem nướng từ lò ra để lên bàn. M vừa xoay lưng lại, một lụi rớt xuống đất, thằng Thọ nó la như thế nào không?
M nhớ rồi. Nó la té, té. Em giật mình hỏi ai té? Nó nói “BBQ meat balls” làm em cười “quá chời”.
Đó là cái cười không đúng chỗ mà N vừa nói.

O.K., M sẽ nhớ và không cười “ẩu” nữa. Bệ hạ khỏi giảng “morale” (Pháp: luân lý) nữa. Bệ hạ bỏ nghề giáo lâu rồi, sao bệ hạ còn hay giảng bài quá.

Không phải một mình M đâu. N có dịp nghe nhiều ngươi bạn của N cười con em họ theo kiểu nầy mà không biết rằng họ làm giảm phần nào cái thích ham học tiếng VN của con em họ. Thôi N không “lí luận” với M nữa. Nói một hồi, ăn thua không biết, nhưng rủi em nổi giận “ngang xương”, bỏ không nấu ăn nữa thì khổ cho cái bụng của N lắm.

Nãy giờ hết ba chữ rồi, có vài điều đặc biệt và phức tạp, nhưng chưa có gì độc đáo lắm. N thử kể tiếp những chữ còn lại xem sao.
O.K., để N kể tiếp.
suphamsaigon
suphamsaigon
Admin

Tổng số bài gửi : 522
Join date : 17/12/2013
Age : 70
Đến từ : Saigon-Viet Nam

https://suphamsaigon.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

040-TÌM HIỂU CHỮ THẦY-CHA -Ts Nguyễn Hữu Phước Empty PHẦN II : THẦY & CHA -CHỮ THẦY

Bài gửi by suphamsaigon Wed Oct 31, 2018 8:46 pm

PHẦN II : THẦY & CHA -CHỮ THẦY

Bây giờ xin thầy giáo bạn nói về chữ thầy.

Thầy giáo: “Thầy” là người dạy học. Chữ sư phụ cũng rất thông dụng trong các phim Tàu lồng tiếng Việt. Sư là tiếng HV còn thầy (dạy học) là tiếng thuần Việt. Nhưng cũng có chữ thầy khác.

Chữ thầy do nguyên ngữ Thày (không có dấu ^)

Có nhiều chữ gốc Hán Việt đã được Việt hóa và dùng lâu rồi thành như tiếng Việt thuần. Thày llà một trong số đó.
Thày do chữ thày lì (tiếng Quảng Đông) = người thư ký làm việc cho các công sở. Tiếng Hán Việt đọc là đề lại hay còn dùng chữ thơ lại. Dân Việt ta dùng chữ thầy (để thêm dấu ^) để chỉ những người làm việc văn phòng như : thầy ký, thầy thông (thông ngôn); thầy phán ; sau đó chữ thầy nầy được dùng rộng ra như các chữ thầy cai, thầy đội, thầy cảnh sát.
Ca dao:
(Thầy) Thông ngôn ký lục bạc chục* (tôi) không màng
Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay
(*bạc chục = lương hàng tháng thời xưa)

Nhà thơ Tú Xương có viết một bài về thầy phán, một công chức mới của Pháp ngày xưa (ở VN) ngạch tuy thấp nhưng cũng sống theo Tây:

Ước gì đi học làm thầy phán
Tối rượu sâm banh sáng sửa bò.

Chữ thầy do nguyên ngữ sư

Chữ thầy do chữ sư mà ra, có nhiều nghĩa.

Trước hết tiếng thầy dùng để chỉ một người có một nghề chuyên môn. Chúng ta có các chữ ghép sau: thầy bói hay thầy tướng số = người biết đoán tương lai của người khác. Ca dao:

Tiền buộc dải yếm bo bo
Trao cho thầy bói mua lo vào mình.

Tục ngữ cũng có câu: Thầy bói nói dựa = thầy bói toán hay dựa theo lời nói của khách hàng mà đưa ra lời đoán.

Tiếp theo, chúng ta có:
Thầy cò = người sửa bản thảo trước khi cho đem đi in thành sách báo; trong khoảng thập niên 1940-50 chữ thầy cò còn có nghĩa là người chuyên làm đơn mướn; Thầy địa lý hay thầy phong thủy = người biết rành về việc chọn hướng cho việc xây nhà hay chôn cất sao cho gia chủ hoặc con cháu được hưởng chuyện tốt; Thầy hù (thợ hớt tóc); Thầy pháp (người dùng ếm đối, ma thuật để chữa bịnh); Thầy ta = thầy thuốc người VN; Thầy Tàu (thầy thuốc người Tàu; Thầy tuồng = soạn giả kiêm đạo diễn một vở kịch, hay vở tuồng.

Thêm vào, những người hành nghề chữa bịnh được gọi nôm na là thầy thuốc đều mang danh thầy như: Thầy chích = y tá, chích thuốc tây; Thầy lang hay thầy thuốc Bắc = y sĩ Đông y; Thầy thuốc Tây = bác sĩ. Đặc biệt có cụm từ thầy lang băm = thầy thuốc đông y nhưng dốt nghề, trị bịnh không hiệu quả, hành nghề ẩu, nói là trị hết bịnh, gạt gẫm những người ít hiểu biết nhưng cần trị bịnh, để kiếm chút tiền. Ở VN vì thiếu thuốc thầy Tây nên có nhiều loại lang băm : thầy lá cây, thầy ngải = người dùng lá cây, hoặc ngải để trị bịnh. Thầy lể = dùng vật nhọn lể chỗ sưng, chỗ đau; thầy cúng hay thầy lễ = người đứng lo việc cúng kiến nhờ biết một số lễ nghi có tính cách bùa phép trong việc cúng để trị bịnh, chớ không thuộc một căn bản hay nghi thức của một tôn giáo nào; thầy mằn hay thầy rờ = chữa bệnh dùng cách mằn hay rờ chỗ đau; thầy nước lạnh = dùng nước lạnh để chữa bịnh. Từ thầy cúng, thầy tụng, hay thầy lễ còn chỉ những người rành về nghi thức cúng kiến, tụng niệm cho đám ma, đám giỗ.
Tục ngữ VN có câu: ‘Thầy pháp ăn, thầy cúng chịu’. Nghĩa đen là thầy pháp cúng xong, lãnh tiền đi mất, người bệnh chết, thầy cúng phải đến để làm đám ma; nghĩa bóng là người nầy làm mà người khác phải lãnh trách nhiệm.
“Thầy đổ bóng, bóng đổ thầy” = người nầy đổ lỗi cho người kia.

Chúng ta còn có những tiếng ghép sau đây để chỉ người có một nghề chuyên môn, hoặc có học thức chuyên biệt về một ngành: thầy cả = thầy lớn nhất trong chùa, nhà thờ, hay một dòng tu; thầy chùa = nhà sư , người giỏi về Phật pháp và chuyên về các nghi thức tu hành theo Phật giáo; thầy dòng hay sư huynh = người tu theo một dòng trong Công giáo; thầy đàn hay thầy đờn = người dạy đánh đàn; thầy đồ hay ông đồ = người giỏi chữ nho (chữ Hán) chuyên dạy chữ nho theo giọng Hán Việt hoặc viết chữ nho. Tú Xương cũng có bài thơ nhạo ông đồ:

Người đâu quê quán ở nơi mô
Không học mà sao lại gọi đồ.

Tiếp theo có: Thầy đời = người tỏ vẻ thông thạo chuyện đời, chỉ vẽ cho người khác điều nầy điều nọ; thầy kiện = luật sư , còn có nghĩa là người hay cãi lý mặc dầu không chuyên về luật; thầy tu = chỉ chung những người đi theo một tôn giáo và lo việc tu hành theo những lề luật của tôn giáo họ theo.

Thêm vào, chúng ta có chữ thầy hiểu theo nghĩa chữ sư là người dạy học. Chúng ta có: Thầy cô chỉ thầy giáo, cô giáo; còn để chỉ thầy và vợ của thầy; thầy giáo hay giáo chức = chỉ chung những người dạy học. Các chữ giáo sư, giáo viên đều chỉ giáo chức.

Chữ thầy để chỉ người có một nghề chuyên môn, có hiểu biết chuyên môn, hoặc đi dạy học là chữ thầy thường được dùng với sự kính trọng.
Đó là một truyền thống do ảnh hưởng Tàu từ ngày xa xưa. Lúc còn thể chế quân chủ, nấc thang giá trị xã hội là vua, thầy rồi mới đến cha (quân, sư, phụ). Hiện nay ở quốc nội (miền Nam VN như hải ngoại, những cựu giáo chức còn hưởng được sư kính trọng của những học trò cũ của mình. Nhưng nghe nói trong nước, với thế hệ trẻ, về phương diện xã hội, giáo chức không còn hưởng sự kính trọng của học trò như thời trước năm 1975.

Về sự kính trọng thầy, ca dao có câu:
Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi
Kính thời như một trẻ ơi ghi lòng.

Thầy còn là người cha tinh thần, giúp trí khôn phát triển:
Muốn khôn thì phải có thầy
Không thầy dạy dỗ đố mầy làm nên.

Hoặc:
Muốn sang (sông) thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy.

Hoặc thành ngữ:
Không thầy đố mầy làm nên.

Công ơn dạy dỗ của thầy cũng sánh như công ơn cha mẹ:
Công cha nghĩa mẹ ơn thầy
Ở sao cho xứng cho tày phận con.
(Duyên Hạc)

Trong tiếng Việt, thầy còn có nghĩa là cha (trong chữ cha mẹ, hay phụ mẫu). Theo học giả Lê văn Lân (LVL):
“Thầy là chữ gọi cha và Đẻ là tiếng gọi mẹ của nhiều gia đình ngoài Bắc. Thầy hàm ý dạy dỗ, còn Đẻ tức là sinh ra.”

Ca dao có câu:
Ước gì chung mẹ chung thầy
Để em giữ lấy quạt nầy làm thân

Hoặc:
Cau non khéo bửa cũng giầy
Têm trầu cánh phượng cho thầy ăn đêm


Hay là trong nhà có chuyện bất hòa:
Bởi chưn thầy mẹ nói ngang
Cho nên đũa ngọc mâm vàng cách xa.

Những chữ ghép sau đây đề chỉ cha mẹ: Thầy mợ; cậu mợ; thầy má; thầy thím.

Ngoài ra thầy còn là tiếng vua gọi bầy tôi, hay chủ gọi nhân viên của mình. Thầy còn có nghĩa là người chủ như chủ tớ. Ca dao:
Nhạn lạc bầy tìm cây nó ẩn
Tớ lạc thầy thơ thẩn vào ra.

Hồ Xuân Hương cũng có câu:
Thầy tớ thong dong dạo cảnh chùa
Cầm thư lưng túi rượu lưng hồ
(VN Tự Điển)

Nhưng trong tiếng Việt, dân ta cũng có dùng chữ thầy với giọng không kính trọng. Thí dụ các từ: thầy bà = chỉ hạng trí thức nhưng với giọng chê bai như câu “thầy bà gì mà ăn nói thiếu lễ độ quá”; thầy chú = tiếng tắt của thầy đội chú cai, chỉ những nhân viên công lực, hoặc chỉ người tỏ vẻ có quyền hành.
Tóm lại, chữ thầy để chỉ người có một nghề chuyên môn, có hiểu biết chuyên môn về tôn giáo, hoặc đi dạy học, hoặc chỉ người cha trong gia đình, là những chữ thầy thường được dùng với sự kính trọng của đa số trong xã hội.

CHỮ CHA

Như vừa nói bên trên, thầy cũng có nghĩa là cha. Chữ cha ai cũng biết, nhưng thật ra không đơn giản như M nghĩ.
N nói thiệt hay nói chơi? M chẳng thấy có gì rắc rối hết, vì có ai lại không có cha mẹ?.
Để qua lần lượt kể những gì liên hệ đến chữ cha rồi cưng cho qua biết ý kiến. Hôm nay qua tự giới hạn ở chữ cha thôi. Chữ Mẹ cũng rất quan trọng và phong phú, để dành dịp khác.

Chữ “cha” không có vẽ kính trọng

Thường thì trong đầu chúng ta theo thói quen, và đã được dạy dỗ từ khi biết nói, chữ cha là một tiếng thân thương. Trong vòng bà con quyến thuộc, cha mẹ & anh em là những người gần gũi nhất với đời sống vật chất lẫn tinh thần, tình cảm, và tâm lý chúng ta.

Nhưng có một vài ngoại lệ trong việc sử dụng chữ cha.

Trước hết cha là tiếng chỉ chung những người đàn ông với vẻ khinh bạc khi hành vi hay cử chỉ, hay cuộc sống của người đàn ông đó không đúng theo những tiêu chuẩn bình thường của xã hội.Thí dụ “thằng cha” đó luôn chè chén và còn hút xì ke ma túy; hoặc: “mấy cha” đó là dân đầu trộm đuôi cướp.

Kế đến, chữ cha được những người ngang hàng nhau dùng với tính cách thân mật và do đo kém vẻ kính trọng. Thí dụ hai người bạn nói chuyện với nhau: Thôi đi cha ơi (hay cha nội ơi) đừng xúi nó chạy xe ẩu, rủi ro bị tai nạn thiệt thân chúng nó.

Thêm nữa, có khi người ta dùng tiếng cha làm tiếng chửi như những tiếng tiếng “cha mầy”, “cha mi”, “cha hắn”, “tiên sư cha” nhà nó. Trừ nhóm chữ cuối, ba chữ kia đôi khi lại được dùng trong nghĩa thân thương khi người lớn nói chuyện với trẻ con. Thí dụ tiếng chửi: “Cha mầy, đừng có chọc tao, tao nổi giận là gia đình mầy khổ đấy.” Về cách nói thân thương: “Cha mi nà, mi cười có duyên, dễ thương quá”. Cụm từ “thằng cha già” (thêm chữ “thằng” chỉ hành động hay ý nghĩ xấu) như cha già mắc dịch = tiếng mắng ông già có hành động không tốt; cha già dê = chỉ người già hay theo chọc gái.
Thêm vào, còn có chữ cha đời. Ca dao có câu:

Cha đời cái áo rách nầy
Mất chúng mất bạn vì mầy áo ơi.

Ngoài ra còn vài tiếng chửi khác như : Cha non hay tía non = tiếng gọi những người ngang hàng với mình và có nghĩa không chê bai, hay phủ nhận.

VN còn có một số thành hành ngữ có chữ cha, không có vẻ kính trọng, nhưng cũng không có ý xấu xa hay chửi rủa gì cả. Đó là thành ngữ cha căng chú kiết và cha chài chú chóp = cả hai đều chỉ người xa lạ, không ai biết nguồn gốc, tông tích. Theo GS Bùi Minh Đức (BMĐ) thành ngữ cha hồ chú dẫn cũng cùng nghĩa như cha căng chú kiết. Ngoài ra cũng theo BMĐ ở Huế còn có thành ngữ cha hồ chú nhẫn để chỉ “hai đầu lĩnh cát cứ ở Truông mây, chuyên cướp của khách bộ hành”.

Chữ cha còn dùng khi gặp một việc ngạc nhiên, bất ngờ: Cha! Tuồng hát hay quá xá; chết cha, quên tắt lò ga trước khi đi; cha chả anh ấy gan dạ thiệt!

Sau hết có hai chữ ghép có chữ cha nhưng không dính líu gì tới cha mẹ cả: cha mà có nghĩa thế mà và cha mấy đồng nghĩa với chứ mấy như “tốn chỉ ba đồng cha mấy”. Hai chữ vừa nói là tiếng vùng Huế. (BMD)

M chịu thua rồi, mới mấy chữ mà M bí gần hết vì mới nghe lần đầu. Chắc không có gì đặc biệt khác về chữ cha nữa phải không N?
N biết là câu chuyện khá dài, và nhàm rồi vì không có gì “funny” (vui cười) hết nên M cứ lập lại câu “Hết rồi phải không N?” Nhưng cho N nói vài phút nữa về chữ Cha cho tròn câu chuyện. Ngưng ngang như vầy ức lòng N lắm. M dư biết là N ham nói mà.

Chữ cha với sự kính trọng

Chủ nhật nầy là “father day” (dân Việt ở HK gọi là “ngày hiền phụ”, thêm chữ “hiền” cho hay chớ trong nguyên ngữ không có). Vậy câu chuyện sẽ tiếp tục với chữ Cha thân yêu của chúng ta. N kể câu chuyện vui, ngắn nầy cho M nghe chắc em chịu lắm.
“Hôm qua lúc N vào tiệm Maycy mua cái khuông làm bánh như M dặn. Anh nghe một bà “lão niên” người HK nói với một chàng trai trung niên (có lẽ là con bà, dịch chữ mẹ con cho dễ nghe):
- Mẹ nghe con nói con dẫn các cháu đi mua sắm cho “father day” sao nãy giờ chỉ thấy con sắm quà cho vợ con mà thôi?
- Mẹ biết không, vợ con định nghĩa “father day” là ngày mà “father” của mấy đứa nhỏ mua quà cho má chúng nó; còn “mother day” (ngày hiền mẫu) là ngày mà mấy đứa con đi shopping với cha nó để mua quà cho “mẹ” của chúng nó. Vợ con nói sao, con làm y vậy là chắc ăn me à. Vợ con chưa bao giờ nói sai.”

N thấy anh chàng đó nói đúng quá, M nghĩ sao?
Muốn kể tiếp thì kể đi cha nội, đừng có chọc quê tui nhen.
Ừ để thằng cha già nầy kể tiếp cho “lão bà bà” vui.

Đầu tiên là chữ cha trong chữ ghép cha mẹ, mọi người đều hiểu nghĩa. VN còn dùng nhiều từ khác để gọi cha mẹ của mình như : “Thầy đẻ; thầy mợ, chú má, cậu mợ.

Cũng theo học giả Lê Văn Lân:

“Ở Huế, tiếng Chú để gọi cha quen dùng có lẽ là do tục sợ đẻ con ra khó nuôi chăng?”

Theo chỗ anh biết, thì trong miền Nam cũng có nơi dùng “chú má” để gọi cha mẹ. Điều nầy cũng có thể giải thích được vì dân trong Nam có rất nhiều người có ông bà gốc Quảng (vào Nam lập nghiệp.).

Ông LVL viết tiếp:
“Ở vùng quê Huế có tiếng Bọ để chỉ cha. Chữ nầy có lẽ do chữ Bố chuyển âm, ngoài Bắc Bõ chỉ những người tớ già như U Bõ thân thiết như cha mẹ đã nuôi mình từ nhỏ, chồng u nuôi cũng gọi là “bõ”.

Vì cha (cũng như mẹ) là người quan trọng trong cuộc đời của bất cứ ai, nên có nhiều câu ca dao nói về sự cần thiết hay công ơn cha mẹ:

Con có cha như nhà có nóc.
Hoặc :
Có cha có mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây.
Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Hay là:
Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha mất gót con như bùn.

Gần đây có người đùa là sang HK rồi, con trẻ không cần cha mẹ nhiều như trước nữa vì biết đi tìm việc nhờ tự lập sớm, và nhờ có bảo hiểm nhân thọ củ cha mẹ. Do đó, rủi ro cha mất sớm tuy có thiệt thòi nhưng vẫn sống được, không đến nỗi nguy ngập. Vì vậy, vài câu ca dao trên biến đổi một chút:

Con có cha như nhà có nóc
Cha chết rồi nóc tốt hơn xưa.

Hoặc:
Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha mất gót còn như xưa.
(Một mai cha mất gót còn đỏ hơn).

Có một số gia đình, có con trễ, khi cha đã già rồi con vẫn còn nhỏ, do đó có thành ngữ cha già con mọn.
Cha già con muộn con ơi
Lộng rách da trời con chịu mồ côi
Cha già con mọn con ơi
Gần đất xa trời con (sẽ) chịu mồ côi.

VN còn có nhiều thành ngữ nhắc đến cha mẹ trong rất nhiều khía cạnh khác nhau. Nhiều câu rất rõ ràng không cần chú thích:
Cha mẹ giàu con có, cha mẹ khó con không;
Cha chung không ai khóc (chỉ một vài gia đình có đông con, nhưng khi cha vừa chết thì lo tranh tụng chia gia tài, không có người con nào lo việc chôn cất);
Cha hiền con thảo; cha sinh mẹ dưỡng
Cha mẹ ngảnh đi thì con dại, cha mẹ ngảnh lại thì con khôn;
Cha nào con nấy (dùng trong nghĩa tốt và cả nghĩa xấu);
Cha mẹ làm sao, sinh con hao hao làm vậy;
Cha truyền con nối; Cha ăn mặn, con khát nước;
Cha mẹ sinh con trời sinh tánh ;
cùng nghĩa với câu:
Cha mẹ cú đẻ con tiên, cha mẹ hiền sinh con dữ;
Cha gánh lon con gánh vại (cha việc nhẹ, con việc nặng);
Cha đánh chẳng lo bằng ăn no giã gạo (ăn no mà làm việc giã gạo khổ cực lắm).

Sau đây cần phải nói tới một số chữ ghép đi chung với chữ cha:

Cha con = cha và con; cũng có nghĩa là cha của con như “thưa bác hôm nay cha con đi vắng”;
Cha chồng, cha vợ . M có nhớ mấy câu nói đùa hôm qua của anh Tám Lùn nói về rể dữ và dâu hung không? Các câu đó nói về rề dữ và dâu hung dọa mẹ vợ và mẹ chồng, nhưng “cha nội” Tám Lùn đổi ra cha vợ, cha chồng cho hợp với “ngày hiền phụ”. Hãy nghe rể dữ:

“Xăn quần cho gọn, búi tóc cho cao, đá cha vợ xuống ao cho biết tài chàng rể”.

Và dâu hung:

“Hai tay cầm lấy búa đồng,
Hỏi dọa cha chồng có sợ tui không
Con ơi cha sợ lắm thay
Con đừng có dọa cha chun ngay xuống giường
Cha chun tui cũng chun theo
Tui lấy cù nèo tôi kéo cha ra.”

Dân “miệt vườn” trong Nam còn gọi cha bằng tía. Theo học giả Lê Ngọc Trụ, chữ tía là tiếng người Triều châu (người Tiều) dùng gọi cha. Học giả Lê Văn Lân cũng tìm ra tài liệu viết về chữ cha và tía:

“Chữ tía trong tiếng miền Nam gọi cha là do ảnh hưởng của ngươi Tiều di cư qua thời cận đại đọc chữ Đa., vì theo âm Bắc Kinh đọc chữ Đa là Tieh (Hán Anh tứ dụng tự điển…)”

Miền “lục tỉnh” (đồng bằng Cửu long Đồng nai), nhiều nơi có người Triều châu cư trú, thí dụ vùng Bạc liêu. Ca dao có câu:

Bạc liêu là xứ cơ cầu
Dưới sông cá chốt, Triều châu trên bờ.

Do sống chung đụng, dân vùng lục tỉnh Việt hóa một số tiếng Triều châu thông dụng như “bò bía, giá, hủ tiếu, phá lấu và chữ tía . Chữ hủ tíu, giá, và tía đã hoàn toàn thành tiếng VN. Có bài hát trẻ con (tác giả ?):

Tía em hừng đông đi cày bừa
Má em hừng đông đi cày bừa
Tía em là một người nông dân
Má em cùng là người nông dân
Cùng sống trên đồng bao la . . .

Ngoài ra còn có những câu ca dao sau đây:
Con cò nó mổ con lươn
Bớ chị đi đường muốn tía tôi không?
Tía tôi lịch sự quá chừng
Cái lưng móc thích cái đầu chôm bôm.

Thêm vào còn có câu ca dao nói về người cha ghiền rượu:
Cò ke cút kít cù nhằng
Đố ai uống rượu cho bằng tía tôi
Uống rồi ngã tới ngã lui
Đút đầu vô bụi chổng khu ra ngoài.

Ở HK trong danh từ pháp luật có nhiều loại cha:

Cha đẻ = cha ruột hay theo HV là thân phụ/phụ thân (biological father) = người cha về phương diện sinh học, có cùng một gene (hay DNA) với người con . Chữ cha ruột ai cũng hiểu nhưng phải chú thích vì về phương diện pháp lý có nhiều loại cha lắm, ngoài cha ruột. N kể ra đây:

Cha nuôi = dưỡng phụ = người cha, không phải cha ruột, nhưng nhận một đứa trẻ làm con và cho con nuôi hưởng tất cả quyền lợi theo theo pháp lý (có tòa án chuẩn nhận). Người cha nuôi nầy HK gọi là adoptive father, và người con là adopted child.
Cha nuôi tạm (foster father) = chỉ cha nuôi con tạm giùm cho cha mẹ ruột (vì lý do gì đó cha mẹ ruột không thể giữ được) theo lệnh của Cơ quan Bao vệ Trẻ con, hoặc Tòa án;
Cha kế = khi cha ruột hay cha nuôi chết, mẹ ruột có chồng khác; người con gọi ông đó là cha kế (step father).
Cha trên thực tế = vì một lý do gì đó, cha ruột, không trực tiếp nuôi dưỡng con. Nhưng một người đàn ông khác nuôi dưỡng đứa con trong nhiều năm liền như là một người cha, người đó được gọi là người cha trên thực tế (de facto father.)
Cha đở đầu =Trong lễ rửa tội cho con trai (Công giáo hay Tin lành, HK/ VN) cha mẹ ruột nhờ một người đàn ông khác làm cha đở đầu (god father) cho con mình. Đây chỉ là người cha tinh thần thôi, không có trách nhiệm về nuôi dưỡng. Đứa bé lấy tên thánh của cha đở đầu làm tên thánh của mình.

Chữ cha VN đã đủ phức tạp và phong phú rồi, N thêm cha HK chi nữa, M bắt đầu mệt rồi. Cho N hai phút nữa thôi.

Thầy và Cha trong Công giáo

O.K., N nói chữ cha chót nữa thôi: Chữ cha trong Công giáo. Anh ráng nói thật đơn giản và M chỉ nghe, nhưng đừng hỏi xa hơn. N không trả lời được đâu vì sự hiểu biết của N về phạm vi nầy rất là giới hạn, chắc chắn là cần phải học hỏi thêm nhiều, và cần được chỉ dẫn thêm nhiều.
Trong Công giáo chữ Thầy có ý nghĩa đặc biệt: Các tông đồ của Chúa Giêsu gọi Chúa Giêsu bằng Thầy và Chúa cũng xưng Thầy với các tông đồ (theo tuần báo Hiệp Thông, Trung tâm Công giáo, trích Kinh thánh Gioan, bản tiếng VN, viết tắc là Ga, chương 6, 16 và số trang)

“Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: ‘Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ’” (Ga 6:24-35).

Hoặc: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán với các môn đệ rằng Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được” (Ga: 16, 12-15).

Cũng theo Công giáo chữ Cha chỉ đức Chúa trời hay Thiên chúa.
Chúa trời gởi Con mình xuống làm người, chịu chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại (Chúa Giêsu Kitô) . Chúa trời cũng gởi “Chúa thánh thần” xuống thế làm việc với Chúa Kitô. Chúa trời, Chúa Kitô và Chúa thánh thần tuy có 3 ngôi khác nhau nhưng cùng là một thể. Chúa Kitô là “Chúa con”, và Ngài gọi Chúa trời là Cha. Sau khi Chúa Kitô chết, sống lại và về trời, Chúa Thánh thần vẫn ở lại thế gian giúp Giáo hội Công giáo. Đây là điều mà trong giáo huấn Công giáo gọi là “mầu nhiệm ba ngôi”, hay “mầu nhiệm nhứt thể tam vị” và thuộc về đức tin. Ai tin nơi Chúa trời phải tin mầu nhiệm nầy. Khi làm dấu Thánh giá, các linh mục nói: “Nhân danh (đức Chúa) Cha, và (đức Chúa) Con và (đức Chúa) Thánh thần, amen.”

Tất cả những vị thuộc hàng giáo phẩm là những người đã nhận lãnh chức thánh qua bí tích Truyền Chức Thánh. Bí tích nầy là bí tích đón nhận Hồng ân Chúa ban cho những người bằng lòng hy sinh cuộc sống riêng của mình để theo Hội thánh, trở nên một thành phần nồng cốt trong sự cứu độ nhân loại của Chúa Giêsu. Họ đều mang danh hiệu linh mục hay nôm na là cha.
Danh hiệu nầy phổ thông trong ngôn ngữ của tất cả các nước có một số dân theo đạo Công giáo: HK và Anh quốc, Úc : father; Pháp : père; Tây ban nha: padre. Riêng trong tiếng VN, chúng ta có những chữ sau đây:

Cha = linh mục = chỉ chung tất cả nhửng người đã nhận lãnh chức thánh gồm luôn những chức vị cao hơn hàng linh mục; Cha cũng là người làm việc tại các giáo xứ (hay vùng phục vụ của một nhà thờ), mỗi giáo xứ có một Cha chánh xứ (còn gọi là Cha sở) và một hay nhiều Cha phó xứ.
Đức cha = Giám mục, vị linh mục cai quản một giáo phận gồm nhiều giáo xứ.
Đức cha = Tổng giám mục, vị linh mục cao cấp hơn, cai quản nhiều giáo phận. (Hồng y là một tước hiệu danh dự mà Giáo hoàng phong cho những giám mục hay tổng giám mục có công phục vụ đặc biệït cho giáo hội.)
Đức Thánh cha = Giáo hoàng hay Giáo chủ Công giáo (Pope) ở La mã (Roma). Theo Linh mục Joseph Nguyễn Thanh dẫn lại lời nói của Giáo chủ Gioan-Phaolô II (đương kim Giáo hoàng) là khi trả lời ký giả Vittorio Messori hỏi về từ Đức Thánh Cha, Giáo chủ trả lời rằng cách gọi như vậy phát xuất từ một truyền thống lâu đời và trở thành thói quen,. . chứ không phải do/bởi Giáo hội truyền dạy phải gọi như vậy”.

N ơi, M còn nghe nói họ gọi một vài cha là đức ông. Vậy đức ông thuộc cấp bực nào vậy N?
M vừa vi phạm qui ước “không được ra câu hỏi” theo lẽ N không trả lời; nhưng may quá, N biết chữ nầy.
Đức ông là một chữ mới có gần đây dịch từ chữ “Monseigneur” (Pháp) hoặc “Monseignor” (Anh) = một tước hiệu mà một linh mục nhận lãnh, nhưng ông vẫn là một trong các linh mục, và chắc chắn là ở dưới chức vụ giám mục. Nếu nhìn về phương diện chữ và nghĩa đen mà thôi, thì có vẻ không chỉnh vì “đức ông” lại nhỏ hơn “đức cha”. Nhưng giới Kitô hữu hầu hết ai cũng biết rõ chữ đức cha dùng chỉ giám mục, và phẩm trật trên “đức ông”.

Có một danh xưng khác mà một số dân Công giáo dùng gọi cha mẹ ruột của một linh mục: nhóm chữ “ông cố bà cố” . Đôi khi còn nghe những người bạn nhau (có con làm linh mục) gọi nhau bằng “anh cố chị cố”. Đã mấy năm qua rồi N vẫn chưa tìm được lời giải đáp có lý hay nguồn gốc của cụm từ trên (vì cha mẹ của cha phải gọi là “ông bà nội” mới thuận tai, mặc dầu vẫn biết rằng ngôn ngữ là do thói quen). Tháng 6, 2004, gặp được bài “Những từ Việt ngữ về sự xưng hô” của học giả Lê Văn Lân, mới cảm thấy sáng trí hơn về nhóm chữ đó. Ông giải thích:
“Lối gọi nầy là mô phỏng cung cách cũ xưa của xã hội phong kiến Việt Nam trước đây ngoài Bắc, những người già có con làm quan được gọi là cố như trong chuyện số đỏ có nhân vật Cố Hồng.”

Ngày xưa còn dùng danh xưng “cố” hay “thầy” để gọi một linh mục.

Tóm lại qua năm chữ trên, một lần nữa chúng ta thấy tiếng Việt phong phú, đa dạng nhưng cũng có vài ngoại lệ.

M hỏi một câu chót thôi. N nói còn nhiều chữ liên quan đến “người” mà N chưa kể, vậy anh chỉ nói ra cho M nghe vài chữ thôi và vài chữ ghép thông dụng kèm theo với mỗi chữ đó mà không cần giải thích, và sau đó anh ngưng chuyện, O.K.?
O.K. Thí dụ chúng ta có các chữ sau đây: tử, viên, sanh hay sinh, phu, quân, và chữ nhơn (hay nhân). N nhắc lại, mỗi chữ nầy có rất nhiều nghĩa khác nhau nhưng cùng có mẫu số chung là người. Chữ tử đã nói ở bài trước.

Viên là tròn ( viên đạn, bò viên); là vườn (công viên); là con khỉ (hầu viên); là dinh thự (viên môn); và cũng dùng để gọi người theo chức vị, hay chỉ một chức vụ như: viên thư ký, viên tri huyện; hoặc học viên, nhơn hay nhân viên, phóng viên, sinh viên, thành viên; tùy viên, ủy viên v. v.
Sanh hay sinh = đẻ ra, cuộc sống, và người học trò. Tiếng ghép: Sanh đẻ, sanh dưỡng, sanh trưởng, sanh bịnh; học sanh, môn sanh, sanh viên.
Phụ = giúp đỡ, phò, thua hay thiếu nợ. Thêm vào, phụ còn vừa có nghĩa cha, vừa có nghĩa mẹ, vợ, hay người đàn bà. Những chữ ghép: phụ huynh, phụ mẫu, phụ nữ, phụ tử, phụ tướng hay nội tướng (vợ), phụ thân (thân phụ), thiếu phụ, mệnh phụ.
Quân = lính, còn có nghĩa là người bạn, là chồng, là vua v.v. sẽ nói ở bài sau.
Nhơn (hay nhân) = hạt giống, lòng thương; là mất đi; là bởi vì hay theo đó; là nệm và chiếu. Tiếng ghép: nhơn quả, nhơn duyên, nhơn đạo, nhơn giả, nhơn hậu. Nhơn cũng là nhà người rể (hôn nhơn), là bà con bên ngoại.
Và nhơn là người như : nhơn cách, nhơn dân, nhơn gian, nhơn khẩu, nhơn lực, nhơn mã, nhơn mạng, nhơn nhơn số, sự, nhơn tài, nhơn tạo, nhơn văn, nhơn vật, nhơn vị, và nhơn v.v.

Như vậy là tạm đủ theo lời yêu cầu của khanh rồi, thôi trẫm chấm dứt ở đây khanh nhé.

SÁCH THAM KHẢO

- Ban biên tập Dòng Việt (1994). “Lược lịch và một số trước tác của Cụ Nguyễn Khắc Kham”, Dòng Việt số 2, Nxb Hà Mai-Phương, Campell, California.
- Bùi Minh Đức (2001). Từ điển tiếng Huế, Nxb Tâm An Huntington Beach, Ca, USA.
- Duyên Hạc (2001). “Đạo thầy trò”. Đặc san Lê Hoa, Xuân 01, Nxb Lê Tộc Hội Hải Ngoại, San Diego, Ca.
- Đào Duy Anh (1957). Hán Việt từ diển. Nxb Trường thi Saigon, Việt Nam.
- Lãng Nhân (1993). Chơi chữ. Nxb Zuieleks Co. Pearland, Texas.
- Lê Ngọc Trụ (1993). Tầm nguyên tự điển Việt Nam. Nxb Thành phố HCM, VN.
- Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ (1970). Việt Nam Tự Điển. Nxb Khai Trí, Sàigòn, VN.
- Lê Văn Lân (2004). “Những từ Việt ngữ về sự xưng hô trong gia đình quyến thuộc.” Đặc san Lê Hoa, Xuân 04 Nxb Lê Tộc Hội Hải Ngoại, San Diego, Ca.
- Nguyễn Thanh Joseph (Linh Mục) (2004). “Quan điểm của cố Lm Nguyễn Thế Thứ”, trong bài “Phản ứng . . sau bài viết của tác giả Võ Lý”; Tạp chí Diễn đàn giáo dân, số 30 (tháng 5, 2004), Westminster, Ca.
- Nguyễn Sĩ Giác (2001). “Giáo dục và khoa cử thời Nguyễn” Đại học sư phạm Huế. Dòng Việt số 10, Nxb SEACAF, Huntington Beach Ca.
- Nguyễn văn Siêu (2002). “Kinh sư”. Kỷ niệm 200 năm cố đô Huế. Dòng Việt số 11, Nxb SEACAF, Huntington Beach, CA
suphamsaigon
suphamsaigon
Admin

Tổng số bài gửi : 522
Join date : 17/12/2013
Age : 70
Đến từ : Saigon-Viet Nam

https://suphamsaigon.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết